Ảnh hưởng từ sự cố cháy, nổ hóa chất tới môi trường và vấn đề đặt ra cho lực lượng cảnh sát phòng cháy và chữa cháy
Một số biện pháp xử lý sự cố rò, rỉ hóa chất AMONIAC nhằm giảm thiểu tác hại đối với con người và môi trường |
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, ở Việt Nam hiện nay, lượng hóa chất sử dụng hàng năm lên tới hơn 9 triệu tấn. Hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất đang phát triển mạnh trong thời gian gần đây, hầu hết doanh nghiệp sản xuất trong các ngành công nghiệp khai thác, công nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống, thuốc lá, dệt, may mặc, da và giả da… đều sử dụng hóa chất [3].
Theo thống kê tại tài liệu “Trang vàng Việt Nam 2018/2019” của Công ty cổ phần công nghệ và thông tin doanh nghiệp Việt, hiện nay cả nước có 1.458 công ty sản xuất hóa chất phân bố ở 12 ngành hóa chất khác nhau; có khoảng 100.000 chất đang được sử dụng phổ biến trong quá trình sản xuất ở các doanh nghiệp; có khoảng 8.000 hóa chất thương phẩm thuộc loại độc hại và mỗi năm có thêm khoảng 1.000 hóa chất mới được ra đời [2].
Đặc tính hóa chất chủ yếu mang tính cháy nổ, kích ứng, độc và ăn mòn. Do đó, hoạt động hóa chất luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, sự cố hóa chất có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào và khi xảy ra, sự cố hóa chất luôn tiềm ẩn khả năng phát triển thành sự cố ở quy mô lớn, có tác động trên phạm vi rộng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, nền kinh tế, tài sản và môi trường xung quanh.
Các vụ cháy, nổ hoặc sự cố rò rỉ hóa chất đều gây ô nhiễm môi trường cấp, cục bộ hoặc lâu dài; ở mức độ nghiêm trọng có thể trở thành sự cố môi trường hoặc thảm họa môi trường.
Khi xảy ra sự cố cháy, nổ hóa chất trong thành phần của khói do các đám cháy sinh ra chứa nhiều chất độc hại tác động đến môi trường, như: Các chất khí độc như: CO, H2S, SO2, NO2, HCHO, CH2=CH-CHO, COCl2, các gốc tự do; các chất cháy không hoàn toàn do sự cố hóa chất, sản phẩm hóa chất (gọi chung là hóa chất) như P2O5, NH3, các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, dung môi sơn hay các hóa chất nhân tạo như SiH4,... vô cùng độc hại phát tán vào không khí; Bụi khói PM10; PM2,5; PM1,0; sol khí, do muội than, tàn tro bay,... Các chất độc hại này có thể tạo dòng chảy hoặc cuốn theo hoặc hòa tan theo lượng lớn nước chữa cháy gây ô nhiễm dòng chảy.
Mặt khác, khi xảy ra các sự cố, rủi ro, cháy, nổ hóa chất sẽ bay hơi hoặc tràn, chảy các chất này ra môi trường, gây ô nhiễm và tác động đến hệ sinh thái, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của con người. Sự lan truyền các hóa chất gây nguy hại nhanh nhất qua môi trường không khí, do bản chất ở dạng khí hoặc dễ bay hơi ngay nhiệt độ thường như Clo, brom, thủy ngân, digoxin, axit nitric, phosgen, amoniac ... đặc biệt là các các chất dùng trong ngành bảo vệ thực vật. Chúng sẽ gây tác hại nhanh và rộng đến cả người và sinh vật, có tính sát thương cao.
Đối với các chất lỏng, quá trình phát tán vào môi trường chậm hơn chất khí. Tuy nhiên theo dòng chảy các chất độc hại có thể xâm nhập vào các cơ sở khác gây cháy lan hoặc gây độc cho thủy hải sản hoặc tồn lưu vào trầm tích đáy sông, hồ và xâm nhập vào các chuỗi thức ăn cung cấp cho con người, gia súc, gia cầm. Chẳng hạn sự cố tràn đổ 5.000lit dung dịch HCl đậm đặc được xả thẳng xuống sông, làm thay đổi pH dòng chảy và gây chết hàng loạt các loài thủy sản, các bè cá nuôi trên sông vv...
Đối với các sự cố hóa chất, tính nguy hiểm tăng cao khi xảy ra cháy, bởi nhiệt độ tăng sẽ làm cho nhiều chất độc từ thể lỏng dễ bay hơi gây cháy lan, gây nổ như axeton, xianhidric, nicotin ... Mặt khác một số chất có thể phân hủy tạo ra oxi như H2O2, NH4NO3, KMnO4 làm đám cháy trầm trọng hơn.
Ngoài ra, các vụ cháy, nổ, sự cố rò rỉ hóa chất trong các khu vực sản xuất, kinh doanh và phương tiện vận chuyển có thể phát tán các chất độc hại, như: Axit và kiềm; Các Anion (ví dụ sunfit, sunfat, xianua,...); Chất tẩy rửa như Cloramin B, Javel; Chất thải công, nông nghiệp, phân bón (đặc biệt là phốt phát và nitrat), thức ăn chăn nuôi; Đặc biệt, bọt chữa cháy và hóa chất khí được xử lý trong nước amoniac, thậm chí là nước khi chữa cháy của lực lượng Cảnh sát PC&CC… cũng có một phần ảnh hưởng tới môi trường.
Sự tác động đến con người do ô nhiễm trong xử lý sự cố hóa chất chưa toàn diện [4]. |
Nhận thức được vấn đề nêu trên, trong thời gian qua lực lượng Cảnh sát PC&CC đã tập trung rà soát, tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh, sử dụng, bảo quản hóa chất, sẵn sàng lực lượng và phương tiện để ứng cứu kịp thời khi có sự cố hóa chất xảy ra. Tuy nhiên, khi thực hiện nhiệm vụ, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định như: Việc thực hiện cơ chế, chính sách pháp luật có liên quan đến hoạt động của lực lượng Cảnh sát PC&CC trong việc giảm thiểu tác động của hóa chất, sản phẩm cháy đến môi trường chưa hoàn thiện và không cụ thể; Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của chiến sỹ cứu nạn, cứu hộ còn hạn chế: Đám cháy sự cố hóa chất có đặc điểm riêng, khác với những đám cháy thông thường khác. Do vậy, khi thực hiện nhiệm vụ đòi hỏi chiến sỹ lực lượng Cảnh sát PC&CC phải nắm bắt được tình hình hiện trường, đặc điểm của khu vực xảy ra tai nạn, sự cố như: đặc điểm dây chuyền công nghệ sản xuất, phương tiện bị nạn, các hóa chất độc hại... từ đó áp dụng các phương pháp, biện pháp và phương tiện thích hợp để tổ chức chữa cháy và công tác cứu nạn, cứu hộ đạt hiệu quả cao nhất. Khi thực hiện nhiệm vụ, nếu cán bộ, chiến sỹ áp dụng các biện pháp chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ không phù hợp, sử dụng các phương tiện cứu nạn, cứu hộ không thành thạo… Rất có thể sẽ xảy ra tai nạn thứ cấp, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tính mạng của chiến sỹ và người bị nạn, cũng như ảnh hưởng đến môi trường; Khi xảy ra sự cố, tai nạn, cháy, nổ hóa chất, các hoạt động xử lý (cứu chữa, ngăn chặn rò rỉ, phát tán, thu gom, dập cháy,...); cứu người và tài sản; xác định nguyên nhân, đánh giá thiệt hại chưa được tiến hành đồng thời các hoạt động đảm bảo an toàn cho môi trường nhằm hạn chế thiệt hại trực tiếp trước mắt và lâu dài, hạn chế các yếu tố nguy hiểm thứ cấp phát sinh. Ví dụ, việc dập tắt đám cháy ở Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông (xảy ra ở Hà Nội năm 2019) xong rồi mới tiến hành các hoạt động thăm dò hàm lượng Hg và lên phương án xử lý sau nhiều ngày, nhất là sau những trận mưa lớn đã làm Hg độc hại phát tán ra môi trường rộng lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức và cuộc sống của người dân khu vực này…
Trước tình hình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, trước nhu cầu về tiêu thụ nguyên liệu hoá chất ngày càng tăng cùng với tốc độ tăng trưởng sản xuất hoá chất hàng năm là 15%, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy, nổ hóa chất xảy ra, đồng thời giảm sự ảnh hưởng của các đám cháy hóa chất tới môi trường, lực lượng Cảnh sát PC&CC cần hoàn thiện một số giải pháp sau:
Một là, Chủ động tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến công tác PCCC&CNCH đối với cơ sở hóa chất. Lực lượng cảnh sát PC&CC cần tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh, thành phố: Xây dựng và ban hành kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo đúng quy định; Xây dựng và ban hành kế hoạch, lộ trình di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng hóa chất độc hại, nguy hiểm đang nằm trong khu vực đô thị hoặc khu dân cư tập trung để bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an toàn sức khỏe cho cộng đồng dân cư; Ban hành chỉ thị tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức về cứu nạn, cứu hộ riêng đối với các cơ sở, sản xuất, kinh doanh có nguy hiểm về cháy, nổ trong đó có cơ sở liên quan đến hóa chất; Ban hành kế hoạch tổ chức hướng dẫn tập huấn, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ đối với các cơ sở, sản xuất, kinh doanh có nguy hiểm về cháy, nổ trong đó có cơ sở liên quan đến hóa chất;
Hai là, lực lượng Cảnh sát PC&CC phát huy tốt vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC đối với cơ sở hóa chất nhằm hạn chế thấp nhất số vụ cháy, nổ hóa chất xảy ra. Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền tiến hành rà soát, điều tra, nắm tình hình đối với công tác PCCC tại các cơ sở bảo quản, sản xuất, kinh doanh hóa chất. Trên cơ sở đó tham mưu các cấp có thẩm quyền để ban hành các văn bản chỉ đạo sát sao hơn đối với việc thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn; Gắn công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật với công tác vận động toàn dân tham gia PCCC là nhiệm vụ thường xuyên; triển khai bằng nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục, vận động, với những nội dung phong phú, đa dạng phù hợp với từng khu vực, từng địa bàn để nâng nhận thức, hiểu biết về sự nguy hiểm do cháy, nổ hóa chất và những nguyên nhân gây cháy cũng như thiệt hại do cháy, nổ gây ra để mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ trách nhiệm, nhiệm vụ PCCC không chỉ của riêng ai mà đó là trách nhiệm của toàn xã hội, của mọi người dân. Mặt khác, cần làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra và phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền đưa ra biện pháp xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm về PCCC; đồng thời phải chủ động sẵn sàng về lực lượng, phương tiện và phương án để kịp thời xử lý sự cố xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản cũng như sự tác động đến môi trường.
Ba là, Nâng cao chất lượng và đảm bảo các điều kiện cho công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra cháy, nổ hóa chất. Theo đó, sỹ lực lượng Cảnh sát PC&CC cần thực hiện: Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, chiến sỹ làm công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Đảm bảo hiệu quả thường trực sẵn sàng chiến đấu khi xảy ra sự cố cháy, nổ hóa chất: đảm bảo về số lượng và thành phần cũng như phương tiện theo quy định tại Điều 14, Điều 15 Thông tư số 50/2017/TT-BCA; Đảm bảo trang thiết bị phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra sự cố cháy, nổ hóa chất: lực lượng Cảnh sát PC&CC là lực lượng nòng cốt tham mưu UBND các cấp hỗ trợ nguồn kinh phí để mua sắm trang thiết bị PCCC&CNCH, ngoài việc đảm bảo theo quy định tại Thông tư số 60/2015/TT-BCA [1], cần thiết phải trang bị thêm một số loại phương tiện cứu nạn, cứu hộ chuyên dụng khác phù hợp với chữa cháy và công tác cứu nạn, cứu hộ sự cố liên quan đến hóa chất.
Bốn là, khi xảy ra sự cố cháy, nổ hóa chất cần đề ra kế hoạch khống chế hóa chất phát tán: tầng trên (hóa chất phát tán ở dạng hơi, khí ): sử dùng màn chắn hoặc áp dụng lăng phun tia phân tán để phun mưa (phun sương mù), tầng dưới (hóa chất ở dạng lỏng chảy loang) có thể phun bọt hóa học hay áp dụng phương pháp thấm hoặc cho hóa chất chảy xuống điểm thu. Có thể sử dung một số hợp chất hóa học mà khi phun vào vùng cháy có nồng độ khói, hơi, khí độc cao sẽ giải phóng ra những hợp chất có tính độc hại không cao hoặc không còn tính độc hại, giảm tính độc hại đối với tính mạng của con người khi họ đang làm việc ở trong hoặc ở khu vực lân cận khu vực cháy (Công trình nghiên cứu khoa học Ixachenco) [5]. Ví như:
SO2 + 2NH3 + H2O | → | (NH4)2 SO3 |
CO2 + 2NH3 + H2O | → | (NH4)2CO3 |
NH3 + HCL | → | NH4CL |
8NO2 + 6NH3 + 5H2O | → | 7(NH4)NO3 |
Năm là, Ứng dụng khoa học – công nghệ trong công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với sự cố cháy, nổ hóa chất. Trước hết, cần số hóa thông tin về các loại hình cơ sở nguy hiểm cháy, nổ trong đó tập trung vào các cơ sở liên quan đến hoạt động hóa chất; thông tin về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phương tiện phục vụ công tác chữa cháy và CNCH (hệ thống giao thông, nguồn nước, các phương tiện kỹ thuật đặc chủng…) để nâng cao chất lượng công tác quản lý về phòng cháy cho các đơn vị chức năng và chủ động trong việc đưa ra các phương án ứng phó với sự cố cháy nổ, tai nạn hiệu quả; Ứng dụng từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để nghiên cứu, sản xuất ra chất chữa cháy mới giúp đạt hiệu quả chữa cháy cao hơn và giảm khí nhà kính, thân thiện với môi trường. Thứ hai, lực lượng Cảnh sát PC&CC có thể nghiên cứu ứng dụng phần mềm Aloha để đánh giá sự cố, khả năng phát tán hóa chất khi xảy ra sự cố cháy, nổ hóa chất theo các tiêu chí: Tính toán bức xạ nhiệt; Tính toán quá áp; Phát thải các chất nguy hại; Phát tán các khí nặng từ sự cố hóa chất. ALOHA được sử dụng để đánh giá phát thải của hơi hóa chất độc hại từ các sự cố hóa chất (phát tán, cháy, nổ hóa chất). Trên cơ sở các thông tin sẵn có, các công thức tính toán được lập trình sẵn, ALOHA giúp đưa ra các đánh giá về vùng thiệt hại, mức độ thiệt hại của sự cố một cách nhanh chóng và chính xác, đáp ứng cho trường hợp khẩn cấp thực tế. Mục đích chính của mô hình ALOHA là cung cấp cho nhân viên ứng phó sự cố khẩn cấp những ước tính về phạm vi không gian của một số mối nguy hiểm thường gặp liên quan đến sự cố hóa chất. Đây cũng là công cụ thích hợp cho kế hoạch huấn luyện phòng ngừa, ứng phó với sự cố hóa chất.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Công an (2015), Thông tư 60/2015/TT- BCA ngày 9/11/2015 quy định về tiêu chuẩn, định mức trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy.
2. Công ty cổ phần công nghệ và thông tin doanh nghiệp Việt (2019), Sách Trang vàng Việt Nam 2018/2019, Nxb thông tin và truyền thông, Hà Nội
3. Hồng Ánh (2018) Giải pháp quản lý hóa chất nhằm phát triển bền vững, Tạp chí Kinh tế và dự báo, Tháng 11/2018, Hà Nội
4. Nguyễn Tuấn Anh, Khuất Quang Sơn, Đào Dương Quang (2020), “Giảm thiểu tác hại môi trường trong xử lý hóa chất độc hại của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH” Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế “Vai trò của LL Cảnh sát PCCC&CCNH trong ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống”, Bộ Công An, Nhà xuất bản CAND
5. Trương Đình Hồng, Bùi Trọng Đổng (2010). Giáo trình “Chiến thuật chữa cháy một số cơ sở kinh tế- văn hóa- xã hội”, NXB Giao thông vận tải, HN.