Bà Rịa - Vũng Tàu: Triển khai thực hiện hiệu quả 5 mục tiêu về môi trường
Các nhiệm vụ ưu tiên trong bảo vệ môi trường của Bà Rịa - Vũng Tàu |
Ra quân dọn dẹp rác thải khu vực “điểm đen” cầu Cửa Lấp (TP. Vũng Tàu) hưởng ứng tháng hành động vì môi trường. Ảnh: QUANG VŨ |
Trong thời gian qua, với mục tiêu phát triển bền vững, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, cải thiện, khắc phục ô nhiễm và tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, chú trọng đến các biện pháp như bảo vệ nghiêm ngặt, chặt chẽ nguồn nước các hồ cấp nước sinh hoạt (Đá Đen, Sông Ray...); kiểm soát chặt chẽ nước thải từ các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN)…
Sở Tài nguyên & Môi trường Bà Rịa - Vũng Tàu đã chủ động rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về BVMT, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành và các địa phương đẩy mạnh việc kiểm soát nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ở các khu vực tập trung nguồn thải; quản lý chất thải rắn.
Toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 15 khu công nghiệp (KCN), tổng diện tích 8.510 ha, trong đó có 12/15 KCN đã đi vào hoạt động chính thức. Tổng lượng nước thải phát sinh trung bình của các KCN vào khoảng 45.000 m3/ngày đêm. Tất cả 12 KCN đều được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung và đầu tư hệ thống quan trắc tự động nước thải theo quy định.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có 04 cụm công nghiệp (CCN) đã đi vào hoạt động, tổng lượng nước thải phát sinh trung bình khoảng 1.350 m3/ngày đêm. Tất cả 04 CCN đều được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, trong đó 01 CCN đã đầu tư hệ thống quan trắc tự động nước thải, 03 CCN còn lại đang được yêu cầu đầu tư theo quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP. Hiện, tỉnh cũng đã có 07 dự án thu gom và xử lý nước thải đô thị với tổng công suất xử lý 144.000 m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải các khu đô thị, khu dân cư tập trung.
Về kiểm soát các nguồn thải khí thải, Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu các cơ sở thuộc loại hình luyện thép, sản xuất giấy, đạm, xi măng, hoá chất đầu tư đầu tư trạm quan trắc tự động khí thải và truyền số liệu về Trung tâm quản lý của tỉnh để theo dõi, quản lý; yêu cầu các nhà máy phát sinh khí thải đầu tư công trình thu gom, xử lý khí thải theo quy định. Sở Tài nguyên & Môi trường cũng đang phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản triển khai thí điểm giải pháp xử lý mùi hôi từ chế biến bột cá theo công nghệ của Nhật Bản tại Công ty TNHH Nghê Huỳnh, thị xã Phú Mỹ.
Việc thu gom, xử lý chất thải rắn cũng được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quản lý, kiểm soát tốt. Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh (ngoại trừ huyện Côn Đảo) đã được các đơn vị thu gom, chôn lấp hợp vệ sinh tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên, thị xã phú Mỹ với khối lượng trung bình khoảng 900 tấn/ngày. Còn chất thải rắn công nghiệp thông thường phần lớn đang được thu gom, chuyển giao cho các cơ sở xử lý chất thải tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên; phần còn lại được thu gom, vận chuyển đưa đến các cơ sở xử lý chất thải tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM.
Hiện toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có 07 dự án được cấp phép hoạt động xử lý chất thải công nghiệp nguy hại theo quy định với tổng công suất xử lý theo giấy phép khoảng 281 tấn/ngày, đáp ứng xử lý được khối lượng chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn tỉnh (trung bình khoảng 208 tấn/ngày). Riêng bụi lò luyện thép, tỉnh cũng đã đồng ý chủ trương thực hiện Dự án xử lý bụi lò luyện thép của Công ty Zinc Oxide với công suất xử lý 100.000 tấn/năm tại KCN Phú Mỹ 3, Dự án đã được đưa vào vận hành thử nghiệm từ tháng 9/2019.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên & Môi trường, qua 3 năm triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để xử lý các điểm nóng về môi trường, đến nay, một số điểm nóng cơ bản đã được cải thiện, kiểm soát chặt chẽ và có chuyển biến tích cực như: Khu xử lý chất thải Thiên Phước tại tỉnh Đồng Nai; Kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải vào các sông, suối chảy vào các hồ cấp nước sinh hoạt; Bảo vệ nghiêm ngặt các hồ cấp nước sinh hoạt (Đá Đen, Sông Ray); Hoạt động chế biến tinh bột mỳ, cao su; Khắc phục ô nhiễm Khu vực Cống số 6, xã Tân Hải, không để ảnh hưởng đến hoạt động nuôi thủy sản tại sông Chà Và,… Trong năm 2019, tỉnh đã cơ bản thực hiện các biện pháp xử lý đối với 28/28 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đạt tỷ lệ 100%.
Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được đòi hỏi của sự phát triển như: Một số điểm đen môi trường tồn tại trong thời gian dài chưa được giải quyết; chưa có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ môi trường; các cấp chính quyền, nhất là cấp xã chưa thực sự nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường dẫn đến vẫn còn tình trạng các cơ sở xây dựng trái phép, hoạt động gây ô nhiễm môi trường chưa được xử lý kịp thời; nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường một số cơ sở sản xuất còn hạn chế, nặng về lợi nhuận, chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ môi trường.
Bà Rịa - Vũng Tàu cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để giải quyết các nguy cơ, thách thức trong bảo vệ môi trường. Cụ thể, khi quy hoạch các khu xử lý chất thải và các KCN có ngành nghề nguy cơ cao gây ô nhiễm cần chú ý đến khoảng cách “an toàn” với khu dân cư, nguồn nước...; thiết lập, hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường nền tại các khu vực môi trường ưu tiên, nhạy cảm; tăng giám sát các dự án kể cả trong quá trình vận hành thử nghiệm hay hoạt động chính thức; cần ban hành quy chế ứng phó sự cố môi trường, sự cố chất thải các nguồn, điểm, tuyến, diện thuộc đối tượng quan tâm đặc biệt…
Việc bảo đảm chất lượng nguồn nước tại các hồ chứa là cực kỳ quan trọng. Do đó, tỉnh cần chú trọng thực hiện các biện pháp: Di dời các nguồn thải nguy cơ cao ra khỏi lưu vực; không thu hút, hạn chế một số ngành nguy cơ cao ở gần các hồ chứa nước; tuyên truyền với cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn nước, đồng thời, tổ chức các lớp đào tạo cho các hộ chăn nuôi, trồng trọt, DN sản xuất ở vùng có nguy cơ cao về an toàn nguồn nước; quy hoạch trồng và phục hồi rừng đầu nguồn tại một số địa phương như huyện Châu Đức, Xuyên Mộc; tiếp tục đầu tư các thiết bị quan trắc tự động tại các hồ và các nguồn thải có nguy cơ cao; thực hiện các biện pháp để tăng tỷ lệ thu gom chất thải rắn, ưu tiên các công nghệ xử lý rác tiên tiến để tránh chôn lấp gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm; đầu tư các trạm xử lý nước thải tập trung, bảo đảm đầu ra đạt chuẩn…
Trong những năm tới, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tập trung thực hiện 5 mục tiêu về môi trường. Thứ nhất, là bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn nguồn nước cho phát triển kinh tế và dân sinh. Thứ hai, là kiểm soát nghiêm ngặt phát thải. Các DN trên địa bàn tỉnh sẽ được giám sát chặt chẽ, nếu vi phạm các quy định về phát thải sẽ bị xử lý nghiêm khắc, kể cả việc buộc đóng cửa ngay. Thứ ba, là xử lý những điểm đen về môi trường gắn với chỉnh trang đô thị, sẽ tiếp tục khảo sát để phát hiện và xử lý các điểm đen về môi trường. Thứ tư, chuyển đổi và nâng cao ý thức người dân về xử lý chất thải rắn, đặt ra mục tiêu là phải phân loại rác tại nguồn. Từng hộ dân, gia đình, cơ sở y tế, trường học, cơ sở kinh doanh phải phân loại rác thải để có thể xử lý triệt để, hiệu quả hơn. Thứ năm, là bảo vệ môi trường nghiêm ngặt tại Côn Đảo, xử lý tốt các vấn đề rác thải đại dương, rác sinh hoạt; tổ chức không gian phát triển để Côn Đảo trở thành hòn đảo xanh, có giá trị về môi trường, sinh thái.