Hành trình "tuần hoàn" của chất thải xây dựng

Bài 2: Phát lộ nhiều bãi thải “khủng” đầu độc môi trường

29/05/2023 11:19 Tác động môi trường
Mỗi ngày cả trăm phương tiện luân phiên đi thu gom và vận chuyển rác thải xây dựng để làm vật liệu san lấp, bồi hoàn vào những hố đất vừa được khai thác dẫn tới nhiều bãi thải “khủng” rộng hàng ngàn mét vuông đã được hình thành, gây nguy hại cho môi trường tại phường Long Bình, TP. Thủ Đức.
Bài 1: Xe chở rác thải xây dựng gây ô nhiễm môi trường tại TP. Thủ Đức Bài 1: Xe chở rác thải xây dựng gây ô nhiễm môi trường tại TP. Thủ Đức

Tình trạng này diễn ra giữa "thanh thiên bạch nhật" trong một thời dài nhưng các cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương vẫn chưa có động thái ngăn chặn, xử lý khiến người dân và dư luận hết sức bức xúc.

Tuyến đường Phước Thiện và khu vực lân cận, thuộc phường Long Bình, TP. Thủ Đức có mật độ phương tiện vận chuyển chất thải xây dựng rất lớn. Tại đây, sau nhiều ngày tác nghiệp phóng viên (PV) phát hiện hàng loạt xe có dán Slogan “Vì một môi trường xanh, sạch, đẹp” đi thu gom chất thải xây dựng như xà bần, vỏ bao, gạch vỡ, đất, đá thải… từ công trường xây dựng dự án Khu Dân cư và Công viên Phước Thiện (Khu KDC và CV Phước Thiện) và được vận chuyển đi tập kết nhiều nơi. Trong đó, phần lớn nguồn chất thải này được sử dụng để san lấp mặt bằng, bồi hoàn vào những hố đất đã được được khai thác trước đó.

Bài 2: Phát lộ những bãi thải “khủng” đầu độc môi trường
Các đối tượng sử dụng rác thải để "hoàn thổ" các hố đất đã được khai thác bên trong khuôn viên dự án Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc TP. Hồ Chí Minh.

Lộ trình di chuyển đầy khói bụi, nồng nặc mùi rác thải của những chuyến xe không che chắn, phủ bạt, chạy bạt mạng hầu hết là từ công trình KDC và CV Phước Thiện chạy qua đường Phước Thiện, đường số 6, đường Nguyễn Xiển, sau đó tập kết tại một bãi đất trống rộng hàng ngàn mét vuông tại đường số 11. Theo tìm hiểu, bãi thải này nằm tại thửa số 1 và thửa số 3, tờ bản đồ số 50, phường Long Bình.

Theo người dân địa phương, bãi chứa chất thải này do một người đàn ông tên T. quản lý, đã hình thành trong một thời gian dài, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều hộ dân. Đáng nói hơn, bãi chứa chất thải này chỉ nằm cách UBND phường Long Bình khoảng hơn 500 mét. Khu đất ông T. dùng để chôn lấp rác thải là đất công thuộc sự quản lý của Ban quản lý Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc TP. Hồ Chí Minh (BQL Công viên).

Bài 2: Phát lộ những bãi thải “khủng” đầu độc môi trường
Nhiều loại rác thải được xử lý bằng cách đốt tại chỗ.

Để có diện tích chôn rác thải, chất thải xây dựng, ông T. đã ngang nhiên múc đất đem đi bán, sau đó mang chất thải xây dựng từ dự án KDC và CV Phước Thiện và cả từ các địa phương khác như quận 12, Đồng Nai về đây để chôn lấp… Điều này đã gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khi nước thải từ rác thải chảy ra các hộ dân, đồng ruộng và hệ thống cống rãnh xung quanh. Sau khi các hố được chôn đầy rác, ông T. cho đắp một lớp đất lên trên để trồng cây nhằm che mắt người dân và lực lượng chức năng.

Sự việc đã diễn trong thời gian dài và người dân cũng đã nhiều lần gửi đơn phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng không hiểu vì sao sự việc vẫn không được quan tâm, giải quyết…

Trao đổi với PV, cô Nguyễn Thị N. - một người dân sống gần bãi tập kết rác thải tại đường số 11 bức xúc: “Khu vực này là đất quy hoạch Công viên rộng hơn 400 héc ta. Tuy vậy, việc người dân đào đất đem đi nơi khác để bán diễn ra phổ biến tại khu vực này. Đặc biệt, trường hợp của ông T. sau khi đem đất đi bán còn đem chất thải xây dựng từ một dự án gần đây (dự án KDC và CV Phước Thiện- PV) và từ quận 12, Đồng Nai… về đây để đổ, sau đó phủ đất lên để trồng cây nhằm che mắt lực lượng chức năng. Đây là hành động ngang nhiên chiếm đoạt tài nguyên quốc gia và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Bài 2: Phát lộ những bãi thải “khủng” đầu độc môi trường
Một khối lượng lớn xỉ than được phát hiện trong bãi thải

“Xung quanh khu vực này lúc nào cũng có bảo vệ canh chừng nên người ngoài khó tiếp cận… Việc này đã diễn ra từ lâu nên việc chính quyền địa phương không biết là điều hết sức phi lý. Chúng tôi cũng đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền nhưng không nhận được sự phản hồi…”- cô N. chia sẻ thêm.

Và còn hàng loạt ý kiến phản ánh thể hiện sự bức xúc đối với vấn đề ô nhiễm môi trường do việc xử lý rác thải, đặc biệt là rác thải xây dựng tại địa bàn phường Long Bình gây ô nhiễm môi trường, môi sinh.… Nhiều người tỏ ra lo lắng vì cuộc sống mưu sinh, an toàn cho bản thân và gia đình. Vì vậy họ chỉ mong mong các cấp chính quyền, đơn vị liên quan sớm có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Đồng thời khắc phục hậu quả để giữ lấy môi trường sống vốn trong lành cho cộng đồng. Bởi các loại rác thải này không qua xử lý sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường sống, trồng trọt, cũng như ô nhiễm nguồn nước sông ngòi và nguồn nước ngầm.

Bài 2: Phát lộ những bãi thải “khủng” đầu độc môi trường
Sau khi san lấp, khu đất trở thành bãi chứa thải "khủng"

Dư luận đang đặt ra câu hỏi, những bãi chứa chất thải xây dựng trái phép “khủng” này tồn tại trong bao lâu và hành vi san lấp kênh rạch, lòng sông, đất quy hoạch gây nguy hại cho môi trường này liệu chính quyền địa phương và cơ quan chức năng có biết hay không hay là cố tình “làm ngơ” cho vi phạm diễn ra trong thời gian dài?

Liên quan đến vấn đề nêu trên, sau gần một tháng liên hệ, ngày 23/5/2023, PV congnghiepmoitruong.vn đã có buổi làm việc với ông Phạm Ngọc Lượng - Chủ tịch UBND phường Long Bình.

Bài 2: Phát lộ những bãi thải “khủng” đầu độc môi trường
Để qua mặt cơ quan chức năng, các đối tượng phủ lên bãi thải một lớp cát san lấp và trồng cây xanh lên trên.

Liên quan đến thửa số 1 và thửa số 3, tờ bản đồ số 50, thuộc đường số 11, ông Lượng cho biết: “Diện tích đất này thuộc sự quản lý của Công viên... Phường chỉ quản lý địa bàn địa phương, chứ Thành phố đã giao hết cho BQL Công viên tự bảo quản, vì chức năng, nhiệm vụ của BQL tương đương một Sở…

Mỗi lần nhắc đến vấn đề đó, phường cũng rất mệt vì ngày trước các anh trên UBND Thành phố quy hoạch cũng có ý đồ làm lớn để phát triển du lịch tâm linh, nhưng lại không đủ tiềm lực nên đã để cho người dân lấn đất và đã cho thuê tùm lum… Phường cũng đã họp với BQL Công viên và đề nghị phải có biện pháp rào chắn, chứ về mặt quản lý nhà nước, phường đâu có thời gian. Tôi sẽ phối hợp với BQL Công viên để kiểm tra lại…”.

Bài 2: Phát lộ những bãi thải “khủng” đầu độc môi trường
Toàn cảnh bãi thải "khủng" bên trong dự án Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc TP. Hồ Chí Minh.

“Lâu nay phường cũng không nhận được sự phản ánh từ các khu phố và người dân. Hiện tại cũng chưa có biên bản xử phạt vì thẩm quyền của phường chỉ được phạt tối đa 5 triệu đồng nên không đủ sức răn đe. Tuy nhiên, phường vẫn phải chịu trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước…” - ông Lượng khẳng định.

Congnghiepmoitruong.vn sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Theo Thông tư 08/2017/TT-BXD ngày 16/5/2017 của Bộ Xây dựng quy định, chất thải xây dựng phải được thu gom, vận chuyển đến điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý được đầu tư xây dựng theo quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc cơ sở tái chế, công trình khác để tái chế, tái sử dụng…

Phạm Sinh - Mạnh Đức - Trường Giang

Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động