Báo chí sách nhiễu, vi phạm: Vừa xử phạt, vừa giáo dục

08/11/2019 11:23 Tăng trưởng xanh
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Nếu cơ quan báo chí có dấu hiệu sách nhiễu, vi phạm quy định của pháp luật thì xử lý theo pháp pháp luật; ngoài ra còn có hình thức xử lý, giáo dục bằng đạo đức báo chí.
Quốc hội chất vấn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc Hôm nay (8/11), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân sẽ làm bản tự kiểm điểm gửi Thủ tướng nhận thiếu sót

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về vấn đề quy hoạch báo chí, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay, có 868 cơ quan báo chí gồm báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình. Chúng ta cũng nhận thấy, cần phải sắp xếp lại theo hướng tức là mỗi tờ báo, tạp chí, đài phát thanh có những lĩnh vực chuyên sâu của mình, không có chuyện như trước kia nữa, tức là chấn chỉnh hoạt động báo chí mà trong một thời gian trước đây chúng ta cũng có sự buông lỏng.

Bộ trưởng cho biết, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quy hoạch báo chí và Bộ cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện sau đó 2 tháng.

bao chi sach nhieu vi pham vua xu phat vua giao duc
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn sáng 8/11.

Cụ thể, tháng 4/2019, Thủ tướng ký quy hoạch thì tháng 6/2019, Bộ đã ban hành kế hoạch gồm hai bước: Bước một, trong năm 2019 quy hoạch xong các cơ quan báo chí của các Bộ (khoảng 40 Bộ, cơ quan tương đương - PV). Bước 2, năm 2020 thực hiện xong quy hoạch báo chí của các bộ, ngành và địa phương.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị “các địa phương, các bộ, ngành và các đồng chí lãnh đạo quan tâm chỉ đạo để thực hiện tốt quy hoạch này”.

Nhà báo phải tự ý thức

Trả lời câu hỏi của đại biểu về việc bảo vệ đời tư của người dân trên báo chí, Bộ trưởng cho rằng đã có những quy định rất rõ ràng trong Luật Báo chí. Đặc biệt là khi đưa tin về các vụ án xâm hại tình dục, không được khai thác chi tiết.

Theo Bộ trưởng, chuyện khai thác chi tiết liên quan đến đạo đức nghề nghiệp và nhận thức của nhà báo.

“Chúng tôi nghĩ nghề báo là một nghề rất đặc biệt. Bản thân nhà báo phải tự nhận thức về sứ mệnh của mình là vì lợi ích cộng đồng”, Bộ trưởng Hùng nói.

Bộ trưởng cho biết sẽ cùng với Hội Nhà báo Việt Nam tăng cường hơn nữa trong công tác giáo dục đào tạo, nâng cao nhận thức của nhà báo và đặc biệt là sứ mệnh và trách nhiệm của những người làm nghề báo đối với xã hội.

Xử nghiêm báo chí phạm luật

Trả lời đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) về giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng báo chí “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ’, hay giữ tít nhưng thay đổi nội dung,… Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng công cụ để theo dõi, phát hiện và xử lý tình trạng này.

Hiện nay, cả Bộ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam và một số Sở Thông tin và Truyền thông địa phương đã sử dụng công cụ này để kiểm soát. Bên cạnh đó, Bộ cũng xây dựng công cụ về lưu chiểu báo chí điện tử… Qua đó, tình trạng "sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ" đã giảm đáng kể.

Về xử lý vi phạm, Bộ trưởng nêu rõ: Nếu cơ quan báo chí có dấu hiệu sách nhiễu, vi phạm quy định của pháp luật thì xử lý theo pháp pháp luật; ngoài ra còn có hình thức xử lý, giáo dục bằng đạo đức báo chí.

Giải pháp ngăn “báo hóa” tạp chí

Trả lời chất vấn đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) về tình trạng "báo hóa" tạp chí điện tử, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Đây là hoạt động sai Luật báo chí.

Theo Bộ trưởng, hiện nay chúng ta quản lý báo chí thông qua tôn chỉ, mục đích vì báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản và mỗi cơ quan chủ quản đều có lĩnh vực hoạt động của mình.

Luật quy định, tạp chí khác báo ở chỗ là tập trung vào chuyên ngành và định kỳ. Vừa qua có tình trạng một số tạp chí xa rời những điều này. Cũng điều tra, phóng sự, tin thời sự, tin chính trị vượt quá tôn chỉ mục đích cũng như các quy định về tạp chí.

Bộ đã nhìn thấy vấn đề và gần đây đã có một buổi họp của Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo Chính phủ, Hội nhà báo và Bộ Thông tin và Truyền thông để bàn câu chuyện trên và thống nhất đưa ra những giải pháp.

Một là về mặt quy định pháp luật, chúng ta phải làm tường minh câu chuyện thế nào là chuyên ngành, thế nào là định kỳ. Hai là quy hoạch lại các cơ quan báo chí. Khi quy hoạch lại bao gồm việc cấp lại giấy phép, trong giấy phép đó có phần tôn chỉ, mục đích thì phải làm rõ tôn chỉ, mục đích của từng cơ quan báo chí.

Hiện nay có một tình trạng các báo, tạp chí cùng đưa một sự kiện mà đáng lẽ là mỗi một tờ báo cần làm sâu lĩnh vực của mình để tạo một không gian toàn cảnh cho đất nước hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận.

Theo VGP
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động