Bình đẳng giới cần được quan tâm đặc biệt khi xảy ra biến đổi khí hậu

18/09/2019 14:21 Tác động môi trường
Tại các nước đang phát triển và kém phát triển, phụ nữ và những người thuộc giới tính thứ 3 (cộng đồng LGBT) là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều hơn khi biến đổi khí hậu gây ra thiên tai. Như vậy, bình đẳng giới có vai trò quan trọng trong việc thích nghi và giảm thiểu tác động của hiện tượng này.
Bộ mặt của biến đổi khí hậu qua ảnh Ngành Hàng không "sưởi ấm" Trái Đất như thế nào? Tổng Thư ký Liên hợp quốc: Thiên tai là dấu hiệu của biến đổi khí hậu

Theo bản chỉ dẫn và báo cáo về chính sách mới được công bố bởi Trung tâm Đổi mới Quản trị Quốc tế và Viện Quan hệ Quốc tế Nam Phi, biến đổi khí hậu và các vấn đề về bình đẳng giới cần được đi đôi với nhau. Văn bản cũng chỉ rõ vai trò của bình đẳng giới trong việc thích nghi và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, cũng như cách giải quyết kết hợp hiệu quả.

binh dang gioi can duoc quan tam dac biet khi xay ra bien doi khi hau
Phụ nữ chờ lấy nước tại một đường ống ở Karnataka (Ấn Độ). Ảnh: Water Alternatives.

Trên thực tế, phần lớn những người có mức thu nhập thấp trên thế giới là phụ nữ. Tại các nước đang phát triển và kém phát triển, phụ nữ phải đối mặt với sự phân biệt giới tính, nghèo đói… Những yếu tố này khiến họ trở thành đối tượng dễ bị tổn thương hơn khi thiên tai do biến đổi khí hậu xảy ra, như hạn hán, lũ lụt,… Nói cách khác, bất bình đẳng giới đang tô đậm thêm tác động của biến đổi khí hậu lên cuộc sống con người. Như vậy, cách chúng ta duy trì bình đẳng giới là rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Điển hình, khi bão lốc xoáy Idai tấn công Mozambique, Malawi, Zimbabwe vào tháng 3/2019 khiến hơn 1.000 người thiệt mạng, thiệt hại 2 tỉ USD, phần lớn nạn nhân là phụ nữ và trẻ em. Đáng chú ý, có tới gần 75.000 phụ nữ đang mang thai bị đe doạ tính mạng, sống trong tình trạng thiếu nước sạch, không đảm bảo vệ sinh môi trường và chăm sóc sức khoẻ sinh sản,…

Trong các cơ sở lưu trú được thiết lập riêng cho những người phải sơ tán vì bão, phụ nữ và các bé gái luôn phải đối mặt với nguy cơ bị lạm dụng tình dục. Chưa kể tới quan niệm cố hữu của các nước kém hoặc đang phát triển luôn khiến phụ nữ phải gánh vác nhiều công việc trong gia đình hơn, đặc biệt khi có thiên tai xảy ra.

Trước tình trạng trên, Trung tâm Đổi mới Quản trị Quốc tế và Viện Quan hệ Quốc tế Nam Phi đã phải kêu gọi các nhà hoạch định chính sách khẩn trương xem xét các chiến lược, cách thức để cân bằng giới. Quá trình này đòi hỏi lượng dữ liệu lớn về tỷ lệ giới tính, tuổi, thu nhập,…

Năm 2010, Mozambique đã trở thành quốc gia đầu tiên triển khai Kế hoạch hành động vì các vấn đề về giới tính liên quan đến biến đổi khí hậu (ccGAP), theo sau là Ai Cập, Tanzania, Liberia và Zambia.

Theo bản báo cáo, từ năm 2010, các nhà hoạt động xã hội và tổ chức phi chính phủ đã vận động thành công, chính thức đưa các vấn đề về bình đẳng giới vào các cuộc đối thoại thuộc khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) với sự ký kết của các quốc gia châu Phi. Đến năm 2012, Liên hợp quốc đã phê duyệt một cam kết nhằm nâng cao tiếng nói của phụ nữ trong các cuộc đàm phán quốc tế về khí hậu.

Tuy nhiên, văn bản cũng nêu lên khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế. Trong đó, một phần của thách thức chính là quan niệm sai về bình đẳng giới tại các nước đang phát triển. Một số người dân cho rằng, vấn đề kêu gọi bình đẳng giới gắn liền với biến đổi khí hậu là chủ trương chỉ tập trung hỗ trợ phụ nữ.

Qua đó, Trung tâm Đổi mới Quản trị Quốc tế và Viện Quan hệ Quốc tế Nam Phi khuyến nghị chính phủ và các tổ chức phi chính phủ trang bị cho cộng đồng các thông tin cần thiết để thay đổi nhận thức, đồng thời "đầu tư vào trẻ em gái và phụ nữ", trao cho họ quyền được tham gia vào các giải pháp đối phó biến đổi khí hậu.

Đáng chú ý, Tổ chức Women and Gender Constituency trực thuộc UNFCCC cũng kêu gọi các nhà hoạch định chính sách cần đặc biệt quan tâm tới những người mang bản dạng giới đặc biệt (cộng đồng LGBT), khi họ phải đối mặt với bạo lực, lạm dụng và có nguy cơ trở thành đối tượng hàng đầu bị từ chối phục vụ các dịch vụ xã hội, môi trường, kinh tế… khi xảy ra thiên tai.

Báo cáo nêu rõ, để chống lại biến đổi khí hậu một cách hiệu quả, xã hội cần tiến tới thay đổi, cải cách một cách có hệ thống; từ bỏ quan niệm phân biệt giới tính; loại trừ những chuẩn mực cũ mang tính gia trưởng...

Diệu Anh
Theo Eco-Business
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động