Bộ Công Thương hợp tác với Google, mở rộng chương trình Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0
Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông trong lĩnh vực phòng vệ thương mại |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng và Chủ tịch Google Châu Á - Thái Bình Dương Scott Beaumont tại buổi lễ công bố hợp tác. |
Chương trình Bệ Phóng Việt Nam Digital 4.0 được khởi động tại Việt Nam vào tháng 6/2018, nhằm cung cấp các khóa đào tạo kỹ năng số cho 500.000 người lao động và đến nay đã tổ chức đào tạo được gần 85.000 người hoạt động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB) với 24 mô hình đào tạo tại 6 trung tâm đào tạo ở các thành phố gồm: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đà Lạt, Hải Phòng. Chương trình đã nhận được giải thưởng Vietnam Digital Award năm 2018 và một giải Global CSR Award (Giải thưởng xuất sắc cho việc cung cấp kiến thức và giáo dục) năm 2019.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, sáng kiến do Google khởi xướng là một chương trình rất ý nghĩa góp phần giúp Việt Nam xây dựng một hạ tầng vô cùng quan trọng đó là phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng số tại Việt Nam.
Ông Scott Beaumont - Chủ tịch Google châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, khi người Việt Nam có thể tiếp cận được nhiều hơn với những công cụ, dịch vụ, thông tin và khóa đào tạo trực tuyến, họ có nhiều khả năng biến ước mơ của mình thành hiện thực. Google tin tưởng quan hệ hợp tác chiến lược với Bộ Công Thương sẽ giúp đưa chương trình Bệ Phóng Việt Nam Digital 4.0 lên một tầm cao mới. Kỷ nguyên số đem đến vô vàn cơ hội và Việt Nam đang ở một vị thế tốt để có thể phát huy tiềm lực của bản thân.
Dự kiến đến năm 2020 có 500.000 người Việt được huấn luyện từ chương trình này. "Chúng tôi tin rằng quan hệ hợp tác chiến lược với Bộ Công Thương sẽ giúp đưa chương trình Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0 lên một tầm cao mới. Kỷ nguyên số đem đến vô vàn cơ hội và Việt Nam đang ở một vị thế tốt để có thể phát huy tiềm lực của mình"- đại diện Google khẳng định.
Nhân dịp này, Google cũng công bố các chương trình bổ sung để tiếp cận nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn, cũng như giúp họ truy cập các khóa đào tạo kỹ thuật số một cách dễ dàng và tiện lợi hơn. Điển hình như, Digital Bus (xe buýt kỹ thuật số) chuyến xe đào tạo lưu động sẽ đi đến 59 tỉnh của Việt Nam trong vòng 18 tháng (từ 8/2019 đến 12/2020), để cung cấp khóa đào tạo cho người dân ở vùng sâu vùng xa.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng và Chủ tịch Google Châu Á - Thái Bình Dương Scott Beaumont cắt băng khai trương Digital Bus - Xe buýt kỹ thuật số. |
Ứng dụng Primer giúp người dùng học các kỹ năng mới về tiếp thị kỹ thuật số và kinh doanh nhanh chóng, dễ dàng và hoàn toàn miễn phí. Primer hoạt động ngay cả khi không có mạng Internet (offline). Vì vậy, người học có thể học lập kế hoạch kinh doanh, quản lý, bán hàng, quảng cáo kỹ thuật số, phương tiện truyền thông xã hội, tiếp thị nội dung, phân tích, xây dựng thương hiệu và hơn thế nữa bất cứ khi nào bạn có 5 phút rảnh rỗi - mọi lúc, mọi nơi...
Hiện nay, Việt Nam đang dẫn đầu các nước ASEAN về thị phần kinh tế kỹ thuật số, với 9 tỉ USD tổng giá trị giao dịch (GMV), chiếm khoảng 4% GDP trong năm 2018 và dự báo sẽ tăng thêm gấp ba lần (33 tỉ USD) vào năm 2025. Đại đa số (khoảng 98%) doanh nghiệp tại Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm đến 64% tổng số việc làm quốc gia và 45% GDP. Tuy nhiên, chỉ có 16% các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đông Nam Á nói chung thực sự tận dụng được các công cụ kỹ thuật số.