Các địa phương siết quản lý, khai thác khoáng sản

22/11/2019 16:13 Chính sách - Pháp luật
Thời gian qua, trên địa bàn các tỉnh vẫn còn tình trạng hoạt động lén lút khai thác khoáng sản trái phép. Để ngăn chặn, giải tỏa dứt điểm các điểm, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, các địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp tăng cường quản lý khoáng sản.
Chính sách bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản Hiện đại hóa công nghệ khai thác và chế biến Than - Khoáng sản Quản lý chất thải NORM: Còn thiếu những quy định cụ thể

Lai Châu được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho kho báu tài nguyên khoáng sản như: Kim loại màu (đồng, vàng, chì); đặc biệt là mỏ đất hiếm Đông Pao và Nậm Xe. Ngoài ra, tỉnh Lai Châu còn có nguồn khoáng sản phong phú, đa dạng như khoáng sản nguyên liệu (vật liệu xây dựng, đá trang trí mỹ nghệ, gốm sứ...) và tài nguyên nước khoáng, nước nóng. Đến nay, tỉnh đã cấp 30 giấy phép khai thác khoáng sản: Cát, sỏi, đá, thăm dò khoáng sản cho tổ chức, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra ở một vài nơi trên địa bàn tỉnh, nguy cơ tái diễn còn cao. Một số đơn vị được cấp phép thăm dò đã lén lút khai thác khoáng sản trái phép. Một số mỏ khoáng sản không thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường, phương án cải tạo phục hồi môi trường.

cac dia phuong siet quan ly khai thac khoang san
Ảnh minh hoạ.

Nhằm bảo vệ tài nguyên, ngăn chặn các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, UBND tỉnh Lai Châu yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc quản lý địa bàn, kịp thời phát hiện ngăn chặn các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Kiên quyết giải tỏa triệt để hoạt động khai thác khai thác khoáng sản trái phép; gắn trách nhiệm người đứng đầu là Chủ tịch UBND các huyện, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nếu để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn, lĩnh vực quản lý. Thường xuyên tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh khoáng sản trái phép. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về khoáng sản.

Với trách nhiệm quản lý tài nguyên khoáng sản trong giai đoạn hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lai Châu đã phối hợp các huyện, thành phố, sở, ngành liên quan tăng cường thanh kiểm tra lĩnh vực khoáng sản, nhất là việc chấp hành trong hoạt động khai thác của tổ chức, cá nhân.

Đồng thời, yêu cầu các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản phải thực hiện nghiêm theo quy định; nghiêm cấm hoạt động khai thác trái phép. Trong trường hợp kiểm tra nếu phát hiện khai thác trái phép sẽ tham mưu cho tỉnh huy động lực lượng giải tỏa, ngăn chặn.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự vào cuộc của ngành chức năng, địa phương; công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh thời gian qua cơ bản có sự chuyển biến; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Để tăng cường triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các sở Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải khẩn trương rà soát các quy hoạch ngành liên quan đến việc thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản thuộc lĩnh vực quản lý, quy hoạch cấp phép các cảng, bến bãi; xin ý kiến các Bộ, ngành Trung ương về việc tích hợp các quy hoạch vào quy hoạch tỉnh; báo cáo kết quả thực hiện về Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30/9/2019, để Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tham mưu, báo cáo.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh, kiểm tra đối với các tổ chức có hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh; đồng thời trao đổi thông tin về sản lượng tài nguyên thực tế khai thác trong năm của các tổ chức với cơ quan thuế để phối hợp quản lý thuế theo quy định.

Cục thuế tỉnh rà soát, kiểm tra thuế đối với các tổ chức có hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh; trong đó tập trung kiểm tra việc kê khai thông tin về sản lượng khoáng sản khai thác của các đơn vị để nộp thuế; tiến hành xử lý theo quy định đối với các đơn vị có hành vi khai báo sai sản lượng khoáng sản khai thác thực tế; báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xử lý đối với các trường hợp vượt quá thẩm quyền theo quy định.

Công an tỉnh tăng cường mở các chuyên án đấu tranh, tố giác, xử lý nghiêm đối với các đối tượng có hành vi khai thác, vận chuyển, chế biến và kinh doanh khoáng sản trái phép, các vi phạm tiêu cực trong quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản; thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát các bến, bãi tập kết và tiêu thụ than, bã sàng đá xít có than, khoáng sản khác trên địa bàn, kịp thời phát hiện, triệt xóa các bến bãi trái phép, ngoài quy hoạch và tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, có ý kiến với UBND các địa phương giáp ranh trong công tác quản lý hoạt động khoáng sản; đảm bảo đồng bộ, thống nhất và thực hiện nghiêm các quy định pháp luật.

Khoáng sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai chủ yếu là vật liệu xây dựng như cát, đá xây dựng, đất san lấp, than bùn, đất sét. Thời gian qua, tại một số huyện vẫn còn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép (chủ yếu là cát xây dựng, đất san lấp), để chấn chỉnh tình trạng này, tỉnh Gia Lai yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các sai phạm.

Bên cạnh thanh tra, kiểm tra, các ngành chức năng của tỉnh Gia Lai cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản lắp đặt trạm cân điện tử và camera giám sát theo Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ. Trạm cân được đặt tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực để xác định khối lượng khai thác thực tế của doanh nghiệp. Riêng camera hoạt động 24/24 giờ sẽ lưu trữ các thông tin làm cơ sở để kiểm tra, giám sát, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản. Việc đưa trạm cân điện tử và camera giám sát vào hoạt động góp phần quản lý tốt hơn tài nguyên khoáng sản đã khai thác.

Thời gian tới, tỉnh Gia Lai tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với trường hợp vi phạm khai thác khoáng sản trái phép. Đồng thời, tiếp tục vận động các doanh nghiệp lắp đặt trạm cân và camera giám sát để phục vụ tốt hơn cho việc quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và xử lý nghiêm các tổ chức không lắp đặt trạm cân, camera giám sát theo quy định.

Theo VGP
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động