Các doanh nghiệp ngành than hướng đến tái sử dụng nước thải mỏ

30/05/2024 07:18 Tăng trưởng xanh
Trước những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, việc đảm bảo an ninh nguồn nước đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho phát triển kinh tế, ổn định đời sống xã hội đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của các doanh nghiệp ngành than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Giải pháp tận dụng nguồn nước thải mỏ sau xử lý sẽ là bài toán căn cơ vừa giải quyết được kinh tế cho các doanh nghiệp ngành than mà còn hướng đến bảo vệ môi trường và đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất.

Hiện nay, việc đảm bảo an ninh nguồn nước là một trong những yếu tố quan trọng nhằm góp phần phát triển kinh tế, ổn định đời sống xã hội. Ngày 06/4/2023, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Quyết định số 888/QĐ-UBND), trong đó đề ra nhiều giải pháp chiến lược nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong giai đoạn tới.

Trung bình những năm gần đây, các mỏ than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh xả ra sông suối từ 120 -150 triệu m3 nước đã qua xử lý. Trong số nước này chỉ có một phần nhỏ được tái sử dụng, gây lãng phí tài nguyên nước. Do đó, tái sử dụng nước thải mỏ phục vụ cho sinh hoạt đang là vấn đề mà tỉnh và ngành than quan tâm hiện nay.

Cùng chung tay với các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, các doanh nghiệp ngành than cũng đã và đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để bảo đảm nguồn an ninh nguồn nước, đáp ứng đủ số lượng nước cần thiết phục vụ sản xuất cũng như nghiên cứu tái sử dụng nước thải hiệu quả để tiết kiệm chi phí sản xuất.

Để thực hiện những nhiệm vụ đó, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị, trong đó chủ chốt là Công ty TNHH MTV Môi trường TKV, tích cực phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị đầu ngành trong và ngoài nước tiến hành nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật, khoa học, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng nước thải sau xử lý tại các Trạm xử lý nước thải mỏ. Cùng với đó, đầu tư thêm hệ thống xử lý nước cấp tại các Trạm xử lý nước thải mỏ để tiếp tục xử lý giai đoạn hai, tiến tới đạt tiêu chuẩn nước cấp sinh hoạt, từ đó quay lại phục vụ cho chính các mỏ than và các hộ lân cận; đồng thời tiếp tục nghiên cứu các phương án, giải pháp đấu nối nguồn nước đã xử lý vào các hệ thống hồ chứa nước của tỉnh theo từng giai đoạn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 42 trạm xử lý nước thải mỏ do Công ty TNHH MTV Môi trường TKV quản lý, vận hành, với tổng lượng nước xử lý hằng năm từ 120-150 triệu m3 nước. Nước thải mỏ được xử lý đều đạt loại A, loại B theo quy chuẩn về môi trường và được quản lý nghiêm ngặt thông qua hệ thống quan trắc môi trường tự động.

Mặc dù đã được xử lý, song chỉ có khoảng 20% nước thải được tái sử dụng để phục vụ sản xuất công nghiệp, còn phần lớn lượng nước thải mỏ sẽ xả ra môi trường. Trong khi đó, trước những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, vấn đề về an ninh nguồn nước đang là thách thức được đặt ra hiện nay. Theo ước tính chỉ cần tái sử dụng khoảng 25% nước thải mỏ ngành than là có thể đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước của toàn ngành và sẽ còn dư thừa khoảng 75% (tương đương với khoảng 113 triệu m3/năm, tức là khoảng 300.000m3/ngày) xả thải ra môi trường. Do đó, việc tăng cường tái sử dụng nước thải mỏ trước hết chính là phục vụ cho sản xuất của ngành than để chủ động về nguồn nước, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng là hết sức cấp thiết. Ngoài ra, việc nghiên cứu, tái sử dụng nguồn nước thải mỏ dư thừa sau xử lý để bổ sung, cấp cho hệ thống nước sạch sẽ là một hướng đi đột phá, đảm bảo an ninh nguồn nước cho tỉnh.

Trạm xử lý nước thải mỏ Công ty CP Than Hà Lầm.
Trạm xử lý nước thải mỏ Công ty CP Than Hà Lầm.

Xác định đây nhiệm vụ bảo vệ nguồn tài nguyên là rất quan trọng, giúp giảm chi phí sản xuất, bảo vệ tài nguyên nước, Công ty TNHH MTV Môi trường TKV đã phối hợp cùng Công ty CP Than Mông Dương cũng như một số đơn vị khác trong Tập đoàn thực hiện các công đoạn xử lý để tái sử dụng nước thải mỏ phục vụ cho hoạt động sàng tuyển, phun sương dập bụi, vệ sinh thiết bị, tắm giặt. Tuy nhiên, lượng nước tái sử dụng này chỉ được khoảng 800.000m3, tương đương với 0,8% so với tổng lượng nước hằng năm phát sinh từ mỏ khoảng 10 triệu m3.

Thay vì sử dụng nguồn nước tự nhiên để phục vụ sản xuất than, nhiều năm nay, đơn vị đã tận dụng lại nguồn nước thải mỏ để phục vụ cho các hoạt động sản xuất và một số công tác phụ trợ khác. Nước thải mỏ sau khi xử lý đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, nước thải đạt loại B về nước thải công nghiệp và có thể xả ra môi trường. Điều này vừa giúp giảm chi phí, vừa bảo vệ được tài nguyên nước. Tuy nhiên, so với số lượng nước thải mỏ phát sinh, thì tỷ lệ tái sử dụng còn quá thấp.

Thời gian tới Công ty TNHH MTV Môi trường TKV sẽ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp cụ thể, hiệu quả và triển khai sâu rộng nội dung Đề án “Đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong giai đoạn 2026-2030” đến các đơn vị trong toàn Tập đoàn. Cùng với đó, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam sẽ tăng cường phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như các đơn vị có liên quan triển khai các phương án, giải pháp đấu nối nguồn nước thải mỏ sau xử lý tại các Trạm xử lý nước thải mỏ khu vực thành phố Cẩm Phả về Nhà máy xử lý nước sạch trong khu vực để tiếp tục xử lý thành nước cấp sinh hoạt cho các hộ sử dụng hoặc để phục vụ tưới cây, rửa đường…

Với hướng đi đúng đắn, hiệu quả cùng với sự đồng lòng, quyết tâm từ lãnh đạo Tập đoàn cũng như các đơn vị thành viên, các doanh nghiệp ngành than sẽ là đơn vị tiên phong, có trách nhiệm trong phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường. Đây vừa là yêu cầu để phát triển bền vững vừa góp phần nhỏ bé vào công cuộc đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Phạm Kiên
Xin chờ trong giây lát...

Hiện đại hóa hệ thống quan trắc, giải quyết "điểm nghẽn" trong ô nhiễm môi trường

Phiên bản di động