Các giải pháp duy trì nguồn nước thô ở Hải Phòng

25/03/2020 09:20 Địa phương
4 con sông cung cấp nguồn nước chính của Hải Phòng, gồm: Sông Đa Độ, sông Rế, sông Giá và Chanh Dương - nguồn nước thô cung cấp chính cho các nhà máy nước sạch tại Hải Phòng đang có nguy cơ ô nhiễm và tình trạng nhiễm mặn đáng lo ngại.
Tình trạng ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải
cac giai phap duy tri nguon nuoc tho o hai phong
Kênh Bắc Nam Hùng ô nhiễm nghiêm trọng từ nhiều năm nay, đe dọa nguồn nước sạch ở sông Rế. Ảnh Lê Tân

Từ đầu tháng 11/2019, người dân tại các quận Kiến An, Dương Kinh, Đồ Sơn và một số xã của của các huyện An Dương, Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng phản ánh nước sinh hoạt có vị lợ bất thường. Theo ông Cao Văn Quý, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Hải Phòng - đơn vị cung cấp nước sạch cho biết, nước sinh hoạt có vị lợ là do chất lượng nguồn nước thô sông Đa Độ bị nhiễm mặn, có thời điểm lên hơn 300 mg, vượt ngưỡng cho phép (250 mg/l).

Nguồn nước bị nhiễm mặn sẽ diễn ra hàng năm, do biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, trong khi các nhà máy xử lý nước Hưng Đạo và Cầu Nguyệt (lấy nước thô từ sông Đa Độ) chưa có công nghệ xử lý độ mặn trong nước thô.

Xu hướng gia tăng tình trạng ô nhiễm ở sông Rế - nơi cung cấp hơn 50 triệu m3 nước/năm, chiếm gần 80% lượng nước thô phục vụ sản xuất nước sạch cho sinh hoạt của gần 2 triệu dân và hoạt động sản xuất của thành phố. Kênh Bắc Nam Hùng có 17 điểm có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sông Rế, các chỉ tiêu về amoni, nitrit, hữu cơ... nhiều thời điểm vượt ngưỡng quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt để sản xuất nước sinh hoạt. Nguyên nhân được cho là do ảnh hưởng từ nước thải sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, công nghiệp thải trực tiếp không qua xử lý xuống con sông này. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại sông Đa Độ với 42 điểm có nguy cơ ô nhiễm; sông Giá (huyện Thủy Nguyên) với 34 điểm có nguy cơ ô nhiễm; sông Chanh Dương (huyện Vĩnh Bảo) với 7 điểm có nguy cơ ô nhiễm.

Đặc biệt, thành phố đang tồn tại nhiều cơ sở sản xuất, làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải, hằng ngày xả thải trực tiếp nước thải công nghiệp vào hệ thống kênh mương, như: làng nghề thu mua phế liệu Phù Lưu, phường Tràng Minh, quận Kiến An và các khu dân cư phường Đồng Hòa, Văn Đẩu, Nam Sơn, Phù Liễn, Tràng Minh xả thải qua kênh Đò Vọ, kênh Mỹ Khê, quận Kiến An đổ thẳng vào sông Đa Độ….

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các ngành chủ động tăng cường kiểm tra giám sát các nguồn thải gây ô nhiễm nguồn nước; xử lý nghiêm các doanh nghiệp không chấp hành, xả thải nguồn nước chưa qua xử lý vào các tuyến kênh trên địa bàn thành phố.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế tăng cường giám sát các cơ sở y tế, bệnh viện, kiểm tra chất lượng nguồn nước sạch của các nhà máy nước trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, Công ty cổ phần Cấp nước Hải Phòng cần chủ động phối hợp các Sở, ngành, chính quyền địa phương, các công ty thủy lợi tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ, an toàn các nguồn cấp nước.

Ông Trần Văn Phương, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Hải Phòng đã đề nghị UBND thành phố giao cho các Công ty khai thác công trình thủy lợi tập trung thực hiện nhiều biện pháp điều tiết, thay đổi nguồn nước cấp cho các nhà máy nước; chỉ đạo các quận, huyện lập dự án đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung, cùng với hệ thống thu gom nước thải dọc các nguồn nước ngọt. Trước mắt sẽ phải xóa bỏ tình trạng nước thải từ khu dân cư, cơ sở sản xuất, kinh doanh xả trực tiếp vào nguồn nước và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Các nhà máy nước cũng phải có kế hoạch cấp nước an toàn, chủ động phòng ngừa, ứng phó khi có sự cố ô nhiễm nguồn nước xảy ra.

Để duy trì ổn định nguồn nước thô cho sản xuất nước sinh hoạt, Công ty Cổ phần Cấp nước Hải Phòng cũng tích cực kết hợp với các công ty khai thác công trình thủy lợi, các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ các diễn biến về chất lượng nước thô từ đầu nguồn đến các điểm thu nước. Thực hiện quy trình vận hành, thau đảo nguồn nước hợp lý và chủ động ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý nước, như công nghệ lọc sinh học tiếp xúc UBCF tại huyện Vĩnh Bảo; và đang tiếp tục xây dựng, lắp đặt tại nhà máy nước An Dương.

Thu Vân
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động