Cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu - Thách thức và cơ hội với ngành Công Thương
Công đoàn Ngành Công Thương với công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh |
Để ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, trước tiên phải làm thế nào để giảm phát thải CO2. |
Nguyên nhân và giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu
Cho đến nay, nhiều nghiên cứu đều cho rằng có nhiều nguyên nhân gây biến đổi khí hậu toàn cầu, trong đó có nguyên nhân do tự nhiên (đúng vào chu kỳ nhiệt độ tăng của Trái đất) và nguyên nhân do con người, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do con người đã sử dụng quá mức các loại nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt phát thải khí ra CO2 hoặc phá hủy các bể hấp thụ khí CO2 từ khí quyển (mất rừng, thảm thực vật) làm gia tăng hiệu ứng nhà kính khí quyển, là nguyên nhân gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu và gây ra biến đổi khí hậu. Quá trình tác động của con người đã làm cho tốc độ nóng lên toàn cầu diễn ra nhanh hơn nhiều so với sự biến đổi một cách tự nhiên. Do đó, để ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, trước tiên phải giải quyết nguyên nhân của vấn đề chính là làm thế nào để giảm phát thải CO2 vào khí quyển và các phương thức thay đổi để sống chung với điều kiện khí hậu bị thay đổi, và câu chuyện đàm phán quốc tế về ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu cũng chỉ tập trung xoay quanh các nội dung này.
Việc cắt giảm phát thải CO2 về bản chất là giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch bằng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, thay đổi công nghệ mới hiệu suất cao, thu giữ và lưu trữ các-bon hoặc tăng cường việc hấp thụ CO2 thông qua việc trồng rừng. Với hầu hết các nước sẽ luôn lựa chọn các giải pháp có chi phí thấp phù hợp với điều kiện quốc gia như trồng rừng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hoặc phát triển năng lượng tái tạo khi có lợi thế. Còn các giải pháp như chuyển đổi công nghệ hiệu suất cao, phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo ở những nơi có tiềm năng thấp, thu giữ và lưu trữ các-bon đều có chi phí cao hơn. Do đó, đây không còn là vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu đơn thuần mà đã trở thành vấn đề kinh tế, chính trị ở quy mô toàn cầu.
Đàm phán quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu
Năm 1992, tại Rio Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về môi trường và phát triển đã đưa ra Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đến nay đã có 197 Bên tham gia với mục tiêu cao cả là giữ cho nhiệt độ khí quyển của Trái Đất tăng không quá 20C vào cuối Thế kỷ 21. Và để cụ thể hóa mục tiêu này, quá trình thực hiện ở quy mô toàn cầu cũng như tại mỗi quốc gia cũng diễn ra khá tích cực nhằm giảm phát thải khí CO2 từ các hoạt động phát triển vào bầu khí quyển. Việc thực hiện các cam kết giảm phát thải CO2 được thực hiện trong khuôn khổ UNFCCC dựa trên nguyên tắc “Trách nhiệm chung nhưng có sự khác biệt”. Nguyên tắc này nghe thì rất đơn giản nhưng khi đặt trong bối cảnh thực hiện ở quy mô toàn cầu thì đây là lại vấn đề đàm phán dai dẳng và kéo dài.
“Trách nhiệm chung” được hiểu rằng việc cắt giảm phát thải CO2 cần phải được thực hiện bởi tất cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển và “sự khác biệt” ở đây là sự khác nhau về trách nhiệm thực hiện giảm phát thải của mỗi quốc gia không chỉ dựa trên mức phát thải hiện tại mà còn tính đến cả trách nhiệm phát thải trong lịch sử. Đối với các quốc gia phát triển - là các quốc gia thuộc Phụ lục I của Công ước - đòi hỏi phải có cam kết mạnh mẽ hơn và trách nhiệm lịch sử rõ ràng hơn (vì trong quá khứ họ đã sử dụng rất nhiều nhiên liệu hóa thạch, phát thải nhiều khí nhà kính để có được thành tựu phát triển như hiện nay), còn đối với các quốc gia đang phát triển - Các nước không thuộc Phụ lục I - trên quan điểm Quyền được phát triển phải được đáp ứng giống như các nước phát triển đã trải qua thì trách nhiệm sẽ không có tính chất ràng buộc pháp lý mà chỉ thực hiện các hành động giảm nhẹ phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA) hoặc thông qua các cơ chế của của Nghị định thư Kyoto (Cơ chế CDM, JI, ETS) trong khuôn khổ Công ước. Các cam kết này vẫn đang được các Bên thực hiện từ năm 2008 đến năm 2020.
Với hiện trạng về phát thải khí nhà kính toàn cầu, các quốc gia đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi,... lại là các quốc gia đang có mức phát thải CO2 hàng đầu thế giới lại không chịu nhiều áp lực là phải cắt giảm phát thải đã giúp cho quy mô nền kinh tế của các quốc gia này tăng trưởng nhanh chóng (Trung Quốc đã vươn lên thành nền kinh tế thứ 2 của Thế giới), do đó việc thực hiện nguyên tắc “Trách nhiệm chung” lại tiếp tục được đặt lên bàn đàm phán tại các Hội nghị các Bên tham gia Công ước (COP) theo hướng trách nhiệm của các nước đang phát triển phải được ràng buộc hơn và yếu tố “Quyền phát thải dựa theo lịch sử phát triển” đã bị làm mờ đi trước những áp lực về môi trường và sự cam kết hỗ trợ từ các nước phát triển để có thể bỏ qua quá trình tăng trưởng dựa trên nền tảng bắt buộc sử dụng nhiều tài nguyên và phát thải lớn. Năm 2015, COP21 tại Paris đã đạt được một bước tiến mới trong đàm phán về biến đổi khí hậu toàn cầu đó là tất cả các Bên đã thông qua Thỏa thuận Paris với mục tiêu và cam kết cụ thể giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho giai đoạn từ 2021 - 2030.
Thỏa thuận Paris sẽ được thực hiện thông qua nhiều cơ chế như tài chính các-bon, cơ chế thị trường, chuyển giao công nghệ, hệ thống minh bạch... Hiện nay các cơ chế này đang tiếp tục được các nhà đàm phán kỹ thuật và các chuyên gia nghiên cứu, hướng dẫn để áp dụng cho tất cả các quốc gia.
Nguồn ảnh: https://reseauactionclimat.org |
Thách thức và cơ hội với ngành Công Thương
Như tổng hợp ở trên, ngành Công Thương có thể gặp một số thách thức và cơ hội như sau:
- Cho đến nay, kinh nghiệm tăng trưởng các nền kinh tế lớn trên Thế giới (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Châu Âu, Trung Quốc) đều dựa trên nền tảng phát triển của ngành năng lượng sử dụng các dạng nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt... với công nghệ khai thác, chế biến, vận chuyển và sử dụng có chi phí rẻ và hợp lý, phù hợp với hầu hết các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Việc phát triển của ngành năng lượng trên nền tảng công nghệ hiệu suất cao (phát thải thấp), phát triển năng lượng tái tạo (phát thải bằng không) với các thiết bị và công nghệ hiện đại là xu hướng chung của thế giới, tuy nhiên chi phí cho các giải pháp này vẫn còn khá đắt. Ngay tại các quốc gia phát triển có quy mô của nền kinh tế lớn thì việc phổ biến các giải pháp này vẫn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, còn đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam thì đây thực sự là một thách thức.
- Về bản chất, việc cắt giảm phát thải CO2 đồng nghĩa với việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại các nền kinh tế, điều này đòi hỏi các quốc gia phải cân nhắc, lựa chọn kịch bản tăng trưởng nâu (duy trì mức tăng trưởng cao, sử dụng nhiều năng lượng, sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch, phát thải lớn) hay tăng trưởng xanh bền vững (sử dụng công nghệ, thiết bị hiệu suất cao, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch...). Trong bối cảnh thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã cam kết tự thực hiện giảm 8% mức phát thải khí vào năm 2030 và nếu có thêm nguồn lực quốc tế thì có thể đạt 25%, như vậy có thể thấy việc thực hiện tăng trưởng xanh (ở mức giảm phát thải 25%) vẫn còn là một thách thức và phụ thuộc.
- Với nhu cầu tăng trưởng xanh, thực hiện mục tiêu giảm phát thải CO2 như đã cam kết của các quốc gia, tất cả các nền kinh tế sẽ có nhu cầu rất lớn về thiết bị và công nghệ xanh, phát thải thấp. Đây là một thị trường rất tiềm năng với Bên cung là các nước phát triển chiếm lợi thế và Bên cầu là các nước đang phát triển không có lợi thế sẽ phải đánh đổi những thứ mà mình sẵn có như tài nguyên thiên nhiên, sức lao động, tài chính (với số lượng lớn và giá rẻ) để thực hiện cam kết. Như vậy, vấn đề thực hiện cam kết về biến đổi khí hậu không còn là vấn đề môi trường hay biến đổi khí hậu đơn thuần mà bản chất chính là lợi ích về thương mại trong chuyển giao khoa học, công nghệ ở quy mô toàn cầu. Với mục tiêu tăng thêm 17% giảm phát thải khi có thêm nguồn lực hỗ trợ từ quốc tế mà Việt Nam đã cam kết theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu thì đây thực sự là một thị trường đầy tiềm năng cho các thiết bị, công nghệ sử dụng hiệu quả năng lượng (bao gồm cả sản xuất năng lượng) và phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
- Trong bối cảnh thực hiện các cam kết về giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu, Thế giới đã xuất hiện các Liên minh không sử dụng than đá (do Anh và Canada khởi xướng), Liên minh năng lượng mặt trời (do Ấn Độ và Pháp khởi xướng),.. nhằm hối thúc Chính phủ các quốc gia tích cực hành động vì mục tiêu khí hậu. Trong bối cảnh đó, ngành năng lượng Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức cũng như sức ép trong quá trình phát triển, đặc biệt là khả năng tiếp cận các nguồn tài chính, vốn đầu tư cho các dự án phát triển năng năng lượng sử dụng nhiên liệu hóa thạch hiệu suất thấp, phát thải lớn sẽ bị hạn chế và rất khó khăn. Hiện nay OECD đang vận động các quốc gia thành viên thông qua chính sách đầu tư không cho vay đối với các dự án sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là nhiệt điện than, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành năng lượng của Việt Nam. Nhưng với xu thế này, đây có thể coi là một cơ hội tốt để ngành năng lượng có bước đi đột phá hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
- “Rò rỉ các-bon xuyên biên giới” là một nguy cơ hiện hữu trong bối cảnh các quốc gia thực hiện các cam kết về giảm phát thải CO2, các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, các công nghệ lạc hậu hiệu suất thấp, tiêu tốn nhiều năng lượng sẽ có xu hướng dịch chuyển các dự án đầu tư sang các nước đang phát triển và các nước cam kết giảm phát thải khí nhà kính ít. Bên cạnh các vấn đề về môi trường của các hoạt động đầu tư này, ngành năng lượng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng do nhu cầu tăng cao gây mất cân bằng cung cầu, trong khi năng lực đáp ứng và hạ tầng chưa thể theo kịp. Điều này không chỉ dẫn đến nguy cơ về mất an ninh năng lượng mà còn gây mất ổn định xã hội, đồng thời còn làm tăng mức phát thải khí nhà kính của quốc gia đó và gia tăng trách nhiệm giảm phát thải trong tương lai.
- Trong bối cảnh thương mại toàn cầu, cam kết về giảm nhẹ với biến đổi khí hậu toàn cầu còn được các quốc gia phát triển “ép” các quốc gia đang phát triển phải thực hiện theo bằng các Tiêu chuẩn về định mức và phát thải. Các thiết bị, sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa tham gia thị trường sẽ phải dãn nhãn tiết kiệm năng lượng hoặc nhãn các-bon (carbon footprint - là loại nhãn được tính toán về mức phát thải CO2 trong quá toàn bộ vòng đời sản phẩm gồm khai thác, chế biến nguyên liệu, sản xuất hàng hóa, vận chuyển và phân phối, tiêu dùng và thải bỏ). Đây thực sự là thách thức đối với nền sản xuất trong nước khi mà trình độ công nghệ còn lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng và phát thải lớn thì các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam sẽ không có cơ hội tiếp cận các thị trường khắt khe bởi các rào cảnh kỹ thuật về biến đổi khí hậu trong tương lai. Tuy nhiên đây không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để nền sản xuất của Việt Nam có thể chủ động thay đổi đáp ứng yêu cầu của thị trường sẽ góp phần giải quyết các mục tiêu về phát triển năng lượng bền vững và giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia.
Như vậy, có thể thấy câu chuyện về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu và các cam kết quốc tế không chỉ đơn thuần là vấn đề môi trường và khí hậu, đằng sau nó là các vấn đề về kinh tế, chính trị, xã hội và là tương lai bền vững của mỗi quốc gia. Thực hiện các cam kết về giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu là xu hướng chung của thế giới, Việt Nam và nhiều quốc gia khác nói chung, ngành Công Thương nói riêng chắc chắn sẽ gặp phải nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi chúng ta nhận thức rõ về vai trò, trách nhiệm và nắm bắt tốt cơ hội để thúc đẩy quá trình tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ngành, quốc gia.