Cần “liều thuốc” đặc trị hơn để giải độc cho dòng Bắc Hưng Hải
Ô nhiễm nghiêm trọng
Theo ghi nhận, khoảng một tháng trở lại đây gần như toàn bộ lưu vực sông của hệ thống Bắc Hưng Hải nước đã chuyển sang màu đen, cùng với mùi hôi tanh khó chịu làm ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của người dân trong phạm vi cung cấp, sử dụng nguồn nước từ hệ thống Bắc Hưng Hải của các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên…
Nước có màu đen thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải được bơm để cung cấp cho lúa cách đây ít hôm nổi bọt tràn lên đường giao thông tại Hưng Yên |
Theo phản ánh của người dân huyện Yên Mỹ, Khoái Châu…tỉnh Hưng Yên, từ khi lấy nước đổ ải cho vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thì nước của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đã có màu xám, đen.
Đặc biệt, trong thời gian từ cuối tháng giêng đến nay sau khi bà con nông dân đã thực hiện gieo cấy xong vụ lúa Đông Xuân thì đặc biệt cần nước tưới tiêu để cây lúa sinh trưởng và cũng là thời điểm gần như toàn bộ nước thuộc dòng chính của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đều chuyển thành màu đen, nước bơm lên phục vụ tưới tiêu nổi bọt cao hàng mét và có mùi hôi, tanh khó chịu.
Nhận diện nguồn gây ô nhiễm
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các nguồn gây ô nhiễm chính đối với hệ thống Bắc Hưng Hải gồm: Nước thải sinh hoạt của các khu đô thị, khu dân cư tập trung; nước thải công nghiệp từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nước thải chăn nuôi, nước thải từ các làng nghề trên địa bàn, ngoài ra còn phải tiếp nhận nguồn nước bị ô nhiễm từ các sông trong khu vực chảy vào (sông Cầu Bây thuộc thành phố Hà Nội; các nhánh sông Bần Vũ Xá, sông Đình Dù và kênh Trần Thành Ngọ của tỉnh Hưng Yên; Kênh T2, sông Sặt và sông Cửu An của tỉnh Hải Dương;…);
Trong văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hưng Yên đầu năm 2023 về tình trạng xả thải làm ô nhiễm nguồn nước hệ thống sông Bắc Hưng Hải, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khi đó là ông Trần Hồng Hà cho biết: Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, tập trung rà soát các nguồn thải, tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở có hoạt động xả thải ra lưu vực; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp; hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng đầu tư các công trình xử lý nước thải. 100% khu công nghiệp có xả thải ra hệ thống đã đầu tư xây lắp hệ thống xử lý nước thải tập trung; 05/08 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xả thải trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưu vực hệ thống đã hoàn thành biện pháp xử lý.
Tính từ năm 2018 - 2022, Tổng cục Môi trường (nay là Cục Kiểm soát ô nhiễm), Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường và các cơ quan chức năng của các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương và Hưng Yên đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 1.820 cơ sở hoạt động trên hệ thống Bắc Hưng Hải; xử phạt 680 cơ sở với tổng số tiền khoảng 49,2 tỷ đồng.
Cùng với đó Bộ cũng đã đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập Ban quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn nước hệ thống Bắc Hưng Hải.
Chính phủ chỉ đạo những vấn đề về xử lý ô nhiễm môi trường
Trong năm 2023 có nhiều cuộc họp liên ngành, địa phương được tổ chức. Đặc biệt, ngày 25/7/2023 tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì Hội nghị về xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Nước thải chưa qua xử lý của Công ty TNHH Dệt nhuộm Jasan xả vào hệ thống thoát nước mưa của Khu công nghiệp Dệt may Phố Nối được người dân ghi lại hôm 18/3/2024 |
Trong đó, để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường đối với hệ thống Bắc Hưng Hải; cải tạo phục hồi môi trường, hệ sinh thái cảnh quan các đoạn sông ô nhiễm; trả lại môi trường ban đầu, vốn có của hệ thống Bắc Hưng Hải, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp ngành từ Trung ương đến các địa phương thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải phải có quyết tâm cao hơn nữa, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa và tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ.
Trong đó có các nhiệm vụ như: (1)Nhóm giải pháp, nhiệm vụ về quy hoạch; (2)nhóm giải pháp nhiệm vụ về hoàn thiện cơ chế chính sách; (3)nhóm giải pháp, nhiệm vụ về đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường; (4)nhóm giải pháp, nhiệm vụ về quản lý, kiểm soát, giám sát nguồn thải; (5)nhóm giải pháp, nhiệm vụ về thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm về môi trường; (6)nhóm giải pháp, nhiệm vụ về tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.
Riêng đối với thành phố Hà Nội, nhận diện nguồn nước thải từ hệ thống sông Cầu Bây thải ra hệ thống sông Bắc Hưng Hải trong nhiều năm qua là nguồn thường xuyên gây ô nhiễm cho hệ thống Bắc Hưng Hải. Văn phòng Chính phủ yêu cầu thành phố Hà Nội cần tập trung, khẩn trương huy động mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung tại quận Long Biên và huyện Gia Lâm để thu gom, xử lý toàn bộ nước thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn trước khi thải ra sông Cầu Bây, sau đó ra hệ thống Bắc Hưng Hải.
Trước đó, giữa năm 2022, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi các Bộ: Công an, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ; cùng UBND các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và thành phố Hà Nội về báo cáo của Bộ Công an liên quan đến tình trạng ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Với mục tiêu ngăn chặn, xử lý ngay các hành vi, hoạt động, các đối tượng, cơ sở xả thải trái phép gâu ô nhiễm môi trường nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải, đẩy nhanh đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường trên toàn lưu vực hệ thống sông, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho doanh nghiệp, người dân tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường,…
Nước cho hòa bình
Khi ô nhiễm nguồn nước hệ thống sông Bắc Hưng Hải chưa có dấu hiệu giảm đi, thì chiều ngày 18/3 vừa qua, phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Hưng Yên phát hiện Công ty TNHH Dệt nhuộm Jasan đang hoạt động trong Khu công nghiệp Dệt may Phố Nối đã xả nước thải chưa qua xử lý vào hệ thống thoát nước mưa ra môi trường.
Với việc để Công ty TNHH Dệt nhuộm Jasan xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên thì trách nhiệm thuộc về Công ty TNHH Dệt nhuộm Jasan và Công ty Cổ phần Phát triển hạ tầng Dệt may Phố Nối (chủ đầu tư hạ tầng KCN).
Chủ đề Ngày Nước thế giới 2024 "Nước cho hòa bình" |
Ngày 22/3 là Ngày Nước thế giới được Liên hợp quốc phát động ̣với chủ đề “Leveraging water for peace” - “Nước cho hòa bình”, tập trung vào vai trò quan trọng của tài nguyên nước đối với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới. Khi nguồn nước bị khan hiếm hoặc ô nhiễm, khi mọi người không có khả năng tiếp cận nước an toàn hoặc không được tiếp cận nước một cách bình đẳng, căng thẳng có thể gia tăng giữa những cộng đồng và các quốc gia. Theo báo cáo của Ủy ban về Nước của Liên Hợp Quốc (UN-Water), hiện có hơn 3 tỷ người trên toàn thế giới phụ thuộc vào nguồn nước xuyên biên giới. Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu và dân số toàn cầu tăng lên như hiện nay, chúng ta phải đoàn kết để bảo vệ và bảo tồn nguồn tài nguyên quý giá này. Bằng cách cùng nhau hành động để cân bằng quyền con người và nhu cầu của mọi người về nước, nước có thể là động lực ổn định và là chất xúc tác cho sự phát triển bền vững hôm nay và mai sau.
Với những khẩu hiệu tuyên truyền hưởng ứng thông điệp, chủ đề Ngày Nước thế giới như: Nước – Cầu nối tới hòa bình và thịnh vượng; Hợp tác vì nước, duy trì hòa bình, thịnh vượng và ổn định xã hội; Quản lý nước công bằng và bền vững góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội; Cân bằng nhu cầu về nước là thước đo của sự phát triển; An ninh nguồn nước là nền tảng của hòa bình và thịnh vượng cho mọi quốc gia; Bảo vệ nguồn nước là bảo vệ chính cuộc sống chúng ta; Nếu tất cả chúng ta cùng chia sẻ, ai cũng sẽ có cơ hội sử dụng nước.
Thì hiện hữu những ô nhiễm của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải nói riêng và hệ thống lưu vực sông trên cả nước đang bị ô nhiễm, nguy cơ bị ô nhiễm đặt ra cho các Bộ, ngành, địa phương yêu cầu đòi hỏi phải có những hành động thiết thực hơn nữa, những chế tài mạnh hơn để ngăn ngừa, kiểm soát, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi đã để xảy ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước lưu vực sông làm ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu sử dụng nước để sinh hoạt, sản xuất hàng ngảy của người dân, doanh nghiệp thuộc lưu vực hệ thống sông Bắc Hưng Hải.
Hơn hết, cần phải có biện pháp đủ mạnh để xử lý những hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường như trường hợp của Công ty TNHH Dệt nhuộm Jasan, cũng như trách nhiệm của đơn vị vận hành, quản lý Khu công nghiệp Dệt may Phố Nối.
Vì mục tiêu “Leveraging water for peace” - “Nước cho hòa bình” hãy hành động để cứu những dòng sông khi còn có thể. Và dòng Bắc Hưng Hải thực sự đang cần “liều thuốc giải độc” để cứu lấy mình./.