Bảo Yên, Lào Cai
Chăm sóc đời sống người dân tái định cư dự án Cảng hàng không Sa Pa
Để bảo đảm đời sống của người dân tái định cư, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Bảo Yên và xã Cam Cọn đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, tạo sinh kế, để thực hiện mục tiêu nơi ở mới phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ. |
Được biết, khu vực xây dựng sân bay và bố trí khu tái định cư bám đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn từ Km211 đến Km217. Để bảo đảm đời sống của người dân tái định cư, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Bảo Yên và xã Cam Cọn đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, tạo sinh kế, để thực hiện mục tiêu nơi ở mới phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ.
Bà Hoàng Thị Thơm, ở thôn Cọn 1, xã Cam Cọn, một trong số hộ dân tái định cư cho biết: Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, dự án sân bay sẽ có ý nghĩa rất lớn góp phần thay đổi diện mạo địa phương nên người dân chúng tôi rất đồng tình ủng hộ. Nhà nhà hợp tác, đồng tình nhường đất cho dự án, gia đình tôi cũng rất vui mừng khi chuyển về sinh sống ở ngôi nhà mới được xây dựng khang trang, ngay cạnh đường giao thông do cấp trên bố trí.
Bà Thơm cho biết, khu đất của gia đình bà nằm trong quy hoạch xây dựng Cảng hàng không Sa Pa. Để phục vụ Dự án, gia đình bà bị thu hồi gần 2ha đất ở và đất rừng. Với số tiền đền bù gần 2 tỷ đồng, bà Thơm dành gần 1 tỷ để xây dựng nhà cửa, số tiền còn lại bà mang gửi ngân hàng.
“Về nơi ở mới, gia đình tôi được Nhà nước cấp cho 300 m2 đất ở và 700 m2 đất để trồng cấy rau màu. Bây giờ nhà ở gần đường giao thông, có điện lưới, nước sạch… đời sống của gia đình tốt hơn trước rất nhiều”, bà Thơm tâm sự.
Nhà ở tái định cư của người dân gần đường giao thông, có điện lưới, nước sạch… đời sống của bà con tốt hơn trước. Ảnh: Trọng Bảo |
Còn gia đình anh Hoàng Văn Đức, người cũng đang được xum vầy cùng vợ con trong ngôi nhà 2 tầng mới xây kiên cố. Gia đình anh Đức bị thu hồi gần 3 ha đất ở và đất sản xuất. Anh Đức cho biết, nơi ở cũ đường sá đi lại khó khăn, bây giờ về nơi mới cạnh đường giao thông, nhà cửa xây dựng khang trang, con cái đi học thuận tiện hơn. Gia đình cũng còn gửi ngân hàng được gần 1 tỷ đồng, phòng khi có việc hoặc để đầu tư sản xuất kinh doanh sau này...
Được biết, xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên là điểm tái định cư của Dự án Cảng hàng không Sa Pa, nằm trong Dự án có gần 1000 hộ dân phải di chuyển nơi ở, thu hồi đất sản xuất. Để nhận được sự đồng thuận của người dân trong quá trình giải phóng mặt bằng, huyện Bảo Yên đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền xã Cam Cọn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương khi Dự án hoàn thành đi vào hoạt động.
Khu tái định cư Cảng hàng không Sa Pa có tổng mức đầu tư gần 410 tỷ đồng, gồm 2 giai đoạn. Để bảo đảm đời sống người dân tái định cư, cơ sở hạ tầng như điện, đường, nước sinh hoạt… được địa phương đặc biệt quan tâm. Đến nay, tất cả các khu tái định cư đã cơ bản hoàn thành cơ sở hạ tầng để phục vụ sinh hoạt của người dân.
Phối cảnh Cảng hàng không Sa Pa ở xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên (Lào Cai). |
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Vinh – Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Bảo Yên (Lào Cai) cho biết: Đa số người dân ở Cam Cọn sinh sống bằng sản xuất nông, lâm nghiệp. Việc tạo sinh kế cho người dân sau khi thu hồi đất là một bài toán khó, tuy nhiên bằng sự quyết tâm, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương đến nay mọi vấn đề đều được giải quyết, tìm ra lời giải. Theo đó, cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chuyên trách huyện Bảo Yên phối hợp với UBND xã Cam Cọn đã chủ động liên hệ với các trường dạy nghề trong tỉnh, vận động người dân cho con em mình đi học nghề tạo việc làm sau tái định cư.
Ông Hồ Viết Hùng, Chủ tịch UBND xã Cam Cọn (Bảo Yên) chia sẻ: “Rút kinh nghiệm, bài học từ thực tiễn ở nhiều địa phương, đối với các hộ dân sau khi nhận tiền đền bù, chúng tôi trực tiếp xuống tuyên truyền vận động bà con một phần tiền để làm nhà cửa ổn định cuộc sống, phần còn lại bà con nên gửi vào ngân hàng. Chính vì vậy, hầu hết bà con ở đây bây giờ, nhà ít cũng có vài trăm triệu, nhà nhiều có hàng tỷ đồng gửi ngân hàng. Nhờ đó, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã thời gian qua rất ổn định, người dân thì phấn khởi yên tâm chuyển về nơi ở mới. Đó cũng là nguồn lực quan trọng để chúng tôi thực hiện hiệu quả các chương trình an sinh xã hội cho người dân tái định cư phục vụ Dự án cảng hàng không Sa Pa…”
Cảng hàng không Sa Pa được đầu tư theo hình thức PPP (Đối tác công tư), tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải đường hàng không ngày càng tăng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội; đồng thời bảo đảm tính cơ động cao trong việc phòng thủ, cũng như trong công tác cứu hộ, cứu nạn; bảo đảm quốc phòng, an ninh của khu vực Tây Bắc nói chung và của tỉnh Lào Cai nói riêng; phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển giao thông vận tải. Ngày 3/3/2022, UBND tỉnh Lào Cai đã tổ chức lễ động thổ sân bay Sa Pa; ngày 27/8, tại vị trí khu bố trí tái định cư của dự án, lễ khởi công sẽ diễn ra với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo một số bộ ngành Trung ương và địa phương. Sân bay Sa Pa có vị trí quy hoạch nằm tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên (Lào Cai), bám đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoạn từ Km211 đến Km217. Nhu cầu sử dụng đất phục vụ dự án vào khoảng 371ha. Đây là sân bay lưỡng dụng, quy mô cấp 4C (có thể khai thác được các loại tàu bay A320, A321) và sân bay quân sự cấp II; công suất 3 triệu hành khách/năm. Dự án hoàn thành sẽ là bước đột phá lớn về phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh Lào Cai và khu vực trung du và miền núi phía Bắc, là một lực đẩy mạnh mẽ để tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội, du lịch và dịch vụ của địa phương, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân. Theo lãnh đạo tỉnh Lào Cai, việc xây dựng sân bay Sa Pa là ước mơ, khát vọng đã hình thành từ rất lâu trong lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ và đó cũng là sự mong mỏi của nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai. |