Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tuần qua

28/09/2019 10:21 Tăng trưởng xanh
Nâng mức vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã và người lao động từ 8/11/2019; đẩy mạnh quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN; phạt tới 2 tỉ đồng đối với vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 23-27/9/2019.
Thủ tướng nhất trí nguồn vốn hơn 3.000 tỉ đồng hỗ trợ chống sạt lở ĐBSCL Chính phủ trả lời về bất cập trong quản lý phế liệu nhập khẩu Thanh tra Chính phủ chỉ rõ 7 dự án sai phạm tại Thái Bình
chi dao dieu hanh cua chinh phu thu tuong chinh phu noi bat tuan tu 23 279
Ảnh minh họa

Nâng mức vay đối với DNNVV, HTX và người lao động từ 8/11/2019

Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2019/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61/2015/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm theo hướng nâng mức vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và người lao động để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

Về mức vay đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, Nghị định 61/2015/NĐ-CP quy định mức vay 1 dự án tối đa là 1tỉ đồng và không quá 50 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm. Đối với người lao động, mức vay tối đa là 50 triệu đồng.

Tại Nghị định số 74/2019/NĐ-CP, các mức vay trên được nâng lên: Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vay tối đa là 2 tỉ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Đối với người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng.

Bên cạnh đó, thời hạn vay vốn cũng được tăng từ không quá 60 tháng lên tối đa 120 tháng.

Đẩy mạnh quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN

Chính phủ đã có Nghị quyết số 73/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Nghị quyết đề ra mục tiêu khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong giai đoạn 2011-2016; thực hiện có hiệu lực, hiệu quả chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới nhằm tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội.

Phạt tới 2 tỉ đồng đối với vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh

Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh. Theo đó, mức phạt tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh là 2 tỉ đồng.

Cũng theo Nghị định, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền là 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp có hành vi vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm, nhưng thấp hơn mức phạt tiền thấp nhất đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế là 05% tổng doanh thu của doanh nghiệp vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm.

Trường hợp tổng doanh thu của doanh nghiệp có hành vi vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm quy định nêu trên được xác định bằng 0 thì áp dụng mức phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng.

Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi khác vi phạm quy định của Nghị định này là 200 triệu đồng.

Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Cổng dịch vụ công

Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử Bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh bảo đảm các chức năng theo quy định, kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia và sớm ban hành quy chế quản lý, vận hành các hệ thống này.

Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước ICCPR

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR) và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm xác định rõ nội dung công việc và lộ trình thực hiện phù hợp trong việc tăng cường hiệu quả triển khai các quy định của Công ước ICCPR và khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc. Từ đó, góp phần nâng cao sự hưởng thụ của người dân về các quyền dân sự và chính trị phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam; bảo đảm các yêu cầu đối ngoại, đối nội, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra khắc phục sạt lở, ứng phó nguy cơ hạn hán ở ĐBSCL

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng một số Bộ và địa phương kiểm tra khắc phục sạt lở và ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Thủ tướng yêu cầu trên cơ sở kết quả kiểm tra và các nghiên cứu đánh giá về thực trạng, nguyên nhân và dự báo nguy cơ sạt lở (đã và đang thực hiện), đề xuất giải pháp trước mắt và lâu dài để xử lý, khắc phục tình trạng sạt lở ven sông, ven biển nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, ổn định đời sống và sản xuất của người dân, đồng thời có phương án chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020 nhằm chủ động ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước có thể xảy ra tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Giải quyết bất cập trong công tác quản lý phế liệu nhập khẩu

Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh về việc giải quyết những bất cập trong công tác quản lý phế liệu nhập khẩu, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 03 tháng 2 năm 2019, trong đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan đề xuất phương án xử lý các lô hàng phế liệu tồn đọng tại cảng. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành, liên quan giải quyết những bất cập, vướng mắc đối với công tác quản lý phế liệu nhập khẩu.

Đồng thời, để giải quyết những những bất cập, vướng mắc đối với công tác quản lý phế liệu nhập khẩu hiện nay đồng thời cập nhật đầy đủ, chặt chẽ những quy định mới đã được ban hành, Thủ tướng Chính phủ đang chuẩn bị ban hành Quyết định phê duyệt Quy chế phối hợp liên ngành trong quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu.

Giúp cộng đồng DN chủ động ứng phó các tranh chấp thương mại

Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng) có chất vấn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có những giải pháp, chương trình, kế hoạch gì để định hướng, hỗ trợ và hướng dẫn các địa phương và doanh nghiệp chủ động ứng phó, vượt qua những thách thức khi Việt Nam gia nhập các Hiệp định thương mại Thế giới.

Trả lời chất vấn của Đại biểu Bùi Thanh Tùng, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết trong thời gian tới, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương sẽ bám sát các Nghị quyết, Kế hoạch hành động thực thi các Hiệp định thương mại để định hướng, hỗ trợ và hướng dẫn các địa phương, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp chủ động ứng phó vượt qua các thách thức tranh chấp thương mại.

Theo Minh Hiển/VGP
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động