Chính phủ phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn

13/09/2019 19:00 Tác động môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan triển khai thực hiện Bản sửa đổi, bổ sung Kigali đã được phê duyệt.
Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị quốc tế về thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ đại dương Phát triển năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường
chinh phu phe duyet ban sua doi bo sung kigali thuoc nghi dinh thu montreal ve cac chat lam suy giam tang o don
Bản sửa đổi, bổ sung Kigali trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal góp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu toàn cầu.

Ngày 15/10/2016, tại Kigali, Cộng hòa Ru-an-đa, các nước thành viên Nghị định thư Montreal đã thông qua Bản sửa đổi, bổ sung Kigali về kiểm soát và loại trừ các chất Hydrofluorocarbon (HFC) trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal, nhằm mục đích giúp tránh cho nhiệt độ Trái Đất gia tăng 0,5oC vào cuối thế kỷ này, góp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu toàn cầu. Bản sửa đổi, bổ sung Kigali chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019 và cho đến nay đã được 81 Bên tham gia Nghị định thư Montreal phê duyệt.

Ngày 4/9/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 64/NQ-CP chính thức phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn. Theo đó, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan triển khai thực hiện Bản sửa đổi, bổ sung Kigali đã được phê duyệt; Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan rà soát để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu các chất HFC nhằm thực hiện quy định của Bản sửa đổi, bổ sung Kigali.

Các chất HFC không phải là các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, nhưng là các chất khí nhà kính có tiềm năng nóng lên toàn cầu cao, được sử dụng để thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ô-dôn. Chính vì vậy, các nước thành viên Nghị định thư Montreal đã thống nhất lộ trình kiểm soát và loại trừ các chất HFC.

Theo đó, các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam thực hiện lộ trình loại trừ các chất HFC như sau: từ năm 2024 đến 2028: sử dụng 100% mức tiêu thụ cơ sở; từ năm 2029 đến 2034: sử dụng 90% mức tiêu thụ cơ sở; từ năm 2035 đến 2039: sử dụng 70% mức tiêu thụ cơ sở; từ năm 2040 đến 2044: sử dụng 50% mức tiêu thụ cơ sở; từ năm 2045: sử dụng 20% mức tiêu thụ cơ sở.

Là một quốc gia đang phát triển, chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, khi phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali, Việt Nam sẽ có quyền nhận hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật để loại trừ các chất HFC. Các doanh nghiệp sử dụng các chất HFC trong nước sẽ được hỗ trợ tài chính và tiếp cận công nghệ thay thế thân thiện hơn với môi trường và có hiệu suất cao hơn, tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường. Người sử dụng các thiết bị làm lạnh sẽ được tiếp cận với các sản phẩm thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng.

Việc phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali có ý nghĩa quan trọng, thể hiện vai trò của Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm, tích cực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sẵn sàng tăng cường hợp tác với các nước, cộng đồng quốc tế trong việc kiểm soát và loại trừ các chất HFC. Triển khai thực hiện Bản sửa đổi, bổ sung Kigali loại trừ các chất HFC ở Việt Nam sẽ giúp loại trừ hàng triệu tấn CO2 tương đương, góp phần cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu Trái Đất, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu, giảm nhẹ các tác hại do biến đổi khí hậu gây ra.

Trong thời gian tới, cùng với việc tiếp tục loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các Bộ, ngành và các bên liên quan để triển khai loại trừ các chất HFC. Để thực hiện điều này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp có sử dụng các chất HFC cũng như tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về sự cần thiết loại trừ các chất HFC, giúp giảm nhẹ biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Thúy Hà
Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động