Chính sách phát triển ngành Công nghiệp môi trường, định hướng giảm thiểu chất thải nhựa

09/12/2019 15:38 Chính sách - Pháp luật
Hiện nay, ngành công nghiệp môi trường (CNMT) đã và đang thu hút được sự quan tâm, đầu tư phát triển của xã hội. Việt Nam, với dân số hơn 96 triệu người, hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt hàng ngày đang tạo ra một khối lượng lớn chất thải rắn, nước thải và khí thải đòi hỏi ngành CNMT phải xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường (BVMT).
Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển ngành Công nghiệp môi trường đến năm 2025
chinh sach phat trien nganh cong nghiep moi truong dinh huong giam thieu chat thai nhua
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo và phát động Lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa.

Chất thải nhựa đã và tiếp tục là vấn đề môi trường nóng, có tính toàn cầu. Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ước tính mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ khoảng từ 30 đến 40 kg nhựa/năm, đồng thời là một trong bốn quốc gia tại châu Á (sau Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a và Phi-pin) phát sinh chất thải nhựa nhiều nhất. Riêng Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon/ngày. Số lượng bao bì nhựa và túi ni lông sử dụng ngày càng gia tăng ở Việt Nam dẫn đến lượng thải bỏ tăng dần theo từng năm trong khi tỷ lệ chất thải bao bì và túi nilon không được tái sử dụng, phải chôn lấp chiếm khoảng từ 5 - 8%, tương đương với khoảng 2,5 triệu tấn/năm.

Ngày 25 tháng 4 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã gửi Thư kêu gọi cả nước hành động giải quyết vấn đề chất thải nhựa. Ngày 09 tháng 6 năm 2019, trong Lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa, Thủ tướng Chính phủ đã đặt mục tiêu “phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần”.

chinh sach phat trien nganh cong nghiep moi truong dinh huong giam thieu chat thai nhua
Túi ni lông là sản phẩm quen thuộc tại các chợ, trung tâm thương mại.

Lượng nhựa tiêu thụ bình quân toàn ngành Công Thương có xu hướng ngày càng tăng để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, trong khi các cơ sở tái chế và xử lý rác thải nhựa còn thiếu, công nghệ lạc hậu, phân loại rác tại nguồn chưa hiệu quả. Để tránh các tác hại của chất thải nhựa, ngành Công Thương đã thực hiện nhiều biện pháp, thúc đẩy các sáng kiến bảo vệ môi trường nhằm giảm thiểu việc phát thải chất thải nhựa từ khâu sản xuất tới phân phối và tiêu dùng. Tuy nhiên, chất thải nhựa vẫn đang là thách thức rất lớn, cần tiếp tục có những hành động hết sức tích cực trong mỗi ngành, lĩnh vực, địa phương đặc biệt là trong cộng đồng doanh nghiệp và dân cư.

1. Một số chính sách phát triển ngành Công nghiệp môi trường

Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 đã giao Bộ Công Thương chỉ đạo phát triển ngành CNMT, Luật BVMT 2014 quy định: CNMT là một ngành kinh tế cung cấp các công nghệ, thiết bị, dịch vụ và sản phẩm phục vụ các yêu cầu về BVMT.

Quyết định số 1030/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển ngành CNMT đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ các nội dung, nhiệm vụ của Đề án, định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện. Quyết định này đã định hình các thành phần trong ngành CNMT, bao gồm: dịch vụ môi trường; thiết bị môi trường và sử dụng bền vững tài nguyên, phục hồi môi trường. Bên cạnh đó, Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức, cá nhân tham gia phát triển ngành CNMT. Cũng tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ cũng đưa ra quan điểm: Phát triển ngành CNMT trên cơ sở hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về ngành CNMT; đồng bộ với phát triển doanh nghiệp, thị trường và nguồn nhân lực.

chinh sach phat trien nganh cong nghiep moi truong dinh huong giam thieu chat thai nhua
Chuyển rác vào lò đốt rác tại Nhà máy xử lý rác của HTX Thành Công.

Quyết định số 249/QĐ-TTg ngày 10 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển dịch vụ môi trường đến năm 2020”, Quyết định này giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ các nội dung, nhiệm vụ của Đề án, định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện. Bên cạnh mục tiêu nhằm cung ứng dịch vụ BVMT cho các ngành, lĩnh vực, địa phương; tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực dịch vụ trong nền kinh tế, tạo thêm việc làm và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước, Đề án này cũng đưa ra quan điểm rõ ràng để phát triển dịch vụ môi trường theo lộ trình và bước đi phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020”, trong đó nêu rõ: “Phát triển ngành CNMT chú trọng phát triển các năng lực cung ứng dịch vụ môi trường nhất là xử lý, tái chế chất thải và công nghệ, giải pháp xử lý môi trường, coi đây là ngành kinh tế xanh, mũi nhọn giải quyết các vấn đề môi trường, góp phần tạo thêm thu nhập và việc làm cho nhân dân.

Quyết định số 1292/QĐ-TTg ngày 01/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động phát triển ngành CNMT và tiết kiệm năng lượng thực hiện chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đưa ra kế hoạch hành động cụ thể đối với lĩnh vực: Sản xuất thiết bị xử lý môi trường; Phát triển dịch vụ môi trường; Tái chế, tái sử dụng chất thải, cụ thể như sau:

Lĩnh vực sản xuất thiết bị xử lý môi trường gồm 6 kế hoạch như sau: (1) Chế tạo thiết bị lọc bụi túi vải, lọc bụi tĩnh điện cho các nhà máy có lượng phát thải khí lớn như nhà máy xi măng, nhà máy nhiệt điện v.v. (2) Sản xuất bể xử lý nước thải kiểu mô đun để xử lý nước thải phân tán phù hợp cho các tòa nhà, khu chung cư, khu dân cư phân tán, làng nghề, các điểm dịch vụ đơn lẻ v.v... (3) Sản xuất xe chuyên dùng phun nước-quét rác, xe chở rác thải, xe hút bùn thải, thông cống v.v... (4) Sản xuất hệ thống xử lý chất thải hợp vệ sinh trên các phương tiện giao thông vận tải (toa xe khách, tàu thủy). (5) Sản xuất thiết bị phân loại rác thải, lò đốt rác, dây chuyền sản xuất phân vi sinh. (6) Sản xuất thiết bị phân tích, quan trắc môi trường

Lĩnh vực dịch vụ môi trường gồm 5 kế hoạch như sau: (1) Đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung tại các thành phố. (2) Đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải công nghiệp tập trung tại các khu công nghiệp. (3) Đầu tư xây dựng các nhà máy phân loại rác-sản xuất phân vi sinh-đốt rác kết hợp thu hồi nhiệt, phát điện. (4) Đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải nguy hại tập trung. (5) Phát triển và chuyển giao công nghệ xử lý nước thải ngành thuộc da và mía đường.

Lĩnh vực tái chế, tái sử dụng chất thải gồm 5 kế hoạch như sau: (1) Xây dựng nhà máy tái chế nhựa phế thải thành dầu nhiên liệu hoặc các sản phẩm khác. (2) Xây dựng nhà máy tái chế dầu thải thành dầu nhiên liệu hoặc các sản phẩm khác. (3) Xây dựng trung tâm thu gom, tái chế các phương tiện vận tải hết niên hạn sử dụng. (4) Thử nghiệm và triển khai mô hình thu gom, tái chế rác thải thiết bị điện và điện tử. (5) Thử nghiệm và triển khai mô hình sản xuất biodiesel và các sản phẩm có giá trị khác (DHA, alkaloid, chất chống oxy hóa ...) từ các loại vật liệu như: mỡ cá, mỡ động vật, dầu ăn thải, các loại hạt cây cao su, Jatropha, đậu dầu.

Quyết định số 192/QĐ-TTg, ngày 13 tháng 02 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành CNMT đến năm 2025. Quyết định trên giao Bộ Công Thương Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện và kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Đề án; định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện; Chủ trì tổ chức thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia phát triển ngành CNMT đến năm 2025. Quyết định đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như sau: (2) Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, tổ chức về CNMT. (2) Phát triển công nghệ BVMT, sử dụng bền vững, tài nguyên và phục hồi môi trường. (3) Phát triển sản xuất, chế tạo, cung cấp các thiết bị, phương tiện, dụng cụ, sản phẩm BVMT. (4) Phát triển dịch vụ môi trường. (5) Đào tạo nhân lực, nâng cao nhận thức, năng lực phát triển ngành CNMT.

Quyết định 1138/QĐ-BCT ngày 04/05/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt kế hoạch hành động của Bộ Công Thương thực hiện Đề án phát triển ngành CNMT đến năm 2025. Quyết định đã cụ thể hóa các nhiệm vụ, trên 5 lĩnh vực: (1) Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, tổ chức về CNMT (8 nhiệm vụ). (2) Nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ phát triển ngành CNMT (6 nhiệm vụ). (3) Sản xuất thiết bị xử lý môi trường (8 nhiệm vụ). (4) Phát triển thị trường và thu hút đầu tư phát triển ngành CNMT (4 nhiệm vụ). (5) Đào tạo nhân lực, nâng cao nhận thức, năng lực phát triển ngành CNMT (4 nhiệm vụ). Tổng cộng, có 30 nhiệm vụ cụ thể thực hiện Đề án phát triển ngành CNMT đến năm 2025, trong đó có 9 nhiệm vụ Bộ Công Thương giao Hiệp hội CNMT Việt Nam chủ trì, 11 nhiệm vụ Hiệp hội CNMT Việt Nam phối hợp thực hiện.

Mặc dù ngành CNMT đã và đang thu hút được sự quan tâm, đầu tư phát triển của xã hội, Nhà nước ban hành nhiều văn bản quan trọng hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của ngành CNMT. Tuy nhiên, đến nay, ngành CNMT vẫn thiếu Nghị định của Chính phủ về phát triển CNMT. Bên cạnh đó, ngành CNMT chưa có mã ngành kinh tế; sản phẩm của ngành CNMT cũng chưa có mã ngành sản phẩm ngoại trừ một số nhóm sản phẩm liên quan đến dịch vụ môi trường được xếp trong nhóm ngành E như: E381 - Thu gom rác thải, E382 - Xử lý chế biến và tiêu hủy rác thải…

2. Định hướng giảm thiểu chất thải nhựa

Hiện nay, giá các sản phẩm nhựa dùng một lần, nhựa khó phân hủy rất thấp, dễ mua. Sản phẩm thay thế nhựa dùng một lần, nhựa khó phân hủy còn ít, khó tìm, giá cao. Chính sách quản lý phế liệu nhựa nhập khẩu còn bất cập vì chưa xác định được nhu cầu sử dụng nhựa được tái chế từ phế liệu, từ đó cấp lượng phế liệu nhập khẩu tương đương. Đó là những điểm ngẽn trong các hoạt động giảm thiểu chất thải nhựa. Một số định hướng giảm thiểu chất thải nhựa dưới đây dựa trên các nghiên cứu và thống kê của Tạp chí Công nghiệp môi trường trong thời gian qua.

chinh sach phat trien nganh cong nghiep moi truong dinh huong giam thieu chat thai nhua
Gỡ phế liệu nhựa nhập khẩu để tái chế hạt nhựa.

2.1. Chính sách

Tăng thuế nguyên liệu đầu vào để sản xuất các sản phẩm nhựa dùng một lần, nhựa khó phân hủy.

Theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020 đã giao Bộ Tài Chính hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy, khuyến khích đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường.

Làm việc với Tạp chí Công nghiệp môi trường, đại diện Vụ chính sách Thuế - Bộ Tài chính cho biết: Bộ Tài chính đã tăng thuế với sản phẩm túi ni lông khó phân hủy lên tối đa 50.000đ/kg, tuy nhiên các đơn vị sản xuất túi ni lông khó phân hủy chiếm 70% là các hộ kinh doanh, các đơn vị này đóng thuế theo hình thức khoán/tháng. Từ thực tế này, chúng ta dễ thấy, dù chính sách thuế về túi ni lông khó phân hủy đã ở mức cao nhất nhưng do đối tượng chịu thuế và cách tính thuế nên vẫn chưa thực sự triệt để.

Kết quả là, túi ni lông khó phân hủy vẫn thoát được thuế, nên câu chuyện giẻ và cho không túi ni lông khó phân hủy tại các chợ hay trung tâm thương mại vẫn còn, đây có thể coi là hành động trực tiếp làm gia tăng chất thải nhựa. Từ thực tế trên, việc tăng thuế nguyên liệu đầu vào để sản xuất các sản phẩm nhựa dùng một lần, nhựa khó phân hủy là cần thiết và kiến nghị các cơ quan chức năng nên làm ngay.

Ưu tiên sử dụng phế thải nhựa phát sinh trong nước để tái chế. Quản lý chặt chẽ các phế thải nhập khẩu để đảm bảo đúng mục tiêu của các doanh nghiệp đã đăng ký. Hạn chế, tiến tới cấm nhập khẩu phế thải.

Phải có chính sách thúc đẩy, phát triển các doanh nghiệp tham gia sản xuất các sản phẩm thay thế nhựa dùng một lần, nhựa khó phân hủy nhằm đa dạng hóa, giảm giá sản phẩm.

Theo đó, kiến nghị Nhà nước ưu tiên về: Giảm thuế đất, khuyến khích hạ tầng;Giảm thuế với nguyên liệu đầu vào; Đào tạo lao động; Chuyển giao khoa học - công nghệ, thiết bị.

Có chính sách với các cơ sở đang sản xuất nhựa dùng một lần, nhựa khó phân hủy; tái chế nhựa phải dừng sản xuất hoặc chuyển đổi sang sản xuất khác trước yêu cầu mới.

Theo đó, kiến nghị Nhà nước ưu tiên về: Giảm hạn ngạch phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu để sản xuất nhựa dùng một lần, nhựa khó phân hủy; Hỗ trợ chuyển đổi công nghệ, dây truyền sản xuất cũ sang sản xuất phù hợp; Hỗ trợ đào tạo nghề khi người lao động chuyển nghề hoặc các cơ sở sản xuất nhựa dùng một lần, nhựa khó phân hủy dừng sản xuất.

chinh sach phat trien nganh cong nghiep moi truong dinh huong giam thieu chat thai nhua
Sản xuất ni lông.

Học tập, nghiên cứu kinh nghiệm quản lý của các nước tiên tiến trên thế giới về nhập khẩu phế liệu nhựa; phân loại, sản xuất, tiêu thụ...nhựa dùng một lần, nhựa khó phân hủy để có lộ trình thực hiện phù hợp trong nước.

2.2. Đưa các sản phẩm thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần, nhựa khó phân hủy vào phục vụ cuộc sống.

2.3. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng về tác hại sản phẩm nhựa dùng một lần, nhựa khó phân hủy, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Thực tế các chuyến đi khảo sát thông tin, chúng tôi thấy có những nơi, những bộ phận đang cực đoan với sản phẩm nhựa. Họ cực đoan với các khẩu hiệu như “Nói không với sản phẩm nhựa”, điều này là không tưởng vì trên toàn thế giới chưa tìm được các sản phẩm có thể thay thế 100% nhựa trong sản xuất và sinh hoạt. Với sản phẩm nhựa, chúng ta cũng cần cụ thể hóa sản phẩm là nhựa dùng một lần, nhựa khó phân hủy, thay với nói không chúng ta phải giảm thiểu.

Phát triển ngành CNMT là một nội dung quan trọng trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; trên cơ sở phát triển đồng bộ các lĩnh vực cung cấp công nghệ, thiết bị, dịch vụ và sản phẩm phục vụ các yêu cầu về BVMT phù hợp với nhu cầu, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và xu hướng phát triển của thế giới là việc làm hết sức cần thiết. Đó là quan điểm của xuyên suốt của Chính phủ nhằm thúc đẩy, phát triển ngành CNMT Việt Nam. Trên cơ sở phát triển ngành CNMT đủ năng lực đáp ứng các yêu cầu về BVMT, qua đó lồng ghép các hoạt động để cùng giảm thiểu chất thải nhựa, tạo hiệu quả kép trong công tác BVMT.
Nguyễn Hoàng
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động