Cộng sinh công nghiệp: Xu hướng phát triển bền vững

02/10/2019 05:00 Tăng trưởng xanh
Phương pháp tiếp cận giải quyết vấn đề môi trường do sản xuất công nghiệp gây ra đang có sự chuyển đổi dần từ cách tiếp cận mang tính bị động sang chủ động, xử lý vấn đề môi trường ngay khi trong quá trình sản xuất thông qua tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn; đồng thời, thúc đẩy sản xuất công nghiệp mang tính cộng sinh, tuần hoàn, trong đó đầu ra chất thải của doanh nghiệp này được sử dụng làm đầu vào của doanh nghiệp khác...
Phát triển các khu công nghiệp sinh thái, bảo vệ môi trường

Đó chính là tiền đề cho việc hình thành và phát triển các khu công nghiệp (KCN) sinh thái trên thế giới, trong đó quan hệ giữa các chủ thể trong KCN mang tính cộng sinh cao, mô phỏng sự vận hành của hệ sinh thái tự nhiên, giảm thiểu tiến đến triệt tiêu chất thải, rác thải và các ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

Thực trạng môi trường KCN ở Việt Nam

Hiện cả nước đang có tới 326 KCN, khu chế xuất (KCX) nhưng hầu hết là theo mô hình KCN truyền thống, chỉ một số ít gần đây theo mô hình KCN kết hợp đô thị và chưa có một KCN sinh thái nào đúng nghĩa. Việc thành lập, vận hành các KCN đã đóng góp đáng kể cho nền kinh tế với vai trò là một trong những động lực của tăng trưởng và thu hút đầu tư lớn, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, giải quyết nhiều vấn đề xã hội của cả nước. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển là những thách thức cần giải quyết, như: hoạt động tại các KCN đã gây ra không ít tác động xấu tới môi trường, ô nhiễm môi trường sinh thái, đời sống của người dân, tài nguyên thiên nhiên chưa sử dụng hiệu quả, nhiều giải pháp sản xuất sạch và bảo vệ tài nguyên chưa được ứng dụng, cộng sinh giữa các doanh nghiệp trong cùng KCN còn hạn chế, dịch vụ trong KCN chưa đầy đủ… Trong đó, khoảng 13% các KCN đang hoạt động chưa có nhà máy xử lý nước thải, 20% chất thải công nghiệp là chất thải nguy hại; phần lớn sử dụng kém hiệu quả nguồn tài nguyên, phát thải bẩn và gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường sống. Khoảng 20% nước thải từ các KCN được xả thẳng ra nguồn tiếp nhận mà không có bất kỳ một biện pháp xử lý nào, gây nên ô nhiễm nặng nề nước bề mặt cũng như hệ sinh thái dưới nước, gây nên những tác động tiêu cực tới nông nghiệp, thủy sản và nguồn nước uống.

Lượng chất thải rắn đang ngày càng tăng tại các KCN, trong đó chất thải rắn nguy hại chiếm tới 20%. Việc thu gom, vận chuyển, tái chế và tái sử dụng chất thải rắn từ KCN còn nhiều hạn chế. Ô nhiễm không khí chủ yếu là do các doanh nghiệp sử dụng những công nghệ lạc hậu và không có hệ thống xử lý khí thải. Ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của người dân sống xung quanh KCN, gây thất thoát về kinh tế do phải chi trả bảo hiểm và thu nhập thấp.

Với số lượng lớn KCN tại Việt Nam, việc áp dụng cách tiếp cận KCN sinh thái, tham gia các liên kết cộng sinh công nghiệp, chuyển đổi, xây dựng mới các KCN sinh thái không chỉ mang lại lợi ích kinh tế và xã hội tại các doanh nghiệp trong các KCN sinh thái, mà còn mang lại lợi ích cho cả người lao động, cộng đồng bên ngoài hàng rào KCN thông qua việc giảm thiểu chất thải, tác động đến môi trường.

cong sinh cong nghiep xu huong phat trien ben vung

Cán bộ dự án "Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam" đang khảo sát tại KCN Hòa Khánh.

Quy định pháp cộng sinh công nghiệp

Các quy định pháp lý hiện hành đã đề ra nguyên tắc quản lý khuyến khích doanh nghiệp tuần hoàn, sử dụng nước trước khi thải hay thực hiện việc trao đổi sản phẩm phụ, chất thải giữa các doanh nghiệp. Cụ thể, khoản 4, điều 4, Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu yêu cầu nước thải phải được thu gom, xử lý, tái sử dụng hoặc chuyển giao cho đơn vị có chức năng phù hợp để tái sử dụng hoặc xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi thải ra môi trường.

Nghị định 54/2015/NĐ-CP ngày 08/6/2015 về ưu đãi các hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả quy định các hoạt động của các tổ chức: (i) xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp hạng mục công trình để thu gom, xử lý nước thải có quy mô từ 40 m3/ngày đêm trở lên, đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước phù hợp với mục đích được tái sử dụng và sử dụng lượng nước đó cho các hoạt động của mình đạt từ 80% trở lên; (ii) xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp, đầu tư chiều sâu hạng mục công trình để sử dụng nước tuần hoàn cho các hoạt động của mình với quy mô từ 500 m3/ngày đêm trở lên, nhưng không bao gồm hoạt động sử dụng nước tuần hoàn để làm mát và các hình thức tuần hoàn khác theo quy trình, công nghệ sản xuất tại các điểm a, điểm b, khoản 1 điều 6 thì được hưởng các ưu đãi về tín dụng, thuế quy định tại điều 7. Tuy nhiên, những ưu đãi cụ thể thì không được chỉ rõ hay tham chiếu đến quy định cụ thể.

Khoản 2, điều 11, Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT về việc bảo vệ môi trường khu kinh tế (KKT), KCN, KCX, khu công nghệ cao yêu cầu các cơ sở trong KCN phải được thu gom, vận chuyển và xử lý hoặc tái sử dụng theo quy định của pháp luật về quản lý bùn thải đưa ra khả năng trao đổi chất thải giữa các doanh nghiệp công nghiệp trong KCN. Quy định về cộng sinh trong KCN mở ra các cơ hội cho cộng sinh công nghiệp.

Một tín hiệu tích cực là các nội dung về KCN sinh thái và cộng sinh công nghiệp đã được thể chế hóa trong Nghị định 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về KCN, KKT, trong đó nêu rõ khái niệm về cộng sinh công nghiệp, tiêu chí KCN sinh thái và phân công trách nhiệm các bộ, ngành trong việc hướng dẫn triển khai loại hình KCN này.

Theo Nghị định 82/2018/NĐ-CP, cộng sinh công nghiệp trong KCN là hoạt động hợp tác giữa các doanh nghiệp trong một KCN hoặc với doanh nghiệp trong các KCN khác nhằm tối ưu hóa việc sử dụng các yếu tố đầu vào, đầu ra như nguyên vật liệu, nước, năng lượng, chất thải, phế liệu... trong quá trình sản xuất kinh doanh. Thông qua hợp tác, các doanh nghiệp hình thành mạng lưới trao đổi các yếu tố phục vụ sản xuất, sử dụng chung hạ tầng và các dịch vụ phục vụ sản xuất, cải thiện quy trình công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nghị định 82 đã đặt ra một số tiêu chí mà KCN sinh thái phải đạt được là có ít nhất 25% diện tích là cây xanh, giao thông; hạ tầng dịch vụ được dùng chung; tối thiểu 90% doanh nghiệp trong KCN có nhận thức về RECP; tối thiểu 20% doanh nghiệp trong KCN áp dụng các giải pháp RECP; ít nhất 10% doanh nghiệp trong KCN có kế hoạch tham gia các liên kết cộng sinh công nghiệp...

Nghị định cũng quy định những ưu đãi đối với doanh nghiệp trong KCN sinh thái. Cụ thể, doanh nghiệp phát triển kết cấu hạ tầng KCN sinh thái và doanh nghiệp sinh thái được ưu tiên vay vốn ưu đãi từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, các quỹ, tổ chức tài chính, nhà tài trợ trong nước, quốc tế để xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN, thực hiện các biện pháp sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên và các giải pháp cộng sinh công nghiệp; được ưu tiên tham gia các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, chương trình xúc tiến đầu tư do các cơ quan nhà nước tổ chức, quản lý; được ưu tiên cung cấp thông tin liên quan về thị trường công nghệ, khả năng hợp tác để thực hiện cộng sinh công nghiệp trong lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Giải pháp cho Việt Nam

Cộng sinh công nghiệp có thể trở thành giải pháp cho Việt Nam để hướng đến phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình này ở Việt Nam đặt ra nhiều khó khăn khi lựa chọn phương án “sửa” KCN truyền thống thành KCN sinh thái có liên kết cộng sinh.

Trên thực tế, các cơ hội về cộng sinh công nghiệp tại các KCN vẫn chưa đi vào thực tiễn, bởi không ít thách thức, đơn cử như cơ sở hạ tầng dùng chung tại các KCN hiện nay mới chỉ đạt mức cơ bản về điện, nước và xử lý nước thải. Để có thể kết nối dòng nguyên liệu giữa các doanh nghiệp thì cần phải đầu tư lại, hoặc nâng cấp toàn bộ hạ tầng, đường dẫn... việc này đòi hỏi số vốn đầu tư không nhỏ. Các doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN cũng thiếu sự tương thích so với yêu cầu liên kết cộng sinh. Chẳng hạn, khả năng cung ứng của doanh nghiệp này không tương thích với nhu cầu tiêu thụ của doanh nghiệp kia; hay có sự khác biệt về trình độ công nghệ, quy mô... Do đó mà phải mất rất nhiều thời gian.

Nhằm mục đích chuyển đổi các KCN truyền thống thành KCN sinh thái, năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam”, với tổng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại trị giá 4,554 triệu USD của Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) và UNIDO. Dự án thí điểm tại các KCN: Khánh Phú (Ninh Bình), Hòa Khánh (Đà Nẵng) và Trà Nóc 1 và 2 (Cần Thơ). Một trong những cấu phần quan trọng của dự án là xây dựng được mạng lưới cộng sinh công nghiệp trong các KCN, theo đó có sự hợp tác giữa hai hay nhiều cơ sở công nghiệp mà chất thải hay phụ phẩm của cơ sở này trở thành nguyên liệu đầu vào của cơ sở khác.

Sau 4 năm, mô hình KCN sinh thái thí điểm tại 3 KCN có 72 doanh nghiệp tham gia đã áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP), đạt mức tiết kiệm điện nước, nguyên vật liệu hàng năm tương ứng 75 tỉ đồng thông qua cắt giảm khoảng 17,8 triệu kWh điện, 429.000 mét khối nước, một lượng đáng kể nguyên liệu, nhiên liệu. Đáng chú ý, lợi ích môi trường từ chương trình này là mỗi năm giảm được 24,89 tấn CO2; 4 tấn hóa chất, 3.335 tấn rác thải rắn và 429.000 mét khối nước thải...

Riêng KCN Hòa Khánh được chọn là nơi thí điểm xây dựng mạng lưới cộng sinh công nghiệp đầu tiên ở Việt Nam. Từ tháng 6/2016, các chuyên gia từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ chức phát triển Công nghiệp Hàn Quốc (KICOX) thực hiện 3 chuyến khảo sát thực địa tại KCN Hòa Khánh để đánh giá tiềm năng xây dựng các mạng lưới cộng sinh công nghiệp. Kết quả, đến nay, KCN Hòa Khánh có 8/8 doanh nghiệp tham gia, thực hiện mô hình cộng sinh công nghiệp với 6 giải pháp về nhiệt, nước, chất thải rắn; bước đầu thực hiện chu trình, những thứ thải ra của doanh nghiệp này có thể làm nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp kia hoặc tận dụng nhiệt thừa, năng lượng thừa trong qua trình sản xuất của mình để chia sẻ cho doanh nghiệp liền kề, mỗi năm tiết kiệm năng lượng điện từ 5-10%, nước 3-5%, giảm thải CO2: 510,1 tấn/năm; COD: 95 kg/năm; Teq PCDD/F: 51,1 µg/năm.

Việc phát triển cộng sinh công nghiệp, hay rộng hơn là KCN sinh thái, sẽ vẫn là ưu tiên chiến lược của Việt Nam trong thời gian tới, vì KCN sinh thái được chính phủ lựa chọn nhằm đảm bảo các KCN phát triển theo hướng bền vững và bao trùm. Những kết quả tích cực sau 4 năm triển khai chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái tại các KCN được thí điểm đã thôi thúc nhiều địa phương và Ban quản lý các KCN trên cả nước quyết tâm xây dựng mô hình tiên tiến, phù hợp xu thế phát triển của thế giới. Tuy nhiên, việc triển khai, thay vì các địa phương tự "mò mẫm", rất cần sự vào cuộc, hỗ trợ của các bộ, ngành và sự chia sẻ từ những mô hình đã thành công.

Mai Hoa
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động