"Đảo rác" 360 triệu USD có nguy cơ "về hưu sớm", Singapore loay hoay

06/09/2019 13:44 Tác động môi trường
Được mệnh danh là một trong những quốc gia sạch nhất thế giới, nhưng Singapore cũng đang phải đối mặt với các vấn đề nan giải về rác thải. "Đảo rác" 360 triệu USD đang đứng trước nguy cơ "về hưu sớm" 10 năm, các lò đốt rác quá tải… Chính phủ nước này đang phải nỗ lực tìm ra các giải pháp đồng bộ để cải thiện tình hình.   
Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác thế giới Hiện trạng phương tiện, thiết bị thu gom, tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trong đô thị Tầm nhìn bãi rác

"Đảo rác" sinh thái trong mơ

Singapore được mệnh danh là một trong những quốc gia thịnh vượng, đáng sống và sạch nhất thế giới. Tuy nhiên, quốc gia này cũng phải đối mặt với vấn đề của thời đại đó là chất thải ngày càng tăng. Với nhược điểm quỹ đất hạn chế, chính phủ cùng các nhà khoa học Singapore đã phải rất nỗ lực để tìm ra các giải pháp xử lý rác tiên tiến, tối ưu. Một trong số những thành tựu nổi bật là "đảo rác" giữa Đại Dương Pulau Semakau với tổng diện tích khoảng 3,5km2; sức chứa lên tới 63 triệu m3, hoạt động từ năm 1999.

dao rac 360 trieu usd co nguy co ve huu som singapore loay hoay
Nhìn từ xa, "đảo rác" trông như một khu bảo tồn thiên nhiên. Ảnh: NEA.

Pulau Semakau (hay đảo Semakau) nằm ngoài khơi phía Nam của đảo quốc Singapore. Bãi rác gần 10 triệu tấn đang "toạ" ở phía Đông của Semakau hiện là bãi rác duy nhất của Singapore. Tuy nhiên, nhìn từ bên ngoài, hòn đảo rác trông như một khu bảo tồn thiên nhiên với rất nhiều cây xanh.

Pulau Semakau trước đây vốn là nơi sinh sống của một làng chài nhỏ. Tuy nhiên ngư dân trên đảo đã di cư từ năm 1991 theo kế hoạch của chính phủ. Đến năm 1999, sau khi đóng cửa Lorong Halus - bãi rác cuối cùng trong thành phố, chính quyền Singapore đã đầu tư 360 triệu USD để biến Semakau thành bãi rác trên biển đầu tiên, dự kiến hoạt động đến năm 2045.

dao rac 360 trieu usd co nguy co ve huu som singapore loay hoay
Quy trình chôn lấp rác trên đảo Semakau. Ảnh: The Smart Local Singapore.
dao rac 360 trieu usd co nguy co ve huu som singapore loay hoay
Quy trình chôn lấp rác trên đảo Semakau. Ảnh: The Smart Local Singapore.

Trên đất liền, rác được đốt thành tro tại bốn nhà máy xử lý rác thải lớn của Singapore; sau đó chuyển đến đảo trong một sà lan kín để tránh tro bay vào không khí. Tại đảo, tro rác được trộn thêm nước, đổ vào các hầm chứa lót màng không thấm nước và phủ đất lên trên. Quanh khu chôn rác là bức tường dài tới 7km được xây từ cát, đá và đất sét để chống rò rỉ chất thải. Trong quá trình xây dựng, tấm chắn chuyên dụng được lắp đặt xung quanh đảo để đảm bảo an toàn cho các loài thuỷ sinh trong khu vực. Ngay phía trên nơi chôn tro rác là rừng cây mọc tự nhiên. Bên cạnh đó, các chuyên gia còn lắp đặt cánh đồng điện mặt trời và tuabin gió để sản xuất ra năng lượng sạch.

dao rac 360 trieu usd co nguy co ve huu som singapore loay hoay
Semakau duy trì được hệ sinh thái tự nhiên với hơn 700 loài động thực vật. Ảnh: NEA.

Nhờ có trình độ xử lý tiên tiến, "đảo rác" Semakau không chỉ đảm bảo vệ sinh mà còn duy trì được hệ sinh thái tự nhiên với hơn 700 loài động thực vật, trong đó có một số loài có nguy cơ tuyệt chủng như cá heo trắng Trung Quốc, diệc mỏ dài… Đây còn là nơi có trang trại cá chẽm lớn nhất Singapore do có dòng biển mạnh và hàm lượng oxy trong nước cao. Ngoài ra, quanh đảo còn có hai khu rừng ngập mặn.

dao rac 360 trieu usd co nguy co ve huu som singapore loay hoay
Đảo Semakau chào đón khách tham quan vào các ngày trong tuần. Ảnh: The Smart Local Singapore.

Đặc biệt, đảo Semakau chào đón khách tham quan vào các ngày trong tuần. Tuy không mất chi phí nhưng du khách cần đặt lịch trước ba tuần. Thậm chí có những cặp đôi yêu môi trường đã lựa chọn chụp ảnh cưới tại đây. Vào thời gian cao điểm, du khách có thể phải chờ tới 4 tháng mới đến lượt.

Theo Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore (NEA), để đảm bảo tiêu chuẩn hoạt động cho "đảo rác", nước và khí thải trong quá trình xử lý rác đều phải được xử lý nghiêm ngặt. Mỗi tháng, các chuyên gia đều lấy mẫu nước biển xung quanh đảo để xét nghiệm, đảm bảo các chỉ số luôn ở mức an toàn.

Nguy cơ "hết khấu hao" trước 10 năm và trở thành "quả bom rác"

Khi mới được xây dựng vào năm 1999, giới chức Singapore kỳ vọng "đảo rác" Semakau sẽ hoạt động được tới năm 2045. Tuy nhiên 10 năm sau, hiện trạng môi trường đã trở nên phức tạp hơn do quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá diễn ra nhanh chóng. Lượng chất thải rắn của quốc gia này tăng mạnh theo xu hướng thế giới, tăng thêm gần 2/3 sau hai thập kỷ; riêng từ năm 2000 đến năm 2018, lượng rác thải tăng từ 4,7 triệu lên 7,7 triệu tấn.

Trong đó, lượng rác thiêu huỷ tăng từ 2,4 triệu tấn năm 2000 lên 2,8 triệu tấn sau gần một thập kỷ. Tỷ lệ tái chế rác trong nước vẫn không thay đổi, chỉ duy trì ở mức khoảng 20% trong hơn một thập kỷ; 40% lượng chất thải rắn được xuất khẩu để tái chế cũng bị trả về hoặc thiêu huỷ do quá ô uế. Đáng chú ý, lượng chất thải thực phẩm tăng đột biến hơn 40% sau 10 năm, hiện chiếm tới 10% tổng lượng chất thải của Singapore.

dao rac 360 trieu usd co nguy co ve huu som singapore loay hoay
Tỷ lệ rác được tái chế trong nước còn thấp là do người dân còn thiếu hiểu biết về các tiêu chuẩn tái chế và phân loại rác. Ảnh: Eco-Business.

Tỷ lệ rác được tái chế trong nước còn thấp là do người dân còn thiếu hiểu biết về các tiêu chuẩn tái chế và phân loại rác, trong khi Singapore đã thực hiện kế hoạch 3R (Tiết giảm – Tái sử dụng – Tái chế) từ lâu. Cụ thể, có khoảng 40% lượng rác trong các thùng chứa "rác tái chế" không thể tái chế được do quá ô uế vì bị vứt cùng thực phẩm, đồ uống thừa; hoặc có chất liệu, nguồn gốc không phù hợp để tái chế, như gối, đồ chơi cũ,… Nhiều người có suy nghĩ rằng tất cả mọi loại rác đều sẽ được thiêu huỷ nên "hồn nhiên" vứt chung vào một thùng. Vô hình chung tạo áp lực cho các nhà máy đốt rác.

Trước tình hình trên, "đảo rác" duy nhất của Singapore dự kiến sẽ "hết khấu hao" vào năm 2035 - sớm hơn 10 năm so với kế hoạch. Dù có công nghệ tiên tiến, quốc đảo đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt quỹ đất để quản lý rác thải. Bên cạnh đó, giới hoạt động vì môi trường cho rằng, việc quy trình xử lý rác thải của nước này phụ thuộc quá nhiều vào các lò đốt thay vì tái chế sẽ gây ra nhiều hiểm hoạ với môi trường. Cụ thể là gây phát thải các chất gây ung thư, khí nhà kính và tiêu hao nhiều năng lượng.

dao rac 360 trieu usd co nguy co ve huu som singapore loay hoay
Nếu không kiểm soát được tốc độ tăng của chất thải, cứ mỗi 7-10 năm, Singapore sẽ cần thêm một lò đốt rác nữa. Ảnh: The State of Green.

Trang Eco-Business thậm chí đã gọi Semakau là "quả bom rác sẽ nổ sau 16 năm nữa" và nhận định, với tốc độ phát sinh chất thải và trình độ quản lý như hiện nay, cứ mỗi 7-10 năm, Singapore sẽ cần thêm một lò đốt rác nữa. Như vậy, đây là biện pháp xử lý rác thải không bền vững.

Bên cạnh đó, Singapore sắp cho ra mắt nhà máy sản xuất năng lượng từ rác (waste-to-energy/WTE) thứ năm tại Tuas. Một số chuyên gia cho rằng đây là "con dao hai lưỡi", tuy hạn chế được lượng rác thải ra môi trường nhưng lại gây phát phát thải các loại khí nhà kính trong quá trình hoạt động.

Giải pháp của chính phủ

Theo ông Ong Soo San - Cục trưởng Cục Quản lý chất thải Singapore, là một quốc gia có cảng container lớn thứ hai thế giới, lãnh hải của nước này có thể còn hạn chế hơn lãnh thổ. Nên việc kéo dài tuổi thọ của bãi rác Semakau cần được ưu tiên thay vì tìm kiếm thêm các "đảo rác" khác.

Ông Ron Wong - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất thải Singapore cho biết, chính phủ đang triển khai một số biện pháp tích cực như xây dựng tiêu chuẩn sử dụng tro đốt rác, đẩy mạnh phương pháp 3R, phát động các chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của người dân về rác thải, tái chế,…

dao rac 360 trieu usd co nguy co ve huu som singapore loay hoay
Ông Ong Soo San (trái) và ông Ron Wong - Hai nhà lãnh đạo của Cục Quản lý chất thải Singapore. Ảnh: Eco-Business.

Về quy trình xử lý khí thải từ các nhà máy đốt rác và sản xuất năng lượng từ rác, ông Ong Soo San khẳng định, các biện pháp kiểm soát ô nhiễm tại các nhà máy của Singapore rất nghiêm ngặt. Cụ thể, quy trình đốt rác được gắn liền với hệ thống xử lý khí thải gồm nhiều công đoạn: Đầu tiên, khí thải sẽ đi qua các bộ lọc tĩnh điện để loại bỏ 99,7% các chất bẩn vật lý như hạt bụi siêu mịn, bồ hóng… Sau đó, lượng khí còn lại sẽ tiếp tục được lọc bằng các bộ lọc túi xúc tác để vô hiệu hoá chất độc hoá học như dioxin (chất gây ô nhiễm và ung thư cực mạnh, sinh ra trong quá trình đốt nhựa). Khí thải ra môi trường được đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế như tại các nhà máy đốt rác tiên tiến thế giới ở Thuỵ Sĩ hay Đức.

Tuy nhiên, giới chức Singapore cũng thừa nhận những nhược điểm của loại hình sản xuất WTE nên khẳng định sẽ không bị phụ thuộc mà hướng đến các giải pháp quản lý chất thải bền vững hơn trong tương lai để đạt được mục tiêu "quốc gia không rác thải". Họ khẳng định, chiến lược ưu tiên là giảm tối đa chất thải, tái chế tất cả những gì có thể, sau đó là sản xuất năng lượng từ rác, những gì còn lại cuối cùng mới đem thiêu huỷ và gửi ra đảo. Trong tương lai gần, Singapore hướng đến tái sử dụng tro đốt rác, biến đổi thành vật liệu xây dựng (được gọi là NEWSand), nhằm mục đích đóng vòng lặp chất thải và giảm tải cho "đảo rác".

Bên cạnh đó, các công nghệ xử lý sẽ không ngừng được đổi mới theo hướng tiết kiệm nhiên liệu, giảm chất thải, nâng cao năng suất,… và dần thay thế những cỗ máy cũ. Ông Ong Soo San kỳ vọng, với cùng một lượng chất thải, nhà máy đốt rác mới tại Tuas có thể sản xuất ra gấp đôi năng lượng.

dao rac 360 trieu usd co nguy co ve huu som singapore loay hoay
Hình ảnh mô phỏng nhà máy đốt rác sắp được đưa vào vận hành ở Tuas (Singapore). Ảnh: JDC.

Ông cho biết thêm, tại nhà máy mới, công nghệ xử lý rác sẽ được kết hợp với nhà máy nước tại địa phương để nâng cao hiệu quả hoạt động và phục hồi tài nguyên. Ở đây, chất thải thực phẩm sẽ được đồng hoá với nước, bùn thải, giúp tăng sản lượng khí sinh học, từ đó nâng cao năng suất sản xuất điện.

Lãnh đạo của NEA cũng bày tỏ, để đạt được mục tiêu "quốc gia không rác thải", chính phủ, doanh nghiệp, người dân cần hợp tác chặt chẽ và có chiến lược đồng bộ, gồm áp dụng các điều luật mới, triển khai các kế hoạch truyền thông, chiến dịch cộng đồng,… nhắm vào ba loại chất thải chính là chất thải thực phẩm, chất thải bao bì (bao gồm nhựa) và chất thải điện, điện tử.

Trong đó nổi bật là chiến dịch RecycleRight, giúp nâng cao nhận thức trong cộng đồng về rác thải và thực hiện phân loại đúng cách: không vứt chung rác tái chế cùng đồ ăn, thức uống thừa; đọc kỹ nhãn trên các sản phẩm trước khi mua để phân loại bao bì,… Sau đó, nhà nước sẽ phổ biến cho người dân về quy trình xử lý và tái chế số rác mà họ đã phân loại bằng nhiều cách như: sử dụng xe rác chuyên biệt, thậm chí là thực hiện phân loại rác một lần nữa ngay trên những chiếc xe này,… để người dân thấy rằng những nỗ lực của họ thật sự có ý nghĩa.

Về vấn đề rác thải thực phẩm tăng đột biến, ông Ong Soo San cho rằng nguyên nhân chính là do người dân đang lãng phí thức ăn. Các chuyên gia Singapore đã phát triển cuốn sách "Hướng dẫn tránh lãng phí thực phẩm và tiết kiệm tiền"; đồng thời yêu cầu các cơ sở xử lý chất thải thực phẩm có kế hoạch phân loại và nâng cao hiệu quả hoạt động vào năm 2024. Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất thải Singapore, người dân nước này đặc biệt hưởng ứng các chiến dịch giảm chất thải thực phẩm, ý thức chung đã được cải thiện đáng kể so với trước đây.

Về phía doanh nghiệp, từ năm 2020, các nhà sản xuất bao bì và sản phẩm đóng gói sẽ phải báo cáo và gửi kế hoạch 3R cho các mặt hàng của mình lưu thông trên thị trường Singapore. Chính phủ nước này cũng đang nghiên cứu về EPR (Extended Producer Responsibility/Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất), chính sách mới buộc các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm quản lý sản phẩm của họ sau khi đến tay người tiêu dùng. Theo đó, EPR kỳ vọng sẽ được áp dụng vào năm 2021 cho chất thải điện tử, năm 2025 cho các sản phẩm bao gói.

Ông Ong Soo San và ông Ron Wong đều bày tỏ mong muốn sớm đạt được những mục tiêu đã đề ra, vận hành thành công các chính sách bảo vệ môi trường mới; người dân Singapore sẽ có ý thức tiết kiệm hơn, chỉ đặt mua những gì thật sự cần thiết, giảm lãng phí, tập thói quen mang theo chai, túi…có thể tái sử dụng và nắm bắt được cách phân loại, tái chế rác đúng.

Diệu Anh (Theo Eco-Business, NEA, The New York Times...)
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động