Tầm nhìn bãi rác
Bãi rác quá tải gây ô nhiễm môi trường ở Sầm Sơn |
Lễ phát động cuộc thi viết "Nói không với rác thải nhựa" |
Lần đầu tiên tôi tới thăm Đa Phước vào cuối năm 2008, khoảng một năm sau khi cơ sở này vận hành. Lúc đó tôi phụ trách các dự án môi trường cho một quỹ đầu tư của Mỹ ở Việt Nam. Năm năm sau, tôi ghé lại lần thứ hai khi đang là chuyên gia cho một tổ chức hợp tác kỹ thuật của châu Âu để khảo sát công nghệ phát điện từ bãi rác.
Chúng tôi đã rất ấn tượng với thông tin và hình ảnh mô phỏng. Đại diện công ty chỉ vào từng hạng mục trên sa bàn để giải thích quy trình công nghệ. Theo thuyết minh, Khu xử lý rác Đa Phước là dự án xử lý rác lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam do Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) đầu tư. Công trình gồm một nhà máy phân loại rác, một nhà máy sản xuất phân vi sinh compost và bãi chôn lấp hợp vệ sinh được thiết kế theo công nghệ tiên tiến của Hoa Kỳ. Các vật liệu tái chế sẽ được thu hồi, phân vi sinh vừa phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trong nước vừa xuất khẩu. Khí metan thu hồi từ bãi rác sẽ được dùng để sản xuất điện cung cấp cho toàn khu liên hợp. Các hạng mục này sẽ hoạt động đồng bộ nhằm giảm thiểu khối lượng rác phải chôn lấp, không chỉ bảo vệ môi trường mà còn tiết kiệm tài nguyên.
Nhưng các mục tiêu quan trọng ấy chưa từng thành hiện thực. Chúng tôi không thể tham quan thực tế vận hành của từng hạng mục tại hiện trường để đánh giá đầu tư bởi chỉ có bãi chôn lấp hoạt động. "Vì thành phố vẫn chưa giao rác được phân loại như cam kết", đại diện công ty lý giải. Khá hụt hẫng, chúng tôi đành loại bỏ dự án ra khỏi danh mục đánh giá vì không muốn chỉ đầu tư vào việc chôn lấp rác.
Lần tiếp theo trở lại Đa Phước, tôi được mời tham quan dây chuyền phân loại, nhà xưởng sản xuất phân compost và tổ hợp đốt khí phát điện. Vấn đề là chúng còn mới tinh tươm, rất sạch sẽ vì chưa từng hoạt động, cũng với lý do thành phố không giao được rác đã phân loại. Chẳng có lượng điện năng nào được tạo ra từ bãi rác như thuyết trình, khu xử lý rác phải dùng điện lưới của EVN. Trước đó, VWS từng đề xuất nhập 10.000 tấn "rác Mỹ" về để chạy thử dây chuyền phân loại nhưng vướng phải quy định nhập khẩu phế liệu nên cũng không xong.
Mỗi lần đến đây, tôi đều trải nghiệm mùi hôi rất đặc trưng của bãi rác. Tất nhiên, nó không thể kinh khủng bằng cảm xúc của người dân quanh đó khi phải chịu đựng suốt đêm ngày. Ô nhiễm mùi đến từ hai khu vực: hồ chứa nước rỉ rác và các ô chôn lấp rác.
Nước rỉ rác tập hợp những gì uế tạp và ô nhiễm nhất trong bãi rác, được hình thành do độ ẩm có sẵn trong rác chôn lấp và sự thẩm thấu của nước mưa. Đây là loại nước thải chứa nhiều thành phần phức tạp, hàm lượng ô nhiễm hữu cơ, kim loại nặng rất cao và chứa nhiều vi trùng, vi khuẩn gây bệnh, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm nước mặt và nước ngầm nghiêm trọng. Quá trình phân hủy kỵ khí nước rỉ rác tạo ra khí sinh học (biogas) là nguồn gây ô nhiễm mùi hôi. Người tiếp xúc với mùi này lâu ngày có thể bị rối loạn khứu giác, tổn thương phổi, nhức đầu kinh niên và rối loạn cảm xúc.
Trong khi đó, khí bãi rác (landfill gas) hình thành từ khu vực chôn lấp rác, gồm khu đang tiếp nhận rác và các khu đã phủ kín. Ngoài thành phần tương tự khí sinh học, khí bãi rác chứa rất nhiều các chất hữu cơ phi metan gồm gần 30 các khí thuộc loại ô nhiễm nguy hại, có thể làm tổn thương hệ thần kinh trung ương, gan, thận, phổi, não và gây ung thư. Khí bãi rác sinh ra thường đạt đỉnh điểm từ 5-7 năm sau khi chôn lấp, sau đó giảm dần nhưng có thể kéo dài đến trên 50 năm.
Một điều khiến tôi thắc mắc là vì sao cũng xử lý rác chưa được phân loại, nhưng những doanh nghiệp khác vẫn sản xuất được phân compost. Trong khi đó, VWS nhiều năm nay vẫn "giữ vững lập trường" chôn lấp rác. Và mặc dù chỉ chôn lấp, VWS vẫn được TP HCM giao thêm rác và được phê duyệt nâng công suất từ 3.000 tấn/ngày lên 10.000 tấn/ngày?
Bãi rác Đa Phước đã vận hành gần 12 năm, nghĩa là một số ô chôn lấp đã qua thời kỳ đỉnh cao sinh khí, nhưng VWS chưa từng gom khí để đốt phát điện. Quan sát thực tế có thể thấy đường ống thu gom khí bãi rác rất sơ sài như không hề tồn tại. Đây là lý do khí bãi rác phát tán tự do ra môi trường cùng với khí sinh học từ nước rỉ rác hòa quyện tạo ra bản "hợp ca mùi hôi" khắp khu Nam thành phố, khiến người dân chỉ biết thở than là "vô phước".
Để giải quyết dứt điểm bài toán ô nhiễm mùi hôi, theo tôi, TP HCM cần tiếp cận tổng thể về kỹ thuật, quản lý - quy hoạch, pháp lý, và tài chính cùng với một quyết tâm rất lớn.
Về mặt kỹ thuật, thu gom khí bãi rác và khí sinh học để đốt phát điện hoặc đốt bỏ là ưu tiên cao nhất để kiểm soát nguồn gây mùi. Điều này là trách nhiệm của chủ đầu tư, không liên quan gì đến "chất lượng" rác được giao. Việc đốt khí không chỉ làm ngay bây giờ mà còn phải duy trì vài chục năm sau khi bãi rác đóng cửa.
Về mặt quản lý - quy hoạch, nên chăng thành phố thuê một đơn vị tư vấn độc lập thực hiện đánh giá toàn diện về những thiệt hại sức khỏe, chất lượng môi trường và giá trị bất động sản do bãi rác Đa Phước gây ra. Đánh giá này sẽ trả lời câu hỏi những chi phí thiệt hại đó có xứng đáng để đánh đổi bằng việc duy trì sự vận hành của bãi rác Đa Phước cho đến ít nhất năm 2025 hay không.
Việc đóng cửa bãi rác, nếu phải làm, tất nhiên phải bao gồm thủ tục pháp lý liên quan đến hợp đồng giữa chủ đầu tư và thành phố. Song ngay cả khi không thể đóng cửa bãi rác, bài toán pháp lý cũng cần giải quyết. Đó là giải quyết những khúc mắc đang tồn tại trong hợp đồng mà lâu nay đã tốn khá nhiều giấy mực của các đoàn thanh tra, kiểm tra và báo chí. Một cuộc kiểm toán chi phí đầu tư và vận hành thực tế tại VWS là cơ sở để hai bên làm việc với nhau.
Hợp đồng xử lý rác mới, nếu có, nên ấn định số lượng rác tối đa giao cho VWS là bao nhiêu. Điều này rất quan trọng vì bãi rác Đa Phước được phê duyệt công suất tối đa 10.000 tấn/ngày thì trong vài năm tới, sẽ không có nhà đầu tư khác mặn mà đáp ứng lời kêu gọi của thành phố, vì không đủ rác để xử lý.
Vẫn không muộn để thành phố hình thành hạ tầng phân loại rác đi kèm với các công nghệ tái chế. Hãy bắt đầu với phân loại và tái chế rác thải nhựa, bước đơn giản để thu hồi vật liệu có giá trị này. Tiếp đến là phân loại rác hữu cơ tại các chợ, nhà hàng, cơ sở thương mại, doanh nghiệp, khu công nghiệp và nhà dân để làm phân compost hoặc ủ kỵ khí phát điện. Bước thứ ba là phân loại những gì còn sót lại để tái chế, trước khi đem đốt phát điện hoặc chôn lấp.
Quản lý rác của một thành phố cần có tầm nhìn tối thiểu 50 năm, chứ không thể năm nay thế này, năm kia thế khác. Quản lý rác cũng cần đặt sức khỏe và quyền lợi của người dân trên hết, thay vì lo ngại những ràng buộc pháp lý với nhà đầu tư.
Theo Nguyễn Đăng Anh Thi
Tin mới
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.