Đồng Nai
Đề xuất đầu tư dự án nhà máy đốt rác phát điện 40 triệu USD tại Xuân Lộc
Chiều 29/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi đã làm việc với Công ty Asia New Generation về đề xuất đầu tư dự án xử lý rác thải phát điện tại huyện Xuân Lộc.
Tại buổi làm việc, ông Willy Andreas Kirsch, Chủ tịch HĐQT Công ty Asia New Generation cho biết, qua tìm hiểu các địa điểm doanh nghiệp đề xuất đầu tư dự án xử lý rác thải thành điện tại Khu liên hợp xử lý chất thải Cù Lao Xanh xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc.
Doanh nghiệp cho biết, khi đầu tư sẽ sử dụng công nghệ xử lý rác bằng công nghệ nhiệt phân của Đức. Với công nghệ này rác thải không cần phân loại, không đem đốt trực tiếp, mà xử lý bằng phương pháp khí hóa nên hạn chế phát sinh khí thải, có thể tạo ra từ 1,2-1,8 MWh điện/tấn rác.
Giai đoạn đầu doanh nghiệp dự tính sẽ đầu tư 40 triệu USD, để đầu tư nhà máy có năng lực xử lý 400 tấn rác/ngày. Giai đoạn tiếp theo có thể nâng lên 1.000 tấn/ngày.
Để thực hiện các bước tiếp theo, Công ty Asia New Generation kiến nghị tỉnh Đồng Nai hướng dẫn các thủ tục pháp lý và đề xuất bổ sung dự án vào Quy hoạch điện VIII.
Thay mặt UBND tỉnh Đồng Nai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi ủng hộ việc đầu tư dự án có công nghệ mới, góp phần bảo vệ môi trường.
Ông Phi đề nghị doanh nghiệp thực hiện các thủ tục chuyển nhượng dự án; điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh quy hoạch; đánh giá tác động môi trường, thẩm định công nghệ. Khi doanh nghiệp có đầy đủ hồ sơ, các Sở, ngành của tỉnh Đồng Nai sẽ hỗ trợ hướng dẫn các thủ tục đầu tư.
Hiện nay, các dự án xử lý rác thành điện tại Đồng Nai đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.
Ngoài dự án do Công ty Asia New Generation đề xuất tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai đã ký thỏa thuận với liên danh Công ty cổ phần Thương mại và đầu tư công nghệ Ecotech Việt Nam và Công ty cổ phần Le Delta để thực hiện lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án nhà máy đốt rác phát điện tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu.
Dự án này được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với tổng mức đầu tư 2.286 tỷ đồng từ nguồn vốn chủ sở hữu và vốn huy động, không dùng vốn ngân sách.
Khi hoàn thành giai đoạn 1, công suất xử lý 800 tấn rác/ngày, công suất phát điện 20MW. Đến giai đoạn 2 nâng công suất xử lý rác đạt 1.200 tấn/ngày, công suất phát điện đạt 30MW.