Đổi mới công nghệ, tăng cường thiết bị: Giải pháp xanh hóa các làng nghề truyền thống

24/08/2023 00:00 Nghiên cứu trong nước
Hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo đà tích cực cho việc mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm truyền thống của làng nghề địa phương. Tuy nhiên, trước yêu cầu về phát triển bền vững, giảm thiểu những tác động về môi trường và nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng cũng đặt ra những áp lực cho việc tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Sản xuất gắn với bảo vệ môi trường

Nếu như trước đây, người dân làng nghề truyền thống bún Phú Đô (phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm) phải sống chung với không khí đặc quánh vì ô nhiễm, đường sá làng nghề nhem nhuốc vì phơi than. Nhờ nỗ lực chuyển đổi, thông qua áp dụng các công nghệ, thiết bị tiên tiến có hiệu suất sử dụng năng lượng cao, thân thiện với môi trường, đã giúp các cơ sở sản xuất tại làng nghề bún Phú Đô không chỉ tăng năng suất, mà còn giải quyết được nạn ô nhiễm môi trường.

Làng nghề truyền thống bún Phú Đô trước đây các hộ thường đốt lò bằng than, sản lượng sản xuất ra chỉ đạt 1-2tạ/ngày, nhưng bây giờ sản lượng đã đạt 1,5-2 tấn/ngày, có cơ sở đạt 3 tấn/ngày nhờ thay thế bằng năng lượng điện.

Tương tự nhờ áp dụng sản xuất sạch hơn, một số doanh nghiệp mây tre đan ở làng nghề Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) đã thu được nhiều lợi ích từ kinh tế đến môi trường. Khi chưa áp dụng sản xuất sạch hơn, doanh nghiệp bị hao hụt tới 10% mây tươi ở khâu luộc, tẩm, thu mua. Hóa chất tổn thất nhiều do hệ thống luộc và tẩm mây làm bằng xi măng không có gia nhiệt. Khi thực hiện sản xuất sạch hơn, lượng nguyên liệu hao hụt giảm mạnh, doanh nghiệp không mất nhiều chi phí, đặc biệt, giảm phát thải ra môi trường.

Đặc biệt phải kể đến làng gốm Bát Tràng, trước đây, mỗi ngày, làng nghề tiêu thụ khoảng 800 tấn than và thải vào môi trường các loại khí độc hại: CO, SO2, H2S, bụi silic, chất thải rắn... Để giải quyết bài toán phát triển bền vững, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất làng nghề Bát Tràng đã tích cực tham gia chuyển đổi công nghệ nung gốm từ lò than, lò gas truyền thống sang lò gas hiện đại.

Đến nay, Bát Tràng đã có gần 1.000 hộ sử dụng lò nung gốm bằng khí gas hóa lỏng, góp phần làm giảm phần lớn lượng phế phẩm so với lò than và hạn chế ô nhiễm ra môi trường xung quanh. Đặc biệt, nhờ có hơn 90% các hộ sản xuất gốm sứ chuyển sang sử dụng công nghệ lò gas cải tiến đã giúp giảm tiêu hao năng lượng, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường của công nghệ sản xuất trước kia.

Việc đầu tư công nghệ hiện đại đã giúp hạ giá thành sản phẩm đối với các doanh nghiệp từ 15-30%. Việc ứng dụng các công nghệ kỹ thuật cao giúp độ chính xác sản xuất gần như đạt trên 85%; tỷ lệ sản phẩm lỗi, hỏng đã giảm đáng kể và kiểu dáng của sản phẩm cũng đa dạng hơn. Đây cũng là một lợi thế giúp sản phẩm của các làng nghề dần có sức cạnh tranh, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, từ đó tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm.

Đổi mới công nghệ, tăng cường thiết bị nhằm giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường là yếu tố tất yếu

Hiện nay, kinh tế làng nghề đã đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế cả nước là không nhỏ. Hiệu quả từ việc sử dụng nhiên liệu thay thế cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển bền vững làng nghề đã được minh chứng. Tuy nhiên, để áp dụng rộng rãi cũng còn nhiều rào cản đối với các cơ sở, như điều kiện mặt bằng sản xuất, trình độ kỹ thuật, nguồn vốn…

So với trước đây, nhiều thiết bị được sử dụng tại các làng nghề là máy móc, trang thiết bị còn đơn giản nay đã cơ bản đổi có sự thay đổi. Số máy móc hiện đại tại một số làng với những ngành nghề như dệt, may, gốm sứ đã có xư hướng tăng lên. Bên cạnh đó, hệ thống xử lý nước thải tại một số khu vực làng nghề đã được quan tâm, đầu tư xây dựng đúng mức.

Nhu cầu sử dụng các sản phẩm công nghệ, thiết bị phục vụ bảo vệ môi trường tại các làng nghề đã có xu hướng tăng lên, nhiều doanh nghiệp sản xuất đã tự giác, ý thức được việc phải bảo vệ môi trường để các sản phẩm của họ có thể tiến bước xa hơn, cạnh tranh hơn trên thị trường.

Việc đầu tư xây dựng các công nghệ, thiết bị, hệ thống thu gom nước thải, nước mưa bảo đảm nhu cầu tiêu thoát nước của làng nghề; Hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường đã cơ bản được các làng nghề thực hiện. Các điểm tập kết chất thải rắn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường; khu xử lý chất thải rắn bảo đảm quy định về quản lý chất thải rắn hoặc có phương án vận chuyển chất thải rắn đến khu xử lý chất thải rắn nằm ngoài địa bàn cũng như các lò đốt chất thải đã và đang đi vào chiều sâu, thực hiện có hiệu quả.

Song song với đó, các cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề đã và đang thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Nhiều cơ sở sản xuất đã triển khai các biện pháp, tăng cường trang thiết bị nhằm giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bụi, bức xạ nhiệt, khí thải, nước thải và xử lý ô nhiễm tại chỗ; thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý chất thải rắn theo quy định của pháp luật.

Các làng nghề đổi mới công nghệ để phát triển bền vững
Các làng nghề đổi mới công nghệ để phát triển bền vững

Cùng với việc Đổi mới công nghệ, tăng cường thiết bị nhằm giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình, dự án, trong đó, Sở Công Thương Hà Nội triển khai thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sử dụng năng lượng thay thế để giảm chi phí, cải thiện môi trường làng nghề. Nhờ chuyển đổi sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, đời sống của người dân nhiều làng nghề đã được nâng lên.

Có thể nói rằng, đầu tư đổi mới công nghệ, trang bị các thiết bị, sản phẩm bảo vệ môi trường là yếu tố then chốt để các làng nghề có thể vừa phát triển và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề truyền thống cũng là hướng đi bền vững nhằm nâng cao tính cạnh tranh cho các làng nghề truyền thống.

Lê Viết Tới
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động