Gia Lai: Tăng cường bảo vệ và phát huy tài nguyên nước
Quy hoạch tài nguyên nước phải bảo đảm bảo tính liên kết, thống nhất, hài hòa |
Hồ thủy lợi Ayun Hạ |
Để hạn chế tình trạng suy thoái, cạn kiệt tài nguyên nước dưới đất, tỉnh Gia Lai đã quy hoạch khai thác, phát huy tài nguyên nước đến năm 2025 theo hướng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững. UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hạn chế khai thác, sử dụng nước đối với những khu vực đã có hệ thống cấp nước tập trung hoặc nước mặt ổn định; đồng thời, có văn bản chỉ đạo kiểm tra, giám sát, hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, toàn tỉnh có 151 hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện các loại. Tỉnh đã tăng cường các biện pháp tích nước, điều hòa, sử dụng tổng hợp, tiết kiệm tài nguyên nước và phát triển các mô hình sử dụng nước có hiệu quả. Bên cạnh việc thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước của 22 hồ chứa thủy điện, các hoạt động khai thác, sử dụng nước của các hồ thủy điện nói riêng và các công trình sử dụng nước nói chung luôn được giám sát chặt chẽ lưu lượng khai thác, sử dụng, đảm bảo tích trữ nước, điều hòa, điều tiết, xả lũ tại các hồ đập thủy lợi, thủy điện một cách phù hợp.
Tỉnh Gia Lai đã đầu tư xây dựng hệ thống công trình cấp nước sinh hoạt và quy hoạch phát triển các công trình thủy lợi với đa mục tiêu như Công trình thủy lợi Plei Keo đảm bảo nguồn nước tưới cho hơn 500 ha cây trồng, đồng thời cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho hàng ngàn người dân, sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói nghèo ở xã Ayun thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Chư Sê.
Việc quan trắc, giám sát tài nguyên nước cũng được quan tâm triển khai thực hiện thường xuyên, định kỳ theo kế hoạch hằng năm. Tỉnh có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị giám sát lưu lượng, chất lượng nước thải của đơn vị trước khi thải ra nguồn tiếp nhận và thường xuyên báo cáo cơ quan chức năng để quản lý.
Bên cạnh đó, Gia Lai cũng rất quyết liệt trong việc quản lý, bảo vệ rừng, môi trường sinh thái; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của toàn dân trong công tác bảo vệ tài nguyên nước; đánh giá khoanh định vùng cấm và vùng hạn chế khai thác sử dụng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2040.
Sở Tài nguyên & Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước, phân công trách nhiệm đối với từng địa phương về công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước. Trước tình hình thời tiết trong năm 2020 diễn biến phức tạp, Sở Tài nguyên & Môi trường cũng đã đề xuất các địa phương thống kê lại các vùng có nguy cơ thiếu nước cao để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các biện pháp khắc phục.
Cùng với thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống ô nhiễm nguồn nước mặt và nguồn nước dưới đất; ngăn chặn và xử lý tình trạng khai thác tài nguyên nước quá mức làm suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, Gia Lai cũng đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất các loại cây ít sử dụng nước; đã có 25.634 ha cây trồng được áp dụng công nghệ tưới nước tiên tiến, tiết kiệm, phát huy hiệu quả.