Giải bài toán xử lý, tiêu thụ tro xỉ tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân
Hướng dẫn quản lý tro, xỉ phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện |
Trung tâm nhiệt điện lớn nhất nước
Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân gồm 5 dự án nhiệt điện (Vĩnh Tân 1, 2, 3, 4 và 4 mở rộng) được đầu tư trên địa bàn xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Trong đó:
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 có công suất 1.240 MW (2×620 MW), tổng mức đầu tư 1.755 tỷ USD được khởi công xây dựng từ tháng 7/2015, kế hoạch vận hành thương mại vào tháng 7/2018;
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 có công suất 1.244 MW (2×622 MW), tổng mức đầu tư 23.477 tỷ đồng, thi công từ tháng 8/2010, vận hành từ đầu năm 2015;
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 - dự án nhà máy nhiệt điện lớn nhất - công suất lắp đặt 1.980 MW (3×660 MW), tổng vốn đầu tư khoảng 2,7 tỷ USD, đang thực hiện các thủ tục đầu tư;
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 có công suất 1.200 MW (2×600 MW), tổng vốn đầu tư trên 36.000 tỷ đồng, khởi công xây dựng vào tháng 3/2014, dự kiến vận hành thương mại vào tháng 7/2018;
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng có công suất 600 MW (1x600MW), vốn đầu tư hơn 1,1 tỷ USD (gần 24.000 tỷ đồng), khởi công vào tháng 4/2016, dự kiến phát phát điện vào tháng 12/2019.
Dự kiến, sau khi tất cả các nhà máy hoàn thành đi vào hoạt động, Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân sẽ trở thành trung tâm nhiện điện than lớn nhất cả nước, với tổng công suất 6.264 MW, gấp khoảng 2,6 lần công suất của Nhà máy Thủy điện Sơn La, đáp ứng điện năng trực tiếp cho khu vực Nam Trung bộ và các tỉnh thành phía Nam.
Tổng quan về công tác bảo vệ môi trường
Theo UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, đến nay chủ đầu tư các dự án nhiệt điện đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư cho các hộ dân có đất bị thu hồi tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân; hoàn thành việc đền bù, giải phóng mặt bằng và xây dựng kênh thoát lũ bãi thải xỉ.
Dù hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường hiện nay không quy định việc “đánh giá tác động môi trường tổng hợp” của Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, nhưng Bộ Công Thương đã cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo và giao Công ty CP tư vấn điện 2 thực hiện nhiệm vụ này.
Công ty CP Tư vấn điện 2 đã thu thập dữ liệu khí tượng, thủy văn khu vực Trung tâm điện lực Vĩnh Tân từ 2000-2017, số liệu về hệ sinh thái khu vực, thông tin kinh tế xã hội về cộng đồng dân cư khu vực dự án trung tâm điện lực. Ngoài ra, Công ty đã hoàn thành đợt đo đạc, lấy mẫu phân tích và đánh giá hiện trạng môi trường giai đoạn mùa mưa: 8 mẫu khí, 17 mẫu nước và 6 mẫu đất và trầm tích; hoàn thành khảo sát, phỏng vấn dân cư trong phạm vi khoảng 5-7 km có khả năng bị ảnh hưởng bởi hoạt động của Trung tâm điện lực với 170 lượt người phỏng vấn và thu thập 101 phiếu phỏng vấn tại các khu vực xã Phước Thể, xã Vĩnh Hảo, xã Vĩnh Tân.
Để giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân và Bến cảng tổng hợp Vĩnh Tân, UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo Tổ công tác 1072 tăng cường theo dõi việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường đối với các dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. Trong năm 2018, Tổ công tác 1072 đã tổ chức 28 đợt giám sát việc thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường các dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, giám sát việc nạo vét và đổ vật liệu nạo vét của cảng chuyên dùng phục vụ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1.
Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Cục Bảo vệ Môi trường miền Nam đã giám sát việc vận hành thử nghiệm của các nhà máy nhiệt điện tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân; đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và chuyên gia về môi trường kiểm tra toàn diện công tác bảo vệ môi trường các dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Bến cảng tổng hợp Vĩnh Tân.
Để đảm bảo hoạt động các nhà máy tại Trung tâm điện lực, Bộ Công Thương đã quy hoạch khu vực bãi thải xỉ để đổ tro xỉ sau khi đốt từ các nhà máy này với diện tích hơn 181 ha và cao trình tối đa là 27 mét (sau khi lu lèn, đầm nén). Trong đó, ba nhà máy là Vĩnh Tân 2, 4 và 4 mở rộng dùng chung bãi chứa tro, xỉ có diện tích hơn 38 ha; chứa khoảng 9,3 triệu m3. Bãi thải xỉ đã tiếp nhận xỉ tro từ hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và trong thời gian tới, khi các nhà máy còn lại đi vào hoạt động, lượng tro xỉ thải ra sẽ lớn hơn rất nhiều, khoảng 3.000 tấn/ngày/nhà máy. Hiện nay bãi đã chứa khoảng 4,5 triệu m3 và dự kiến sẽ đầy trong khoảng hơn 2 năm nữa.
Công ty TNHH Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đã hoàn thành việc xây dựng bãi chứa tro xỉ cho nhà máy có diện tích khoảng 59,5 ha với sức chứa của bãi thải xỉ theo thiết kế là 7,46 triệu tấn; nước tưới giữ ẩm bãi xỉ được cung cấp từ nguồn nước sau khử khoáng tại nhà máy ra bãi thải xỉ; hoàn thành tuyến ống cấp nước quanh bãi thải xỉ với 83 vị trí lấy nước; hoàn thành hệ thống thu gom nước bãi xỉ dẫn về hồ chứa nước dung tích 1.600 m3…
Tro xỉ phát sinh nhiều nhất từ Nhà máy nhiệt điện BOT Vĩnh Tân 1 và Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Nguyên nhân là do hai nhà máy này sử dụng than antraxit với lượng tro, xỉ chiếm tới 30-37% tổng lượng than. Tuy nhiên, vị trí bãi tro, xỉ nằm gần đường quốc lộ, chịu tác động bởi gió biển cường độ mạnh và sử dụng phương án thải tro, xỉ khô bằng phương tiện ô tô nên tiềm ẩn rủi ro phát tán bụi, tiếng ồn trong quá trình vận chuyển, lưu giữ tro, xỉ. Nhà máy nhiệt điện BOT Vĩnh Tân 1 đã được Thủ tướng cho phép giữ thời gian lưu tro xỉ dài hạn. Còn Vĩnh Tân 2 đang chịu áp lực lớn về xử lý tro, xỉ do không tiêu thụ được tro, xỉ, vì tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 có chất lượng rất thấp, tỷ lệ các bon chưa cháy hết còn lại trong tro cao (tới 15%) nên không sử dụng trực tiếp làm phụ gia bê tông.
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã ký hợp đồng tiêu thụ tro, xỉ với Công ty CP Đầu tư Mãi Xanh trong cả đời dự án để sản xuất gạch không nung. Tuy nhiên, Công ty Mãi Xanh mới lắp đặt được 3/28 dây chuyền sản xuất gạch không nung và tiêu thụ tro, xỉ khoảng 450 tấn/ngày. Trong khi đó, nhà máy Vĩnh Tân 2 phát sinh tro, xỉ khoảng 4.500 tấn/ngày. Vì vậy, khó có khả năng thực hiện được cam kết tiêu thụ hết tro, xỉ do khó khăn về tài chính, công nghệ và sản phẩm gạch không nung khó cạnh tranh về giá.
Từ đầu tháng 9/2018, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã ký hợp đồng và tiêu thụ được khoảng 100 nghìn tấn tro, xỉ với 7 công ty khác. Nhà máy này còn lập dự án đầu tư hệ thống đường ống xuất tro bay qua cảng và làm việc với nhiều đối tác để tiêu thụ tro, xỉ phát sinh. Mặt khác, khu vực miền Trung, thị trường tiêu thụ gạch không nung ít, không có thói quen dùng gạch không nung. Nhà máy nằm xa nơi tiêu thụ nên giá thành vận chuyển cao. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn về tro xỉ nhiệt điện đốt than làm vật liệu san lấp do Bộ Xây dựng soạn thảo vẫn chưa được ban hành, dẫn đến nhiều khó khăn trong tiêu thụ tro, xỉ.
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đang trong quá trình vận hành thử nghiệm tổ máy số 1 và tổ máy số 2. Nhà máy đã được Tổng cục Môi trường cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; trong đó, đã lắp đặt bổ sung thiết bị thu 6 gom bọt tại kênh xả nước làm mát, lắp đặt đường ống xả nước thải công nghiệp sau xử lý thoát ra biển, không xả vào kênh thoát nước làm mát; lắp 10 cửa tạm thời để che chắn bụi tại khu vực kho than. Lượng phát sinh tro xỉ không nhiều nhưng nhà máy cũng đã ký hợp đồng với các công ty để tiêu thụ khoảng 30.000 tấn tro, xỉ.
Bãi xỉ nhà Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân |
Lập kế hoạch sử dụng tro xỉ vào các mục đích phù hợp
Văn phòng Chính phủ mới thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về vấn đề xử lý tro, xỉ của các nhiệt điện thuộc Trung tâm điện lực Vĩnh Tân (Bình Thuận), với sự tham gia của đại diện 7 bộ, tỉnh Bình Thuận, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Văn phòng Chính phủ.
Xét báo cáo của Bộ Công Thương về công tác bảo vệ môi trường và tình hình xử lý, tiêu thụ tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các Bộ Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Bình Thuận khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về vấn đề xử lý tro, xỉ của các dự án nhà máy điện thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân tại Thông báo số 380/TB-VPCP ngày 28/9/2018 của Văn phòng Chính phủ.
Bộ Xây dựng khẩn trương thực hiện nhiệm vụ rà soát, đánh giá toàn diện quá trình thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung theo Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 28/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung và đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung có hiệu quả được giao tại Thông báo số 14/TB-VPCP ngày 9/1/2018 của Văn phòng Chính phủ.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các địa phương chủ động lập kế hoạch sử dụng tro, xỉ vào mục đích san lấp mặt bằng và sử dụng vào các mục đích phù hợp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường.
Đảm bảo không để xảy ra sự cố môi trường
Để đảm bảo tiến độ triển khai của các dự án trọng điểm, đảm bảo không để xảy ra các sự cố về môi trường, xử lý chất thải trong mùa cao điểm tại khu vực Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Cảng tổng hợp Vĩnh Tân và đảm bảo các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của nhân dân tại khu vực; UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các sở, ngành, UBND huyện Tuy Phong, các chủ đầu tư, các nhà thầu, đơn vị thi công tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 27/NQ-HĐND ngày 17/7/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh, các chỉ đạo của UBND tỉnh tại các Thông báo giao ban hàng tháng và các văn bản có liên quan đến công tác bảo vệ môi trường tại nhà máy, công trường thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Cảng tổng hợp Vĩnh Tân; chủ động các phương án xử lý khi xảy ra tình ngập lụt tại khu vực bãi thải xỉ; thực hiện đầy đủ các trình tự thủ tục về môi trường khi vận hành thử nghiệm và phát điện thương mại.
UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai tốt một số nhiệm vụ. Cụ thể:
Đối với các chủ đầu tư, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh, các đơn vị chức năng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương giải quyết các vấn đề liên quan đến tiêu thụ tro xỉ và xem xét đưa Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân vào giám sát đặc biệt về môi trường, công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; khẩn trương hoàn chỉnh, ban hành Quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ môi trường, an ninh trật tự và sử dụng hiệu quả các công trình dùng chung của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân; tiếp tục chỉ đạo chủ đầu tư các nhà máy tại Trung tâm khẩn trương rà soát để lập, phê duyệt đề án xử lý, tiêu thụ tro xỉ đến năm 2020 theo chỉ đạo của Bộ Công Thương (tại Công văn số 3001/BCT-ĐL ngày 18/4/2018), chịu trách nhiệm gia cố bãi xỉ để chống sạt lở, chống ngập úng và chống ô nhiễm các vùng lân cận; chỉ đạo đơn vị tư vấn sớm hoàn chỉnh báo cáo đánh giá môi trường tổng thể Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, thường xuyên thông tin tiến độ thực hiện cho Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, phối hợp; đồng thời, thường xuyên theo dõi, chỉ đạo các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan và UBND huyện Tuy Phong trong quá trình triển khai các công tác bảo vệ môi trường và xử lý các sự cố môi trường (nếu có) tại khu vực.
Tổng Công ty Phát điện 3, chỉ đạo các đơn vị quan trắc, công bố các số liệu, chỉ tiêu về môi trường, nước thải tại các nhà máy định kỳ; đảm bảo không để phát tán bụi tại các công trường, bãi xỉ, kho than Nnhà máy Vĩnh Tân 4 và 4 mở rộng; khắc phục và đảm bảo việc truyền dữ liệu khí khải tự động Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 về Sở Tài nguyên và Môi trường; tiếp tục phối hợp với UBND huyện Tuy Phong triển khai công tác bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng Dự án theo quy định.
Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1, khẩn trương lập và phê duyệt đề án xử lý, tiêu thụ tro xỉ theo hướng dẫn của Bộ Công Thương; kiểm soát chặt chẽ các nhà thầu trong việc xử lý các chất thải phát sinh trong quá trình xây dựng và hoạt động (kể cả vận hành thử nghiệm); khẩn trương thực hiện các yêu cầu của Cục Bảo vệ môi trường miền Nam (tại Công văn số 204/MTMN-GSMT ngày 17/8/2018 và Công văn số 3538/UBND-KT ngày 23/8/2018) và các văn bản có liên quan của UBND tỉnh đối với việc vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải tổ máy số 2 Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1.
Công ty Cổ phần Đầu tư Mãi Xanh, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, trong đó, đối với các vấn đề thuộc trách nhiệm của bộ, ngành Trung ương thì chủ động phối hợp với UBND tỉnh kiến nghị quan tâm xem xét, giải quyết. Lãnh đạo UBND tỉnh sẽ làm việc với Công ty để tháo gỡ khó khăn vướng mắc.
UBND huyện Tuy Phong Tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, đổ đất thải từ các công trình xây dựng cũng như các vấn đề phát sinh khác có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường,... để xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định pháp luật; triển khai các công tác có liên quan và phối hợp, hướng dẫn Tổng Công ty Phát điện 3 thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân tại khu vực sân xe chùa Linh Sơn, nhất là 13 hộ bị ảnh hưởng do đất bị ngập úng để triển khai dự án Nhà máy điện mặt trời.
Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng và hoạt động của các dự án, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định; phối hợp với Cục Bảo vệ môi trường miền Nam giám sát chặt chẽ việc vận hành thử nghiệm tổ máy số 2, việc cải tạo, chuyển đổi nhiên liệu đốt từ HFO sang DO của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện dự án của Công ty Cổ phần Đầu tư Mãi Xanh, để tham mưu UBND tỉnh giải quyết theo quy định của pháp luật.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình nuôi cá lồng bè tại vùng biển xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong.
Công an tỉnh tiếp tục triển khai các biện pháp nắm tình hình, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người, đảm bảo an ninh trật tự tại Trung tâm và khu vực lân cận. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và EVN lập hồ sơ báo cáo các bộ, ngành Trung ương xem xét đưa Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân vào công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
Đối với các kiến nghị liên quan đến Phương án sử dụng vật liệu nạo vét vũng quay tàu tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, UBND tỉnh thống nhất sử dụng vật liệu nạo vét vũng quay tàu theo phương án 5.1 (trước mắt đổ tạm khoảng 1,77 triệu khối nạo vét để tiếp tục san lấp Cảng tổng hợp Vĩnh Tân) và phương 5.2 (gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 đầu tư bãi chứa như phương án 5.1; giai đoạn 2 đầu tư mở 5 rộng để chứa hết khối lượng chất nạo vét duy tu trong 30 năm và làm kho than trung chuyển và cảng xuất nhập than) để thay thế phương án nhận chìm vật liệu nạo vét vũng quay tàu tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. Đây là hạng mục công trình rất quan trọng, đa mục tiêu, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công cảng nhập than của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, phòng chống sạt lở, tạo ổn định cho các khu dân cư ven biển tại khu vực, tạo bãi chứa 5,5 triệu khối vật liệu nạo vét vũng quay tàu (gồm 1,77 triệu khối trong quá trình thi công và 3,8 triệu khối nạo vét trong quá trình duy tu 30 năm của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân và cảng than trung chuyển). Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đề nghị EVN khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ có liên quan trình Bộ Công Thương để thẩm định trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định để sớm triển khai dự án này.
Tin mới
Sáng kiến làm mát xanh III: Thúc đẩy chuyển đổi chất làm lạnh theo hướng làm mát bền vững tại Việt Nam
Phú Thiện(Gia Lai): Người phụ nữ Jrai với ước mơ truyền nghề may thổ cẩm cho thế hệ trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường
Tin khác
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.