Giới trẻ tiếp cận dễ dàng thuốc lá nung nóng, điện tử: Nhiều hệ luỵ sức khoẻ chờ sẵn

03/10/2024 08:00 Tác động môi trường
Đã có ít nhất 32 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng chính sách cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử. Trước những hệ lụy về sức khỏe, các bộ, ngành tại Việt Nam đang bàn luận về việc cần cấm lưu hành thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để bảo vệ giới trẻ.
Giới trẻ tiếp cận dễ dàng thuốc lá nung nóng, điện tử: Nhiều hệ luỵ sức khoẻ chờ sẵn

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị An, Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam, kết quả Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên 13-15 tuổi năm 2021-2022 của Bộ Y tế cho thấy, có hơn 60% thanh thiếu niên được người khác cho thuốc lá điện tử; hơn 20% mua trên mạng internet và khoảng 2% mua từ chính bạn học.

Việc tiếp cận thuốc lá điện tử hiện nay quá dễ dàng, có hơn 18,4% thanh thiếu niên (16,3% nam, 20% nữ) đã nhìn thấy thông tin quảng cáo, tiếp thị thuốc lá điện tử. Các cách thức quảng cáo, tiếp thị sản phẩm này chủ yếu nhắm vào giới trẻ, sử dụng các kênh thông tin phổ biến của giới trẻ, sử dụng thanh thiếu niên để quảng cáo.

Tại Việt Nam, mặc dù chưa được phép lưu hành, nhưng tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên đã gia tăng. Các sản phẩm chủ yếu là hàng nhập lậu, xách tay, được quảng cáo khá phổ biến trên mạng xã hội như Facebook, Instagram, Tiktok… Người tiêu dùng có thể dễ dàng mua bất hợp pháp các sản phẩm thuốc lá mới trên internet.

Do đó, nếu cho phép kinh doanh thuốc lá thế hệ mới hợp pháp thì tỷ lệ sử dụng sẽ tăng mạnh do dễ tiếp cận hơn, đặc biệt là tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng sẽ tăng nhanh.

Ở các nước đã cho phép sử dụng thuốc lá điện tử, hệ quả đầu tiên là mức độ sử dụng và tình trạng nghiện nicotine tăng cao trong thanh thiếu niên.

Ở Hoa Kỳ, tỷ lệ học sinh trung học hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử đã tăng từ 11,7% năm 2017 lên 27,5% vào năm 2019. Tại Canada, thuốc lá điện tử trước đây đã bị cấm nhưng kể từ khi luật thay đổi cho phép bán vào năm 2018, cho phép tiếp thị hạn chế thì cho thấy, trong 2 năm 2018-2019, việc sử dụng loại thuốc lá thế hệ mới này ở thanh thiếu niên đã tăng gấp đôi.

Các nước quy định thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng như sản phẩm thuốc lá thông thường cho thấy tỷ lệ sử dụng gia tăng rất cao. Thí dụ như Romania tăng từ 6,7% năm 2013 lên 8,2% năm 2017 (GYTS, 2017); Georgia tăng từ 5,7% năm 2014 lên 13,2% in 2017 (GYTS, 2017); Italy tăng từ 8,4% năm 2014 lên 17,5% năm 2018 (GYTS, 2018).

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có chứa các chất độc hại, gây bệnh tật, tử vong, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả người hút và người chung quanh, gây ra các tác hại về xã hội, kinh tế, môi trường.

Bản chất sản phẩm này vẫn là loại thuốc có chất gây nghiện nicotine. Các tác động có hại đến sức khỏe con người và các hệ lụy xã hội do sử dụng các loại sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng (chủ động và phơi nhiễm với khói thuốc lá điện tử) gây ra không thấp hơn so với thuốc lá điếu thông thường.

Việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là một nguyên nhân quan trọng làm gia tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường, tăng nguy cơ sử dụng ma túy và các chất kích khác. Do đó, cần phòng ngừa việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng ở những người chưa hút, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên và các đối tượng yếu thế.

Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho hay, việc cho phép lưu hành thuốc lá điện tử làm gia tăng chi phí giải quyết hậu quả bệnh tật, tử vong do thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Về tác động kinh tế, sẽ ảnh hưởng đến thị phần của thuốc lá thông thường sản xuất trong nước do bị khống chế về tổng sản lượng chung tiêu thụ trong nước và cạnh tranh khách hàng trực tiếp. Từ đó ảnh hưởng đến lao động trong khâu sản xuất và nguyên liệu.

Đến nay, Việt Nam chưa có cơ sở kiểm nghiệm đủ năng lực kiểm tra, kiểm nghiệm các chỉ tiêu vệ sinh, an toàn đối với thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử.

Nếu cho phép sản phẩm mới này, Việt Nam sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn rất nhiều trong tương lai gần và các nỗ lực đạt được sẽ bị phá bỏ. Đồng thời, Nhà nước sẽ tốn kém nhân lực và tài chính hơn nữa trong việc giảm tỷ lệ hút thuốc lá, giải quyết những gánh nặng bệnh tật và tử vong do thuốc lá cũng như các hệ lụy về xã hội, môi trường, kinh tế, ảnh hưởng đến phát triển bền vững đất nước”, bà Trang bày tỏ.

Theo các chuyên gia, quy mô thị trường và tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở Việt Nam còn ít. Việc ngăn chặn sử dụng sản phẩm ngay từ đầu sẽ hiệu quả hơn là cho phép dẫn đến nguy cơ phát triển sản phẩm song song với thuốc lá điếu thông thường.

PV
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động