GS.TS.NGƯT Bùi Xuân Phong: Người thầy cùng những dấu ấn đặc biệt

17/09/2018 21:20 Tăng trưởng xanh
“Nghị lực và kiên trì sẽ chiến thắng tất cả!”, câu nói của vị danh nhân nổi tiếng Benjamin Franklin có lẽ chính là minh chứng sống động nhất cho cuộc đời, sự nghiệp của GS.TS. NGƯT Bùi Xuân Phong, ông sinh ra và lớn lên trong cảnh nghèo đói, lại là người dân tộc nhưng không vì thế mà ông mang theo những suy nghĩ lạc hậu đã ăn sâu vào tiềm thức của những người dân sống nơi miền núi. Bằng nghị lực và lòng kiên trì, ông từng bước khắc phục mọi khó khăn, vươn tới những đỉnh cao tri thức. Để rồi ngay hôm nay, ngành Vận tải đường sắt và Bưu chính viễn thông có một người thầy tận tụy, một nhà khoa học tài năng, một tấm gương mẫu mực về lòng yêu nghề, về tinh thần say mê lao động và niềm đam mê cống hiến hết mình cho ngành, cho đất nước.

GS.TS.NGƯT Bùi Xuân Phong: Người thầy cùng những dấu ấn đặc biệt


GS Bùi Xuân Phong

Hành trình vượt lên “số phận” và cơ duyên đến với nghề

GS Bùi Xuân Phong sinh năm 1950 tại xã Nhân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Tốt nghiệp cấp 3 với thành tích xuất sắc, ông được tỉnh cử đi thi để ra nước ngoài học tập. Đây không chỉ là niềm vui của riêng ông và gia đình mà còn là niềm vinh dự, tự hào của cả xã vùng quê miền núi Nhân Nghĩa. Thế nhưng, đồng nghĩa với một hành trình mới là rất nhiều thử thách mới. Do là người dân tộc, không được tiếp xúc với ngoại ngữ nên thời gian đầu, ông gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí đã có lúc ông cảm thấy nản chí và nghĩ đến việc bỏ cuộc. Những lúc ấy, ông lại nhớ đến lời dạy của bố và lại cố gắng, quyết tâm. Nhờ đó, ông vươn lên trở thành một trong ba người thi đỗ (trong số 17 người của tỉnh) và được cử sang học tập tại Liên Xô.
Tại xứ sở Bạch Dương xinh đẹp với nền khoa học kỹ thuật phát triển, ông bắt đầu khám phá và chinh phục một lĩnh vực hoàn toàn mới - ngành Kinh tế và Tổ chức vận tải đường sắt tại trường Đại học Giao thông Đường sắt Matxcova. 6 năm nơi “đất khách quê người” trong sự nỗ lực vượt qua mọi khó khăn chàng sinh viên
nghèo Bùi Xuân Phong đã chinh phục những đỉnh cao tri thức. Tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu, ông được nhà trường đề nghị chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh nhưng ông lại từ chối và quyết định trở về nước công tác. Bởi trong sâu thẳm tâm khảm người con vùng núi chất phát ấy chính là niềm khát khao được trở về để góp phần công sức bé nhỏ cho quê hương, đất nước.
Trong khả năng và vốn ngoại ngữ đã tích lũy được, ông bắt đầu công việc với vị trí phiên dịch tại công trình xây dựng cầu Thăng Long. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, ông được Tổng công trình sư Nguyễn Cảnh Chất giới thiệu về trường Đại học Giao thông vận tải làm công tác giảng dạy. Cái duyên để ông quyết định đến với nghề giáo và gắn bó với sự nghiệp “trồng người” cao quý mà cũng vô cùng gian nan đã bắt đầu như thế. Với tố chất sẵn có cùng tinh thần không ngừng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ông luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, được lãnh đạo nhà trường tin tưởng, đồng nghiệp tín nhiệm và học trò kính trọng, yêu mến. Dẫu vậy, ông vẫn cố gắng nắm bắt mọi cơ hội để có thể nâng cao trình độ chuyên môn cho bản thân. Năm 1983, ông “khăn gói” lên đường trở lại Liên Xô làm NCS. Sau 3 năm miệt mài nghiên cứu, ông bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ với đề tài “Tốc độ đưa hàng ngành vận tải đường sắt Việt Nam”. Với tấm bằng đỏ trên tay, ông trở về nước cùng niềm háo hức được đem những kiến thức mình đã tích lũy được truyền đến sinh viên.
Cho đến nay, sau hơn 40 năm, ông gắn bó với công việc của một “người lái đò đưa khách qua sông”. Mặc dù chỉ là cái duyên tình cờ nhưng với ý chí, sự quyết tâm đi đến cùng với “duyên nghiệp”, ông đã không ngừng khẳng định bản thân mình với những dấu ấn sâu đậm trong lòng đồng nghiệp, học trò về hình ảnh một người thầy tận tâm và nhiệt huyết. Thời gian trôi qua dẫu sẽ làm mọi thứ đổi thay, nhưng có lẽ lòng yêu nghề và niềm say mê cống hiến của thầy sẽ không bao giờ thay đổi.
Những dấu ấn trên chặng đường dài
Hơn 20 năm (1976 - 1997) công tác tại trường ĐH Giao thông Vận tải, ông đã cùng với các đồng nghiệp góp phần đào tạo cho đất nước rất nhiều những kỹ sư, những nhà khoa học, những thầy cô giáo,… Bằng năng lực và những phẩm chất của bản thân, ông đã truyền đến các thế hệ sau những kiến thức chuyên môn và niềm say mê học hỏi, lao động, cống hiến, trách nhiệm với đất nước. Nhờ năng lực và uy tín cùng những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp đào tạo của trường, ông đã được lãnh đạo nhà trường tin tưởng giao cho đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng như: Phó Trưởng khoa rồi Trưởng khoa, Trưởng bộ môn. Bên cạnh đó, ông còn tham gia Đảng ủy viên trường và từng là Phó chủ tịch công đoàn.
Từ năm 1998 đến nay, ông về giảng dạy tại học Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và đảm nhận chức vụ Phó trưởng khoa Quản trị kinh doanh rồi Trưởng khoa Khoa Tài chính - Kế toán. Phụ trách việc gảng dạy các môn học đặc thù ngành Bưu chính viễn thông và các môn học thuộc ngành kinh tế, GS Bùi Xuân Phong khiến đồng nghiệp phải ngưỡng mộ, thán phục bởi lượng kiến thức khổng lồ, đa dạng. Đặc biệt, khả năng phân tích, dự đoán kinh tế của ông không hề thua kém các chuyên gia cấp cao. Ông còn tích cực hướng dẫn cho các sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh. Dù ở lĩnh vực nào ông cũng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, là người thầy được nhiều thế hệ sinh viên, học viên quý mến. Rất nhiều học trò của ông nay đã trưởng thành, trở thành những kỹ sư, những nhà khoa học tài năng, lại có những người đang nối bước ông trong sự nghiệp “trồng người” cao quý… Đối với ông, đó chính là phần thưởng, là niềm hạnh phúc lớn nhất trong sự nghiệp của một người thầy giáo.
Tâm huyết trong sự nghiệp giảng dạy, GS Bùi Xuân Phong còn tích cực tham gian nghiên cứu khoa học. Theo hướng nghiên cứu Giao thông vận tải và Bưu điện, trong hơn 40 năm qua ông đã cho ra đời bốn đề tài cấp Bộ, một đề tài cấp Tập đoàn và tham gia thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học khác.
Ông còn là tác giả, đồng tác giả của gần 100 bài báo khoa học đã được công bố và đăng trên các Tạp chí như: Nâng cao năng lực cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ trên thị trường nội địa của Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam; Thực trạng kinh doanh bưu chính Việt nam và vấn đề tái cấu trúc; Đường sắt Việt Nam và vấn đề tái cấu trúc; Some management issues in minerals probe, excavation, processing and consumption companies in restructure process. Proceedings of the 1st International Scientific conference on Economic management in Mineral activities - EMMA 2013. 11/2013 tại Trường Đại học Mỏ địa chất; Management at Vietnam Posts and Telecomunications Group in the process of restructuring. Proceedings International Conference on Emerging Challenges Innovation Managemen for SMES (ICECH 2014), 9/2014 tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội..., đã mang lại hiệu quả cao trong sự phát triển của nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là ngành bưu chính viễn thông và vận tải. Bên cạnh đó, với mong muốn các sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh chuyên ngành có nguồn tài liệu học tập, nghiên cứu hữu ích, GS Bùi Xuân Phong còn tích cực tham gia viết sách. Tính đến nay, ông đã biên soạn 17 cuốn sách giáo trình, tài liệu tham khảo do Nhà xuất bản Giao thông Vận tải; Nhà xuất bản Bưu điện; Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xuất bản. Ngoài ra còn biên soạn nhiều bài giảng cho đào tạo hệ đại học và sau đại học Trường Đại học GTVT và Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông.

Thiên Kim
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động