Hà Nội: Nhu cầu dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt tăng cao

26/09/2023 00:00 Phát triển Công nghiệp môi trường
Dân số tăng nhanh cùng với sự chuyển dịch dân số từ các tỉnh, thành trên cả nước về Thủ đô học tập, làm việc, thăm quan, du lịch… phần nào làm tăng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ra môi trường. Nhu cầu dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt cũng do đó mà tăng theo. Đảm bảo chất lượng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt cũng đứng trước một yêu cầu mới.

Tại Việt Nam, ngành Công nghiệp môi trường có tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm ở mức trên 15% do nhu cầu xử lý ô nhiễm và các thiết bị môi trường luôn cao trong điều kiện kinh tế tăng trưởng liên tục. Đến nay, tổng số lao động làm việc trong lĩnh vực cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải là trên 107.616 người...

Trong giai đoạn vừa qua, dịch vụ môi trường mới chú trọng phát triển các hợp đồng dịch vụ xử lý chất thải - vấn đề nóng thu hút được sự quan tâm của người dân và xã hội tại các thành phố lớn. Thống kê cho thấy, hiện nay, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên toàn thành phố Hà Nội khoảng 7.000 tấn/ngày và dự báo tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt toàn Thành phố sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt trong ngày tại các quận nội thành đạt khoảng 98-99%, tại các huyện đạt khoảng 87%-88% so với lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh. Tỷ lệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp chôn lấp chiếm khoảng 89%, xử lý bằng phương pháp đốt chiếm khoảng 11% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom. Thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu thực hiện bằng các xe gom đẩy tay (công kềnh, lạc hậu) thường xuyên hình thành các điểm tập kết xe gần mặt đường, đầu ngõ gây mất vệ sinh môi trường, mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị, gây bức xúc cho người dân trong khu vực...

Nhu cầu xử lý rác thải sinh hoạt tại Thủ đô đang ngày càng có chiều hướng gia tăng
Nhu cầu xử lý rác thải sinh hoạt tại Thủ đô đang ngày càng có chiều hướng gia tăng

Có thể thấy rằng, nhu cầu dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại thủ đô đang tăng cao. Đứng trước nhu cầu dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt ngày càng gia tăng, các dịch vụ môi trường đi kèm cũng cần phải có những chuyển biến tích cực để đáp ứng nhu cầu xử lý hiện nay.

Để giải quyết bài toán đó, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 216/KH-UBND ngày 21/8/2023 về việc thực hiện Chương trình hành động số 25-CTr/TU ngày 16/3/2023 của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn thành phố Hà Nội trong đó phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn đạt 100%, tỷ lệ chất thải rắn nguy hại được xử lý đạt 100%. Để hoàn thành được mục tiêu đề ra, cũng như đáp ứng được nhu cầu xử lý chất thải rắn sinh hoạt thì việc nâng cao hiệu quả từ các dự án đầu tư bảo vệ môi trường là hết sức cần thiết.

Mặt khác, việc tiếp tục triển khai đưa vào hoạt động các nhà máy xử lý rác công nghệ cao theo đúng lộ trình cũng là yêu cầu bắt buộc nhằm giải bài toán các khu chôn lấp rác thải đang ngày càng khan hiếm.

Thành phố cũng yêu cầu các đơn vị dịch vụ môi trường áp tăng cường quản lý chất thải rắn, từ khâu thu gom, phân loại rác, vận chuyển cho đến khâu xử lý và tái chế. Bên cạnh những hành động nêu trên, chính quyền thành phố Hà Nội cũng đã thực hiện quản lý chặt chẽ tần suất làm việc của từng đơn vị có trách nhiệm trong lĩnh vực môi trường trên địa bàn thành phố và tuyên truyền, lên án, xử phạt những hành vi đổ trộm rác thải ra nơi công cộng. Đây là những giải pháp tổng thể, bài bản, giúp thành phố giải quyết vấn đề xử lý rác thải theo hướng tối ưu về môi trường, phù hợp với đô thị văn minh, hiện đại.

Lê Viết Tới
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động