Hải Phòng: Hướng dẫn thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa
Hiện nay chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 1700 tấn/ngày, trong đó tại khu vực đô thị khoảng 900 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 800 tấn/ngày. Tại khu vực đô thị, rác được thu gom và vận chuyển bởi 04 đơn vị đưa về xử lý tại các khu xử lý Tràng Cát và Đình Vũ. Tại khu vực nông thôn, rác được thu gom bởi các tổ thu gom hoặc các đơn vị thu gom; sau đó được các đơn vị vận chuyển đến địa điểm xử lý (03 khu xử lý thành phố, 02 khu xử lý cấp huyện, 04 lò đốt cỡ nhỏ và các bãi rác nhỏ không hợp vệ sinh trên địa bàn 04 huyện).
Dự báo đến năm 2025, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 2300 tấn/ngày; đến năm 2030, lượng chất thải này tăng lên khoảng 3.600 tấn/ngày. Nếu không có giải pháp tăng cường tái sử dụng, tái chế và các biện pháp thu gom, vận chuyển, xử lý phù hợp thì đây là áp lực rất lớn lên hệ thống hạ tầng bảo vệ môi trường của thành phố.
Đứng trước thực trạng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt ngày càng lớn, trong khi năng lực thug om, vận chuyển và xử lý chất thải rắn còn ở mức hạn chế việc tuyên truyền, hướng dẫn thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đến người dân là hết sức cần thiết. Để làm được điều đó, các Sở, ban, ngành, UBND các quận/huyện; chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp; các đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, dịch vụ vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố phải thực sự là các đơn vị hiểu sâu, nắm vững và có trách nhiệm trong quản lý và thực hiện.
Nâng cao năng lực chuyên môn, tăng cường đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tập huấn cũng là trách nhiệm của các Sở, ban, ngành, UBND các quận/huyện trong lộ trình thực hiện hiệu quả Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Minh Thành phát biểu khai mạc hội nghị |
Cũng tại Hội thảo, ngoài việc ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của các Sở, ban, ngành, UBND các quận/huyện; chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp; các đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, dịch vụ vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố trong suốt thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cũng đề nghị các đại biểu tiếp tục quan tâm, tìm hiểu và đổi mới các hình thức, đề xuất các giải pháp thúc đẩy công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa.
Đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ, hướng dẫn tại Hội nghị |
Cũng tại Hội nghị, Đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ, hướng dẫn tập trung vào 4 nội dung chính: Giới thiệu các quy định về phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quyền hạn, trách nhiệm của đơn vị liên quan trong việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt; một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hành động để giảm thiểu ô nhiễm nhựa.
Đối với các Sở, ban, ngành, UBND các quận/huyện; chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp; các đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, dịch vụ vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố đây cũng là dịp để trao đổi, chia sẻ những vướng mắc trong quản lý, thực hiện qua đó có thể tự xây dựng được định hướng, kế hoạch phát triển cho đơn vị trong thời gian tới. Sở Tài nguyên và Môi trường dự kiến trong năm 2023 và các năm tiếp theo sẽ tiếp tục triển khai thường xuyên hơn nữa các hoạt động phổ biến, hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020; các văn bản dưới luật đến không chỉ các đối tượng quản lý, thực hiện mà còn đến toàn thể nhân dân trên toàn thành phố, qua đó thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường tạo trụ cột vững chắc cho phát triển kinh tế của thành phố.