HDBank phát hành thành công 900 tỉ đồng trái phiếu
Kiểm soát chặt hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp Tháng 8/2019, huy động hơn 10,8 nghìn tỉ đồng Trái phiếu Chính phủ Cần kiểm soát rủi ro đầu tư trái phiếu doanh nghiệp |
Thông báo từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà TP HCM - HDBank (mã HDB) đã phát hành thành công 900 tỉ đồng trái phiếu đợt 3 lần 3 của năm 2019. Lượng trái phiếu này được phân phối cho 2 doanh nghiệp với giá trị mua lần lượt 400 tỉ đồng và 500 tỉ đồng.
Trái phiếu này có kỳ hạn 3 năm, lãi suất danh nghĩa là 6,3%/năm, tiền lãi được trả 12 tháng một lần.
Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không bảo đảm bằng tài sản của HDBank, không kèm chứng quyền và không phải là nợ thứ cấp của tổ chức phát hành.
HDBank cho biết, trái phiếu có thể sử dụng cầm cố làm tài sản bảo đảm cho bất kỳ khoản vay nào của chủ sở hữu hoặc bên thứ ba và được chiết khấu, tái chiết khấu, mua bán có kỳ hạn theo quy định hiện hành.
HD Bank phát hành thành công 900 tỉ đồng trái phiếu. Ảnh minh họa |
Theo kế hoạch, trong lần 3 này, HDBank dự kiến sẽ phát hành tối đa là 3.000 tỉ đồng trái phiếu để huy động vốn. Trước đó, trong hai đợt đầu của phát hành trái phiếu lần 3, HDBank đã bán ra thành công tổng cộng 1.600 tỉ đồng trái phiếu. Ở 2 lần phát hành trái phiếu, HDBank đã huy động thành công được 7.000 tỉ đồng.
Tính đến cuối tháng 6/2019, tổng tài sản của HDBank đạt 210.291 tỉ đồng; tổng huy động đạt 184.785 tỉ đồng; tổng dư nợ cấp tín dụng đạt 144.278 tỉ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ quý II/2018.
Tại ngày 30/6/2019, quy mô vốn chủ sở hữu HDBank đạt 18.604 tỉ đồng, tăng 22%; hệ số an toàn vốn (CAR) đạt 12,4%. 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 2.211 tỉ đồng. Các hệ số sinh lời trên tài sản (ROA) và sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt lần lượt 1,7% và 20%.
Mới đây, tại phiên họp Nghị quyết Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019, các cơ quan Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải giám sát, cảnh báo, ngăn ngừa các rủi ro về mua, bán trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát các biến động của thị trường trong nước và quốc tế, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; điều hành tỷ giá phù hợp. Tập trung vốn tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tạo điều kiện thuận lợi tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình, góp phần hạn chế tín dụng đen. |