Học Bác - xin lấy sự khiêm tốn, giản dị làm đầu

19/05/2023 07:32 Văn hóa
Đức tính giản dị, khiêm tốn của Bác Hồ không xa lạ đối với nhân dân. Nó làm nên cốt cách, tâm hồn của vị lãnh tụ, làm người dân trong nước và bạn bè năm châu kính trọng.

Đó còn là bài học đầu tiên trong rất nhiều nội dung của cuộc vận động lớn “Học tập và làm theo đạo đức tư tưởng Hồ Chí Minh” được Đảng phát động trong suốt gần hai thập niên qua.

Cả cuộc đời thanh bạch, giản dị

Sự giản dị, khiêm tốn của Bác đã được nhà thơ Tố Hữu khái quát trong mấy câu thơ: “Một đời thanh bạch, chẳng vàng son/ Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”.[1]

Hình ảnh này về Người in đậm trong tâm trí mỗi người dân Việt: bộ quần áo ka ki bạc màu, trên ngực áo không một tấm huân chương và đôi dép cao su mòn quai gót.

Là Chủ tịch nước nhưng Bác cũng ăn cơm độn ngô, khoai, sắn giống như cán bộ, nhân dân bởi đất nước lúc bấy giờ đang có chiến tranh, cuộc sống của người dân và chiến sĩ còn muôn vàn khó khăn, gian khổ. Khi đi công tác, Bác mang theo cơm nắm với muối vừng vì không muốn phiền hà cơ sở.

Ngôi nhà của Bác ở Hà Nội chỉ là một ngôi nhà sàn gỗ lợp ngói, trên gác có hai phòng, mỗi phòng hơn 10m2, vậy mà Người vẫn cho là lãng phí.

Học Bác - xin lấy sự khiêm tốn, giản dị làm đầu
Bác Hồ sử dụng thủ chiếc máy cấy tại ruộng thí nghiệm của Sở Nông Lâm, Hà Nội (07/1960). Ảnh tư liệu: TTXVN

Người không phải là nhà tu hành khổ hạnh. Tuy ở cương vị là Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng nhưng Người không cho phép mình được hưởng đặc quyền, đặc lợi, sống xa hoa, lãng phí. Bởi vì Người tâm niệm: “Người ta ai cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp, nhưng phải đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân còn khó khăn, một người nào đó muốn sống hưởng ăn ngon, mặc đẹp thì không có đạo đức”.[2] Bởi vì Người tự nhủ mình là công bộc dân, “một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”.[3]

Người dân Việt Nam từ già đến trẻ, từ miền xuôi đến miền ngược, từ thành thị đến nông thôn, ai cũng hiểu, cũng xúc động tận tâm can về hình ảnh lãnh tụ trọn cuộc đời hy sinh cho dân cho nước. Bài học mà Người để lại là chính cuộc đời mình, là những lời “non nước” thấm nhuần một cách tự nhiên vào lòng dân bởi Người là “Người nông dân Việt Nam trong sáng: Hồ Chí Minh,/ bảy mươi tám nǎm gần trọn cả đời mình tranh đấu,/ và người đã hy sinh từ bỏ mọi tên,/ để chỉ còn là một giọng nói, một hơi thở, một cái nhìn/ để chỉ còn là... có gì đâu khác.../ là đất nước, là máu xương Tổ quốc;”[4].

Bác bình dị, gần gũi làm sao!

Học Bác, người dân chẳng đòi hỏi gì nhiều ở cán bộ đảng viên, chỉ xin gói gọn trong hai chữ “giản dị” và “khiêm tốn”.

Đây là hai vấn đề thuộc phạm trù đạo đức của con người. Người bình thường thì chuyện giản dị, khiêm tốn là lẽ thường. Với cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức quyền, giản dị, khiêm tốn mới là điều đáng quan tâm nhất bởi nó là thước đo tư cách, đạo đức của họ mà người dân dễ dàng nhận biết, đánh giá qua hành vi ứng xử hằng ngày.

Người giản dị thì quyết không xa hoa lãng phí, xa rời nhân dân. Người khiêm tốn thì quyết không kiêu căng, hách dịch.

Cán bộ, đảng viên ta phần lớn đều xuất thân từ giai cấp công nhân và nông dân, tính giản dị, khiêm tốn đã là một phần không thể thiếu trong phẩm chất đạo đức của mỗi người. Nhìn vào các thế hệ lãnh đạo tiền bối của Đảng, chúng ta thấy rất rõ điều ấy. Họ là những tấm gương sáng ngời đạo đức cách mạng. Cuộc đời họ có sức hấp dẫn lớn đối với bao thế hệ suốt những năm tháng chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Đất nước từ sau ngày đổi mới đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Kinh tế phát triển, đời sống xã hội mọi mặt được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng cao. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh, "Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày hôm nay".

Học Bác lòng ta trong sáng hơn

Tuy nhiên, những biến động trong nhận thức, tư tưởng, tình cảm và đạo đức của con người cũng đã biến động theo. Lối sống giản dị, khiêm tốn dường như ngày càng trở nên xa lạ giữa cuộc sống xô bồ, bon chen, giành giật ở cái thời được gọi là 4.0 này.

Có lẽ vì thế mà không ít cán bộ bây giờ sau vài ba năm hay một nhiệm kỳ giữ chức bỗng trở nên giàu có, sính xây biệt phủ, dinh thự, sắm xe sang; không ít người đi đến đâu thì ồn ào đến đấy, tiền hô hậu ủng, băng rôn, biểu ngữ đỏ chót.

Thử hỏi, có được mấy vị cán bộ lãnh đạo hết giờ làm việc, một mình tản bộ trên phố, tạt vào quán vỉa hè nhâm nhi ly cà phê trò chuyện với người lao động hay ghé chợ dân sinh xem giá cả bó rau, cân thịt để cảm nhận được nhịp sống đời thường và muôn nỗi nhọc nhằn của dân chúng trong cuộc mưu sinh hằng ngày?!

Họ diện com lê, cà vạt, áo sơ mi trắng toát và giày da bóng loáng đi “thăm” bà con nông dân làm ruộng hay đi chống lũ cứu dân. Khi trồng cây thì họ trồng “cây đa, cây đề” hàng chục năm tuổi, lại mặc sơ mi cổ cồn, dày bóng lộn, găng tay.

Học Bác - xin lấy sự khiêm tốn, giản dị làm đầu
Bác Hồ trồng cây đa lưu niệm trên đồi cây của xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội), ngày 16/2/1969. Ảnh tư liệu: TTXVN

Khi nói về chuyện trồng cây dịp Tết 2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phê phán: "Hôm trước chúng tôi nêu cái ý định là năm nay làm một cái Tết trồng cây bảo vệ rừng vì cái nạn phá rừng nhiều quá. Làm sao cho nó thiết thực, cứ cầm cái xẻng nghêu ngao, cầm ra lút cán, trông là người ta biết ông này không phải là trồng cây. Gẩy gẩy mấy tí đất, chân thì đi giày, xong lại đưa cái khăn với chậu nước, nó phản cảm quá”. [4]

Ai chẳng muốn ăn ngon, mặc đẹp bởi đấy là ước mơ, là mục đích phấn đấu của con người. Bác Hồ cũng đã nói thế nhưng Người nhắc nhở ăn ngon, mặc đẹp “phải đúng thời, đúng hoàn cảnh”. Học Bác lối sống giản dị, khiêm tốn chính là ở cách ứng xử phù hợp với hoàn cảnh xung quanh mình. Dân còn vất vả, kham khổ thì cán bộ không thể sống đế vương trong dinh thự lộng lẫy của mình.

Trường học, bệnh viện còn thiếu thốn, trẻ vùng sâu, vùng cao còn đứt bữa, quần manh áo mỏng, chân trần đến lớp thì không thể phung phí tiền bạc để xây những công trình không thiết thực đối với quốc kế dân sinh.

Những cổng chào, những tượng đài ngốn hàng chục, hàng trăm tỉ mọc lên khắp nơi; hàng ngàn lễ hội núp bóng tâm linh lôi kéo con người vào vòng xoáy mê tín dị đoan; hàng trăm đại dự án tiêu tốn trăm ngàn tỉ nhưng lại đắp chiếu hoặc phơi nắng phơi mưa…

Học tập Bác Hồ - xin hãy lấy sự khiêm tốn, giản dị, thực chất và hiệu quả làm đầu. Đừng nói yêu nước thương dân khi chính mình vung tay quá trán tiền thuế của dân.

Lại nhắc thêm một lần nữa lời dạy của Người: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức”. [5]

Nguyễn Duy Xuân

Nguồn tham khảo:

[1] Tố Hữu, Bác ơi!

[2,3, 5] Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2002

[4] https://tapchicongsan.org.vn/sinh-hoat-tu-tuong/-/2018/50477/%E2%80%9Cvan-hoa-dien%E2%80%9D.aspx

[5] Hồ Chí Minh - tên Người là cả một niềm thơ. Fêlix Pita Rôđ'righet – Cuba

Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động