Làm gì để bảo vệ chính mình khi ô nhiễm không khí?

01/10/2019 10:43 Tăng trưởng xanh
Hà Nội đang trải qua đợt ô nhiễm không khí kéo dài, ngày 30/9, chỉ số chất lượng không khí (AQI) ghi nhận mức kém kỷ lục. Điều này làm dấy lên tâm lý hoang mang cho những "cư dân thành thị", phải làm gì để bảo vệ mình?
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội vượt ngưỡng báo động đỏ, cực kỳ nguy hại đến sức khỏe Lớp bụi mịn phủ kín Hà Nội khiến người dân nhầm tưởng sương mù Hà Nội ô nhiễm bụi ở ngưỡng rất cao là do hiện tượng nghịch nhiệt

AQI là viết tắt của Air Quality Index, có nghĩa là chỉ số chất lượng không khí. Đây là chỉ số được tính toán từ các thông số quan trắc các chất ô nhiễm trong không khí nhằm cho biết tình trạng chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Các chỉ số AQI được tính toán trên công thức để chuyển đổi số đo PM 2.5 (mật độ hạt bụi có đường kính nhỏ hơn 2,5micromet có trong không khí quanh máy quan trắc).

Theo bảng phân cấp chỉ số AQI ở Việt Nam, AQI từ 100-200 thuộc nhóm kém, những người mắc bệnh nhạy cảm như hô hấp, tim mạch nên hạn chế ra ngoài. Theo bảng phân cấp AQI của Mỹ, chỉ số AQI từ 150-200, mọi người có thể bắt gặp một số vấn đề về sức khỏe, người nhạy cảm có thể gặp tác động nghiêm trọng hơn.

Suốt từ ngày 13/9 tới nay, chỉ số chất lượng không khí AQI ở Hà Nội luôn ở ngưỡng kém từ 131 tới 174. Cá biệt, ngày 30/9, đã có thời điểm, Hà Nội ghi nhận chỉ số AQI ở mức 385.

lam gi de bao ve chinh minh khi o nhiem khong khi
Chất lượng không khí Hà Nội đang ở ngưỡng kém. Ảnh minh họa.

Theo đánh giá của PGS.TS.BS Vũ Văn Giáp - Tổng Thư ký Hội Hô hấp Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, hiện tượng mây mù và các chỉ số về ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong những ngày qua đã vượt mức cho phép theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Vì vậy, người dân cần hết sức lưu ý bởi ô nhiễm không khí sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân nói chung, đặc biệt đối với những người dễ bị cảm thụ, trong đó có người già, phụ nữ có thai, trẻ em và những người có bệnh lý về hô hấp, tim mạch...

PGS.TS.BS Vũ Văn Giáp lý giải thêm về ảnh hưởng của hạt bụi trong không khí, đặc biệt là các hạt bụi siêu mịn, kích thước dưới 2,5 micromet. Theo đó, trong quá trình hô hấp, con người không có cảm nhận rõ ràng về thành phần bụi siêu mịn này, nhưng khi hít vào phổi, chúng sẽ đi theo đường máu đến các cơ quan trong cơ thể và gây ra phản ứng viêm và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau.

Trong khi đó, hạt bụi và đặc biệt là bụi siêu mịn có vai trò quyết định mức độ ô nhiễm không khí. Theo các số liệu từ WHO, ô nhiễm không khí được coi là kẻ giết người thầm lặng. Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Tương tự như vậy, tỷ lệ đột qụy não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%. Riêng đối với bệnh lý hô hấp, các đối tượng bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn rất nhiều, ước tính khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí.

lam gi de bao ve chinh minh khi o nhiem khong khi
Ô nhiễm không khí được coi là kẻ giết người thầm lặng.

Liên quan đến việc chất lượng cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng bởi mức độ ô nhiễm không khí kỷ lục tại Hà Nội trong những ngày qua, ông Vũ Văn Giáp đặc biệt lưu ý nhóm những bệnh nhân có sẵn bệnh lý về hô hấp.

Ông Vũ Văn Giáp dẫn ra kết quả các nghiên cứu cho thấy ở những thời điểm thời tiết khắc nghiệt hoặc có ô nhiễm không khí cao thì tần suất bệnh nhân nhập viện do các căn nguyên về hô hấp và tim mạch tăng cao hơn. Ông cũng chỉ rõ các triệu chứng điển hình của nhóm người bệnh này khi ở trong tình trạng ô nhiễm không khí. Cụ thể, người bệnh sẽ thấy khó thở nhiều hơn, ho nhiều hơn, kèm theo tức nặng ngực và các dấu hiệu của đợt cấp sẽ xuất hiện.

Do đó, những người đã mắc bệnh về hô hấp không nên ra ngoài khi không có việc thật sự cần thiết trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng. Trường hợp cần đi ra ngoài nên đeo khẩu trang để tránh khói từ các phương tiện giao thông, bụi từ các công trình xây dựng hoặc các mùi hắc khó chịu, lưu ý phải chọn lựa khẩu trang có thể lọc được bụi mịn (khẩu trang y tế thông thường thì không thể cản được hạt bụi siêu mịn).

Bàn về các giải pháp lâu dài để đối phó với tình trạng chất lượng không khí ngày càng ô nhiễm, PGS.TS.BS Vũ Văn Giáp nhấn mạnh: "Điều quan trọng là phải làm thế nào để giữ cho môi trường trong sạch".

Theo quan điểm của PGS.TS.BS Giáp, mỗi người góp một việc nhỏ thì sẽ chung tay bảo vệ môi trường sống của chúng ta trong lành. Mỗi công dân hãy là một thành viên tích cực, có ý thức bảo vệ môi trường. Hãy trồng thêm cây xanh, không đốt vàng mã, sử dụng nguyên liệu sạch… Mỗi người có ý thức một chút sẽ góp phần bảo vệ môi trường trong lành cũng là bảo vệ lá phổi của chúng ta.

Duy Khang (T/H)
Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động