Lạng Sơn: Phát triển chăn nuôi tập trung gắn với bảo vệ môi trường

12/09/2023 08:25 Địa phương
Thời gian qua, để phát triển chăn nuôi bền vững, bên cạnh khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi tập trung, ngành chức năng của tỉnh Lạng Sơn cũng tích cực tuyên truyền người dân quan tâm xử lý chất thải trong chăn nuôi. Qua đó, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường, hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững.
Lạng Sơn: Phát triển chăn nuôi tập trung gắn với bảo vệ môi trường

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, toàn tỉnh hiện có trên 5,2 triệu con gia cầm, hơn 265 nghìn con gia súc. Chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu là chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ. Do đó, để kiểm soát tốt dịch bệnh và xử lý triệt để vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, ngành chức năng tỉnh khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi tập trung. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho quy hoạch hệ thống xử lý chất thải, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Xác định phát triển chăn nuôi bền vững phải đi đôi với công tác bảo vệ môi trường, hàng năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản về thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học gắn với bảo vệ môi trường trên địa bàn… Cùng với đó, tích cực tuyên truyền người dân đầu tư chăn nuôi tập trung, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, xử lý môi trường hiện đại; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở chăn nuôi trong thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…

Đến nay, các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đều đã áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn chăn nuôi, hạn chế tối đa phát thải ô nhiễm môi trường.

Toàn tỉnh hiện có 38 trang trại chăn nuôi (chủ yếu gà, lợn…) có quy mô từ 100 đến 50.000 con/năm. Các trang trại tập trung chủ yếu ở một số huyện như: Hữu Lũng, Văn Quan, Bắc Sơn… Dự kiến, giai đoạn năm 2023 – 2024, toàn tỉnh sẽ có thêm khoảng 10 trang trại, Hợp tác xã chăn nuôi đi vào hoạt động.

Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đối với chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, nguồn chất thải chủ yếu được người dân tận dụng làm phân bón; đối với chăn nuôi quy mô trang trại, các doanh nghiệp, Hợp tác xã đã quan tâm đầu tư hệ thống xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường. Hiện 100% các trang trại chăn nuôi tập trung trên địa bàn tỉnh đều thực hiện xử lý chất thải qua hệ thống biogas, không xả thải trực tiếp ra môi trường; các trang trại thuộc diện phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường (4 trang trại) đều nghiêm túc thực hiện theo quy định.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục ban hành các văn bản tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường đối với các mô hình, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn; tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất hoạt động của các cơ sở chăn nuôi; tuyên truyền, đôn đốc các chủ cơ sở, người chăn nuôi nhỏ lẻ thực hiện đúng các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm đối với các trang trại, gia trại không bảo đảm các biện pháp về bảo vệ môi trường…

Với sự chủ động của người dân, chủ các cơ sở chăn nuôi và sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, thời gian tới công tác đảm môi trường trong chăn nuôi sẽ tiếp tục được quan tâm, thực hiện có hiệu quả. Qua đó, góp phần đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường, tăng thu nhập cho người dân.

PV
Xin chờ trong giây lát...

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn

Phiên bản di động