Lấy ý kiến 05 dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường
Thông tin kịp thời về tình hình, mức độ ô nhiễm môi trường để nhân dân chủ động phòng tránh |
Đảm bảo nguồn nước mặt được quản lý phù hợp với mục tiêu sử dụng. |
Theo đó, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt quy định giá trị giới hạn các thông số chất lượng nước mặt, áp dụng đánh giá, phân loại chất lượng của nguồn nước mặt, làm căn cứ cho việc bảo vệ và sử dụng nước một cách phù hợp; Làm căn cứ để lập, phê duyệt kế hoạch quản lý chất lượng nước mặt theo quy định; để kiểm soát các nguồn thải vào nguồn tiếp nhận, đảm bảo nguồn nước mặt được quản lý phù hợp với mục tiêu sử dụng; Làm căn cứ để thực hiện các biện pháp cải thiện, phục hồi chất lượng nước.
Các mức phân loại đánh giá chất lượng nước, gồm:
- Mức A: hệ sinh thái trong môi trường nước khá tốt, trong nước có tồn tại một số chất gây ô nhiễm nhưng hàm lượng oxy hòa tan cao, các thông số độc hại đạt quy định. Nước có thể được sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt sau khi áp dụng xử lý phù hợp và mục đích bơi lội, vui chơi dưới nước.
- Mức B: Hệ sinh thái trong nước tiêu thụ nhiều oxy hòa tan do một lượng lớn chất ô nhiễm. Nước có thể sử dụng cho mục đích sản xuất công nghiệp sau khi áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp và mục đích sản xuất nông nghiệp.
- Mức C: Hệ sinh thái trong nước có lượng oxy hòa tan giảm mạnh do bị một lượng lớn chất ô nhiễm tiêu thụ. Nước không gây mùi khó chịu, có thể được sử dụng cho các mục đích sản xuất công nghiệp sau khi áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp.
Mức D: Nước có chất lượng rất thấp, cá và các sinh vật rất khó sống trong môi trường nước do nồng độ oxy hòa tan thấp, nồng độ chất ô nhiễm cao. Nước có thể được sử dụng cho các mục đích giao thông thuỷ và các mục đích khác với yêu cầu nước chất lượng thấp.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước dưới đất quy định giá trị giới hạn các thông số chất lượng nước dưới đất; áp dụng để đánh giá và giám sát chất lượng nguồn nước dưới đất, làm căn cứ để định hướng cho các mục đích sử dụng nước khác nhau.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển quy định giá trị giới hạn các thông số chất lượng nước biển và các vùng đầm phá ven biển. Quy chuẩn này áp dụng để đánh giá và kiểm soát chất lượng nước biển của các vùng biển và đầm phá ven biển, phục vụ mục đích bảo vệ môi trường biển, thể thao, giải trí dưới nước, nuôi trồng thủy sản và các mục đích khác. Trong đó, quy định giá trị giới hạn của các thông số chất lượng nước biển vùng biển ven bờ nhằm mục đích bảo vệ môi trường sống; Giá trị giới hạn của các thông số chất lượng nước biển vùng biển ven bờ nhằm mục đích bảo vệ sức khoẻ con người; Giá trị giới hạn của các thông số chất lượng nước biển vùng biển gần bờ; Giá trị giới hạn của các thông số chất lượng nước biển vùng biển xa bờ.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường không khí xung quanh qui định giá trị giới hạn các thông số cơ bản và các thông số độc hại trong không khí ngoài trời; áp dụng để giám sát, đánh giá chất lượng không khí xung quanh, không áp dụng đối với không khí trong phạm vi cơ sở sản xuất và không khí trong nhà. Trong đó, quy định giá trị giới hạn các thông số cơ bản trong không khí xung quanh; Nồng độ tối đa cho phép của một số chất độc hại trong không khí xung quanh.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng đất quy định giá trị giới hạn hàm lượng tổng số của một số thông số ô nhiễm trong đất được phân loại theo mục đích sử dụng theo quy định của Luật Đất đai; áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, mọi tổ chức, cá nhân liên quan đến việc sử dụng đất trên lãnh thổ Việt Nam. Quy chuẩn quy định giới hạn tối đa hàm lượng tổng số của một số chất ô nhiễm đất, được chia thành 03 nhóm: Nhóm kim loại nặng; Nhóm hoá chất độc hại; Nhóm hóa chất bảo vệ thực vật.