Nâng cao chất lượng không khí

03/11/2019 19:41 Tác động môi trường
Ở đô thị, ô nhiễm không khí chiếm phần rất nhiều là ở giao thông, bên cạnh đó là ô nhiễm sinh ra từ các cơ sở sản xuất xung quanh Hà Nội; các làng nghề; ô nhiễm từ xây dựng, đốt rơm rạ...
Ô nhiễm không khí cướp đi 7 triệu sinh mạng mỗi năm Giảm thiểu ô nhiễm không khí đô thị: Nhìn từ "Lời hứa Seoul" Tưới nước, rửa đường sẽ làm giảm ô nhiễm không khí

Trong vài năm trở lại đây, chất lượng không khí ở Hà Nội được các chuyên gia cảnh báo là ô nhiễm ở mức báo động. Theo TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) - ô nhiễm không khí không chỉ có ngoài trời, mà chính các hoạt động trong nhà cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm. Để giảm thiểu được sự nguy hại từ ô nhiễm, cần ý thức của mỗi người và chung tay của cả cộng đồng.

cung nang cao chat luong khong khi

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội đang ở mức báo động.

Nên kiểm tra xe máy hàng năm

TS. Hoàng Dương Tùng nói: Vấn đề chất lượng không khí ở Hà Nội cũng như các đô thị khác được chú ý rất nhiều, đặc biệt trong 2 năm gần đây. Tôi tham dự rất nhiều các hội thảo liên quan đến vấn đề này, và cũng mong qua các hội thảo thì những nguyên nhân và giải pháp sẽ được đưa ra cụ thể, đặc biệt là làm rõ việc chúng ta sẽ làm gì. Tuy nhiên chúng ta chưa làm được gì nhiều, nên cũng rất lo. Những ngày qua thỉnh thoảng chúng ta lại thấy có chỉ số quan trắc “đỏ lòm”, tức là rất độc hại. Nhưng gần đây đáng lo hơn là người dân dường như đã quen rồi nên thấy bình thường hơn, không sôi động hơn trước. Điều này khiến tôi trộm nghĩ, hay dạo này tình trạng không khí không được mọi người chú ý như chất thải nhựa… Như thế thì thực sự cũng cần suy nghĩ. Nguyên nhân chúng ta cũng nói nhiều.

Ở đô thị, ô nhiễm không khí chiếm phần rất nhiều là ở giao thông, bên cạnh đó là ô nhiễm sinh ra từ các cơ sở sản xuất xung quanh Hà Nội; các làng nghề; ô nhiễm từ xây dựng, đốt rơm rạ… Đối với Hà Nội, câu chuyện đốt rơm rạ chúng ta từng nói rất nhiều, nhưng cứ đến mùa đốt rơm rạ là lại đốt vô tội vạ, nhưng lần này nhờ có hệ thống quan trắc cảm biến, chúng ta đã xem được nó xảy ra ở đâu, nó như thế nào, tức là có bằng chứng. Thế mới biết được rằng, đốt như vậy thì khói bụi từ rơm rạ sẽ bay về thành phố, những lúc đó nồng độ PM 2.5 - cao vô cùng! Nghĩa là chúng ta có làm nhưng chưa ngăn chặn được. Chúng tôi cũng mong thành phố sẽ có định hướng, có giải pháp cụ thể để người dân thủ đô có thể thực hiện.

Về ô nhiễm không khí từ giao thông, Hà Nội cũng đã có nhiều cố gắng. Nhưng tôi có ý kiến thêm rằng, tại sao Hà Nội không yêu cầu các xe máy được kiểm tra định kỳ? Tôi nêu câu hỏi này rất nhiều lần rồi, và được trả lời là chưa làm được, nhưng tôi nghĩ bây giờ có thể làm được. Hà Nội có luật Thủ đô và theo luật cũng không cấm Hà Nội thực hiện những việc ấy. Kinh nghiệm của Đài Loan, hệ thống phát thải xe máy thấp hơn nhiều hệ thống phát thải Việt Nam là tại sao? Tại vì người ta có quy định hẳn hoi, 1 năm anh phải kiểm tra xe máy 1 lần, anh mà không qua được kiểm tra (qua như kiểm tra ô tô) thì không cho vận hành. Người ta yêu cầu như vậy và cũng yêu cầu là dân phải thực hiện. Tôi cũng biết có nhiều ý kiến nói rằng sẽ khó vì không thể nào bắt người dân mỗi năm lại bỏ thêm 100 nghìn để đi kiểm hạch xe máy được, nhưng tôi nghĩ đấy là những năm trước. Bây giờ chúng ta có thể nhìn thấy mức độ chi trả của người dân thành phố đã tốt hơn, liệu 1 năm có chi trả 100 nghìn đồng để kiểm tra xe máy được không? Đặc biệt, nếu kiểm tra như thế thì sẽ hạn chế được phát thải từ xe máy, và giảm được nồng độ ô nhiệm không khí tới 30 lần. Chúng ta hoàn toàn có thể làm, và muốn thực hiện được cần sự quyết tâm.

Về ô nhiễm không khí từ xe bus cũng còn nhiều điều đáng bàn. Hiện nay cũng đã mở rộng thay đổi nhiên liệu và thay mới một số xe cũ. Tôi nghĩ rằng hãy làm những cái thực tế, cụ thể như vậy để giảm thiểu ô nhiễm không khí. Làm được không? Tại sao không làm được? Hà Nội hoàn toàn có thể làm được. Mấy năm trước chúng ta còn nói đến Bắc Kinh ô nhiễm không khí. So sánh những ngày ô nhiễm nhất của chúng ta, tôi nghe rất nhiều người kêu chúng ta bằng Bắc Kinh rồi. Nhưng phải nói lại rằng bây giờ chất lượng không khí của Bắc Kinh tốt hơn nhiều rồi. Tại sao? Tại vì họ có những biện pháp rất cụ thể như đóng cửa nhà máy, xử lý ô nhiễm từ ô tô thế nào, xe máy thế nào đều được cụ thể hóa và thực hiện nhanh chóng… Chỉ sau 1,2 năm họ quan trắc lại và thấy rằng chất lượng không khí đã tốt hơn rất nhiều.

Chúng ta nói nhiều về hệ thống cây xanh, hệ thống công cộng… nhưng cũng chưa có nghiên cứu làm những việc ấy thì giảm được bao nhiêu mức độ ô nhiễm? Hay ảnh hưởng từ thời tiết thì sao? Tại sao tự nhiên đột phát có những ngày ô nhiễm thế… Chúng ta vẫn nói tới hiện tượng nghịch nhiệt nhưng không ai nghiên cứu, để trả lời tại sao hôm qua Hà Nội ô nhiễm “đỏ lòm”, hôm nay lại không? Hiện nay ý thức bảo vệ sức khỏe của người dân rất cao, khả năng chi trả của người Hà Nội cũng thay đổi. Họ có thể sẵn sàng chi trả mức nào đó để có được bầu không khí trong lành. Tôi nghĩ không có khó, giống như đối với rác thôi. Chúng ta phải nghiên cứu, chúng ta phải làm, và có những cái cụ thể hơn.

Bụi từ quét nhà, nấu ăn…

Cũng vấn đề ô nhiễm không khí, ông Tùng nói thêm đến sự nguy hại từ ô nhiễm không khí trong nhà: có rất nhiều bụi sinh ra từ những việc làm bình thường mà chúng ta không để ý đến như quét nhà, nấu ăn (ví dụ như thói quen rang lạc đảo qua đảo lại)… Từ trước đến nay chúng ta chưa có nhiều nghiên cứu về ô nhiễm không khí trong nhà. Kể cũng nên có những nghiên cứu về vấn đề này để có bức tranh thực trạng cảnh báo người dân. “Chúng ta cần đầu tư nghiên cứu để mọi người thấy rằng: Ô nhiễm không khí không chỉ bên ngoài mà cả trong nhà nữa. Làm thế nào để sức khỏe của mình được bảo vệ. Hiện nay cũng đã có một số cơ quan lo đến bảo vệ sức khỏe, Bộ Y tế, hay Tổng Liên đoàn Lao động... cũng đã làm, nhưng dường như hoạt động còn nhỏ lẻ. Cần có chương trình tổng thể, bài bản hơn để nói rõ nguồn gây ô nhiễm trong nhà ở Việt Nam nó là cái gì, là bao nhiêu để mọi người biết được, để phòng tránh giảm thiểu gây ô nhiễm”.

Chia sẻ về giải pháp thủ công để khuyến cáo người dân sử dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí trong nhà, ông Tùng cho hay: “Trong điều kiện người dân không mua được máy lọc không khí vẫn có thể áp dụng trong gia đình những việc làm cụ thể mà chúng ta vẫn thường xuyên thực hiện như lau nước, lau dọn sạch sẽ thường xuyên để hạt bụi ngấm vào nước, vào khan”.

Nói về việc có nên mở cửa thường xuyên cho gió vào nhà không, TS. Hoàng Dương Tùng chia sẻ: “Tôi nghĩ là không nên lúc nào cũng mở cửa, hoặc lúc nào cũng đóng cửa. Người ta đã chứng minh nếu chúng ta cứ đóng thì có rất nhiều các loại vi trùng hoạt động trong môi trường xung quanh, cho nên chúng ta vẫn phải mở thoáng. Nhưng mở thoáng thì người ta lại nói sẽ có nhiều hạt bụi vào? Thế thì chúng ta cũng phải xem xét. Không nên tuyệt đối hóa cứ đóng cửa suốt, hay mở cửa suốt. Chúng ta phải linh động. Có những lúc cực kỳ ô nhiễm ở ngoài thì chúng ta nên đóng cửa. Vậy nên mở cửa ở thời điểm nào? Muốn mở của thời điểm nào thì chúng ta nên xem chất lượng không khí ở thời điểm đó như thế nào. Hiện nay đã có một số nguồn để người dân có thể xem được chất lượng không khí hàng ngày từ bên Nhà nước hay Tổng cục Môi trường, hoặc một số mạng lưới cảm biến”…

Theo ĐĐK
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động