Nghệ thuật đương đại Việt Nam đón nhận mốc son mới
Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Flamingo: Khi nghệ thuật không cần làm kinh tế! Đằng cấp Flamingo: Bảo chứng từ những giải thưởng danh giá Flamingo Đại Lải đạt giải "Resort được yêu thích nhất" |
Ông Dương Quang Ứng – Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc trao quyết định thành lập bảo tàng cho ông Vũ Hồng Nguyên – Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Flamingo. |
Cú hích cần thiết của nghệ thuật đương đại
Cuối năm 2019, báo Thanh Niên đặt vấn đề “Gần 30 năm Việt Nam chưa có bảo tàng nghệ thuật đương đại”. Quả thật, trước FCAM, nghệ thuật đương đại mới chỉ được tôn vinh ở những trung tâm nghệ thuật hoặc triển lãm nghệ thuật nhỏ, lẻ. Phải đến FCAM, nghệ thuật đương đại mới tìm được thánh đường riêng để thỏa sức tỏa sáng, giao tiếp, kết nối với công chúng. Đây là một cột mốc có ý nghĩa rất lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển nghệ thuật tại Việt Nam.
Là một nhà báo theo dõi đời sống nghệ thuật lâu năm, phóng viên Trinh Nguyễn của báo Thanh Niên chia sẻ: “Chúng ta không thể để tình trạng cứ tranh Việt Nam bán giá cao thì thường là những tác phẩm từ thời mỹ thuật Đông Dương. Mỹ thuật đương đại cũng cần được thúc đẩy và tôi nghĩ sáng kiến kiểu như Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Flamingo là một trong những yếu tố để thị trường mỹ thuật trong nước có thể tốt lên”.
FCAM là lời giới thiệu trân trọng đầy tự hào nghệ thuật đương đại Việt Nam với bạn bè quốc tế |
Nhà nghiên cứu nghệ thuật độc lập Phạm Long tuyên bố FCAM “có ý nghĩa rất lớn với lịch sử nghệ thuật đương đại Việt Nam”. Ông khẳng định: “Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Flamingo là bảo tàng độc nhất vô nhị, chưa có cái thứ hai ở Việt Nam hiện nay. Sự tiên phong của Flamingo có sức truyền cảm hứng cho những doanh nghiệp khác nhìn thấy một đầu tàu, một kiểu mẫu để học tập, theo hướng đưa các tác phẩm đến với công chúng một cách gần gũi hơn, tự nhiên hơn, chứ không chỉ nằm trong những cuộc trưng bày nhỏ lẻ, không gian cách biệt”.
Sự ghi nhận đối với tâm huyết của chủ đầu tư Flamingo không chỉ nằm ở báo giới và nghệ sĩ mà còn ở chính các đơn vị chức năng quản lý. Ông Dương Quang Ứng – Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đã khẳng định tại Lễ công bố ra mắt Bảo tàng: “Không chỉ gia tăng trải nghiệm của du khách khi đến với resort, Bảo tàng cũng tạo đà để du lịch Vĩnh Phúc thêm cất cánh và đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Chúng tôi tự hào vì từ đây tỉnh Vĩnh Phúc có một bảo tàng nghệ thuật đương đại ngoài trời độc đáo và quy mô bậc nhất Đông Nam Á. Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao tầm nhìn dài hạn cũng như bản lĩnh quyết đoán của một doanh nghiệp có Tâm và có Tầm như Flamingo.”
Trả lời câu hỏi của các phóng viên về kế hoạch mở cửa các bảo tàng tiếp theo tại Vĩnh Phúc, ông Ứng chia sẻ điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau bởi không phải doanh nghiệp nào cũng “mạnh dạn như Flamingo”. Ông đánh giá Flamingo là “một trong những nhà đầu tư chiến lược của tỉnh Vĩnh Phúc” và trong nhiều năm qua đã đóng góp cho Vĩnh Phúc rất nhiều dự án.
Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Flamingo nằm nép mình dưới những tán thông xanh, là điểm đến văn hóa ấn tượng mang tính giáo dục cho thế hệ hôm nay và mai sau. |
Quả ngọt từ sự đầu tư nghiêm túc cho nghệ thuật
Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Flamingo được kết tinh từ dự án Art In The Forest (AIF) – một dự án phi lợi nhuận tổ chức thường niên từ năm 2015 với sự đầu tư chỉn chu từ nghệ sĩ, chất lượng sản phẩm đến không gian trưng bày. Trải qua hành trình 6 năm, AIF mang đến bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật ngày càng dày dặn về số lượng, đa dạng về thể loại và phong cách thể hiện. Du khách đến với Flamingo Đại Lải Resort đều ấn tượng với những tác phẩm nghệ thuật đậm chất đương đại trải dài khắp khu nghỉ dưỡng, ven các con đường thơ mộng và giữa rừng thông lộng gió.
Các chuyên gia đánh giá sự ra đời của FCAM có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với sự phát triển của nghệ thuật đương đại Việt Nam và góp phần thúc đẩy thị trường mỹ thuật trong nước. |
Phóng viên Trinh Nguyễn dành nhiều lời khen tặng cho cách tổ chức chuyên nghiệp của AIF: “Trước khi AIF ra đời thì chúng ta đã có quá nhiều trại sáng tác về điêu khắc rồi và khi các trại ấy đóng cửa thì vui ít, buồn nhiều bởi không có chỗ trưng bày các tác phẩm. Các nghệ sĩ cũng cảm thấy buồn bởi hậu sáng tác không có chỗ nương náu cho đứa con tinh thần của mình. Ở trại sáng tác AIF thì khác hẳn, mọi người đều cảm thấy rất hạnh phúc vì tác phẩm của mình được trưng bày ở vị trí xứng đáng. Bản thân tôi thấy rất mừng cho cả nghệ sĩ lẫn công chúng”.
Chị Trinh cũng đánh giá cao việc phòng tranh sử dụng dây thép nhỏ để tạo một khoảng cách nhất định giữa công chúng và tác phẩm. Đây là điều mà nhiều bảo tàng, phòng triển lãm tại Việt Nam hiện giờ chưa áp dụng. Chi tiết nhỏ này giúp tác phẩm có không gian riêng, như thể bước lên một sân khấu nữa ngoài không gian trưng bày. Chị Trinh cho rằng đây là một động thái thể hiện sự chuyên nghiệp đồng thời cũng giúp công chúng hiểu được cần phải dành sự tôn trọng cho tác phẩm nghệ thuật.
Chị Nguyễn Lan Phương, một họa sỹ đến từ TP.HCM đã 5 lần ghé thăm không gian nghệ thuật AIF và mỗi lần trở lại đều tìm thấy những niềm vui mới: “Tôi rất thích không gian xanh của triển lãm nơi mọi góc nhìn vẫn giữ được vẻ nguyên sơ. Những tác phẩm nghệ thuật ở đây đều là kết quả của sự làm việc nghiêm túc và mang tinh thần “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Mỗi lần đến đây cho tôi thêm nội lực và nhiệt huyết để khi trở về chỉ muốn gác lại hết công việc để tập trung sáng tác”.
Không gian nghệ thuật của FCAM rất gần gũi và thu hút công chúng, đặc biệt là đối tượng trẻ em, những chủ nhân tương lai của đất nước. |
Chị Phương cũng kể một kỷ niệm vui khi chị và một nhóm bạn ghé thăm Flamingo Đại Lải Resort thì tình cờ gặp một em bé có thể kể vanh vách tên từng tác giả, tác phẩm ở đây. Theo chị Phương, không gian nghệ thuật của Flamingo rất gần gũi và thu hút công chúng, đặc biệt là đối tượng trẻ em. Chị tin rằng 10 hay 20 năm nữa, chính các em bé này sẽ làm nên sự thay đổi của nghệ thuật Việt Nam.
Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Flamingo không chỉ là tin vui với riêng một doanh nghiệp hay một địa phương mà còn có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình phát triển nghệ thuật đương đại Việt Nam. Không chỉ là cầu nối giữa tác giả, tác phẩm và công chúng, FCAM còn là lời giới thiệu chính thức đầy tự hào và trân trọng nghệ thuật đương đại Việt Nam với bạn bè thế giới. Thành quả này đến từ tầm nhìn dài hạn, tâm huyết và sự cam kết của Flamingo với sứ mệnh phát triển nghệ thuật. Đó cũng chính là điều làm nên bản sắc Flamingo, giúp doanh nghiệp tạo dấu ấn riêng trên thị trường và chinh phục trái tim đông đảo khách hàng.
Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Flamingo mở cửa từ 26/12/2020 và tiếp tục duy trì đến mùa triển lãm thường niên năm 2021.