Nguyên nhân khiến chất lượng không khí Hà Nội vẫn ở mức kém

22/09/2019 07:57 Tác động môi trường
Theo các chuyên gia, điều kiện thời tiết bất lợi đang khiến chất lượng không khí tại Hà Nội duy trì ở mức kém trong tuần này. Tuy nhiên, bản chất của việc ô nhiễm là do bụi bẩn ở đường phố rất lớn. Khi xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, toàn bộ lượng bụi này lưu lại tầng thấp trong không khí, tạo thành những lớp "sương mù".
Độc đáo tấm bản đồ chỉ ra chính xác mức độ ô nhiễm không khí Hà Nội: Chất lượng không khí đang ở ngưỡng gây nguy hại đến sức khỏe con người Bệnh nhân nhập viện phổi tăng cao liên quan đến chất lượng không khí?

AQI vẫn chủ yếu ở mức kém

Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Hà Nội), chỉ số chất lượng không khí - AQI (CLKK) trong tuần này có xu hướng giảm xuống so với tuần trước đấy. Đa số các ngày trong tuần AQI ở mức kém. Số ngày có chỉ số chất lượng không khí trung bình tập trung vào các ngày cuối tuần. Kim Liên, Tân Mai và Tây Mỗ là các khu vực có CLKK tốt nhất trong tuần. Chỉ số AQI1 tại các trạm quan trắc dao động từ 61-157.

Nguyên nhân khiến chất lượng không khí Hà Nội vẫn ở mức kém

Tại các trạm cảm biến quan trắc không khí nền đô thị như Kim Liên, Tân Mai, Mỹ Đình và Tây Mỗ CLKK vẫn ở mức trung bình là chủ yếu (chiếm 71,4%), còn lại ở mức kém. Trung Yên 3 là trạm cố định nền đô thị duy nhất có CLKK đạt mức kém, chiếm 71,4%, còn lại ở mức trung bình.

Minh Khai và Phạm Văn Đồng là hai trạm quan trắc đặt tại khu vực có mật độ giao thông cao. CLKK trong tuần chủ yếu ở mức kém chiếm 85,7%, mức trung bình chỉ chiếm 14,3%. Chỉ số chất lượng không khí cao nhất tại 2 trạm Minh Khai và Phạm Văn Đồng đều là 157.

Đối với các trạm quan trắc giao thông nội đô (Hàng Đậu, Hoàn Kiếm và Thành Công) thì Hoàn Kiếm là khu vực có CLKK tốt nhất trong tuần qua với mức trung bình chiếm 57,2%. Hàng Đậu và Thành Công đều chỉ có 1 ngày CLKK ở mức trung bình chiếm 14,3%, còn lại ở mức kém.

Vừa qua, một số phương tiện truyền thông thông tin chất lượng không khí ở Hà Nội xấu, ô nhiễm nghiêm trọng (ngưỡng màu đỏ). Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, ngoài chỉ số từ các trạm quan trắc của TP, còn có chỉ số không khí tại một số phương tiện truyền thông sử dụng từ các trạm quan trắc cảm biến PAMAir (do tư nhân tự phát triển). Trong khi đó, UBND TP đang tính toán chỉ số chất lượng không khí theo phương pháp ban hành tại Quyết định số 878/QĐ-TCMT ngày 1-7-2011 của Tổng cục Môi trường. Do cách tính của mỗi cơ quan, tổ chức khác nhau nên có sự chênh lệch AQI giữa các trang công bố.

Qua số liệu thống kê, Chi cục Bảo vệ môi trường đánh giá, trong tuần vừa qua CLKK và điều kiện thời tiết trong tuần có sự chênh lệch giữa đầu tuần và cuối tuần, nhưng không đáng kể. Vào các ngày đầu tuần, sự chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn (từ 5-9 độ C) dẫn đến xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ, tạo ra lớp sương mù tầng thấp khiến không khí không thoát lên được và bị giữ lại tại tầng khí quyển sát mặt đất. Đến trưa và chiều, nhiệt độ tăng cao tản bớt sương thì nồng độ giảm bớt nhưng tĩnh gió khiến CLKK giảm không đáng kể.

Đến chiều tối 18/9 xuất hiện các cơn mưa rào, rào nhẹ trên toàn TP nên CLKK dần được cải thiện, cho đến ngày 19/9 CLKK tại các điểm quan trắc đều đạt mức trung bình. Tuy nhiên, những ngày sau đó trời không còn mưa nên CLKK có xu hướng giảm xuống.

Bên cạnh đó, đây là cũng thời điểm thu hoạch lúa nên các khu vực ngoại thành xuất hiện hiện tượng đốt rơm rạ, phát thải khí và bụi làm ảnh hưởng đến CLKK.

Vẫn bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết

Theo ông Mai Trọng Thái - Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, có 3 yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng không khí: Phát thải cục bộ (hoạt động giao thông, xây dựng…), các chất ô nhiễm được vận chuyển từ nơi khác đến và điều kiện khí tượng.

Thực tế theo dõi dữ liệu quan trắc không khí, điều kiện khí tượng và mật độ giao thông, vào những ngày xuất hiện mưa rào và dông liên tục, thì mặc dù vào thời gian cao điểm mật độ giao thông tăng cao nhưng chất lượng không khí vẫn duy trì ở mức ổn định, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Hoặc có những thời điểm, mật độ giao thông rất thấp, nhưng không có mưa, lặng gió nồng độ bụi lại tăng cao.

Nguyên nhân khiến chất lượng không khí Hà Nội vẫn ở mức kém
Hình ảnh tại quận Đống Đa lúc 8h sáng 16/9, 1 lớp ''sương mù'' bao trùm lên khu vực. Ảnh: Zing.vn.

Sự thay đổi nồng độ của các chất ô nhiễm không khí phụ thuộc vào nhiều yếu tố ảnh hưởng như nguồn phát thải; điều kiện khí tượng: Tốc độ gió, khả năng khuấy trộn của không khí theo chiều dọc (độ ổn định), bức xạ mặt trời, độ ẩm và các phản ứng quang hóa.

Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cũng cho biết thêm, hiện đang là thời điểm giao mùa nên so với các tháng khác trong mùa hè, CLKK Thủ đô cũng giảm xuống.

Lý giải thêm về nguyên nhân chất lượng không khí Hà Nội vẫn đang ở mức kém trong thời gian qua, ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, ở Việt Nam nói chung, TP. Hà Nội nói riêng các lớp nghịch nhiệt thông thường sẽ xuất hiện vào giai đoạn mùa thu khi bắt đầu có đợt không khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống.

Không khí lạnh chỉ là một lớp mỏng nên chỉ làm lạnh nhiệt độ ở tầng thấp; khi đó nhiệt độ tầng thấp bị lạnh sẽ thấp hơn nhiệt độ trên cao gây ra nghịch nhiệt. Có 2 giai đoạn thường xảy ra nghịch nhiệt là mùa thu và mùa xuân. Nếu theo phân bổ nhiệt thông thường sẽ làm cho các phần tử khí có thể dễ dàng đi lên trên, không khí dưới mặt đất dễ dàng đi lên cao mang theo các chất gây ô nhiễm.

Ngày 17/9 Cảng vụ Hàng không miền Bắc đã có văn bản đề nghị UBND huyện Sóc Sơn và 5 xã quanh sân bay Nội Bài, ngăn chặn người dân đốt rơm rạ gây nhiều khói làm ảnh hưởng đến tầm nhìn của phi công khi tiếp cận hạ cánh xuống sân bay. Theo báo cáo đã có 5 vụ đốt rơm rạ xảy ra.

Đồng quan điểm trên, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam - ông Hoàng Dương Tùng phân tích: Khi xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, ngày có nắng, đêm lại lặng gió khiến tỷ lệ bụi vốn đã cao do các phương tiện giao thông, công trình xây dựng thải ra không khuếch tán được ra khỏi khu vực trung tâm. Chính vì thế, người dân ra ngoài đường sẽ nhìn thấy lớp sương mờ nhưng thực chất là khói bụi bị giữ lại chưa phát tán được.

Ngoài ra ông Tùng đánh giá, vào thời điểm này hàng năm, các vùng ngoại thành của Hà Nội đang vào mùa gặt, đốt rơm rạ nhiều nên gây khói ảnh hưởng đến nội đô. Tuy nhiên, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nhấn mạnh, bản chất của việc ô nhiễm là do bụi bẩn ở đường phố rất lớn. Khi thời tiết thông thoáng thì bụi bẩn khuếch tán được trong không khí, nhưng khi xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, toàn bộ lượng bụi này lưu lại tầng thấp trong không khí.

Theo Trương Huyền/KTĐT
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động