Những kết quả bước đầu của sáng kiến kinh tế tuần hoàn ngành Công Thương

25/02/2021 09:04 Nghiên cứu, trao đổi
Mặc dù Việt Nam chưa có khung chương trình quốc gia về Kinh tế tuần hoàn (KTTH), nội dung về KTTH đã được thể hiện trong rất nhiều các chiến lược, chính sách phát triển đất nước trong giai đoạn vừa qua. Đối với ngành Công Thương, đến nay, các sáng kiến và mô hình về kinh tế tuần hoàn trong cũng đã tạo ra kết quả bước đầu đáng khích lệ.
nhung ket qua buoc dau cua sang kien kinh te tuan hoan nganh cong thuong

Tính ưu việt của kinh tế tuần hoàn

Kinh tế tuần hoàn (KTTH) được hiểu là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường.

Định nghĩa về kinh tế tuần hoàn được nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế thừa nhận rộng rãi hiện nay là “một hệ thống có tính khôi phục và tái tạo thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động. Nó thay thế khái niệm “kết thúc vòng đời” của vật liệu bằng khái niệm khôi phục, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và hướng tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và cả các mô hình kinh doanh trong phạm vi của hệ thống đó” (Ellen MacArthur Foundation, 2012).

Nếu như mô hình kinh tế tuyến tính chỉ quan tâm đến khai thác tài nguyên, sản xuất và vất bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến việc tạo ra một lượng phế thải khổng lồ thì kinh tế tuần hoàn chú trọng vấn đề quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín, nhằm tránh tạo ra phế thải. Việc tận dụng tài nguyên được thực hiện bằng nhiều hình thức như: sửa chữa, tái sử dụng, tái chế và thay vì sở hữu vật chất thì hướng đến chia sẻ hoặc cho thuê.

Nền kinh tế tuần hoàn vận hành như một chu trình khép kín, trong đó tận dụng tất cả những gì phát sinh trong quá trình sản xuất thông qua phân loại, tái sử dụng, tái chế... Đây là một mô hình ưu việt, loại bỏ việc tạo ra rác thải, do đó mục tiêu xa hơn là phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững.

Trên thế giới, các mô hình KTTH đã được nhiều công ty ứng dụng thông qua các hoạt động giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế. Hầu hết các quốc gia đều có các điển hình về phát triển KTTH, trong đó dẫn đầu là các doanh nghiệp tại Châu Âu, Nhật, Mỹ, Singapore... Các mô hình KTTH tại các quốc gia cho thấy: Doanh nghiệp là trung tâm của sự phát triển KTTH, ứng dụng KTTH có thể thực hiện trong mọi ngành nghề, tại mọi quy mô doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp ứng dụng KTTH trước hết nhằm mục đích tạo ra lợi nhuận lớn hơn, nhưng cùng với đó mang lại nhiều lợi ích khác cho cộng đồng.

Phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Còn tại Việt Nam, mặc dù Việt Nam chưa có khung chương trình quốc gia về Kinh tế tuần hoàn (KTTH), nội dung về KTTH đã được thể hiện trong rất nhiều các chiến lược, chính sách phát triển đất nước trong giai đoạn vừa qua. Đối với ngành Công Thương, đến nay, các sáng kiến và mô hình về kinh tế tuần hoàn trong cũng đã tạo ra kết quả bước đầu đáng khích lệ.

Trong những năm qua, mô hình sản xuất sạch hơn (SXSH) đã được đẩy mạnh triển khai áp dụng rộng rãi. Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến nay, gần 350 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã được hỗ trợ đánh giá nhanh, 90 doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng SXSH trở thành các mô hình điểm về áp dụng SXSH.

Thông qua các hoạt động này, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất đã nhận thức rõ hơn và chủ động áp dụng các giải pháp về SXSH nhằm giảm mức phát sinh chất thải, tiêu thụ nguyên vật liệu, năng lượng và nước, tiết kiệm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp. Qua đó, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất đã dần chủ động thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Qua 10 năm triển khai Chiến lược SXSH trong công nghiệp, đến nay đã có 68,5% doanh nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH, tăng 20,5% so năm 2010. 46,9% cơ sở sản xuất áp dụng SXSH, tăng 35,9% so năm 2010, 12% trong số đó đã đạt mức tiết kiệm 8% trở lên trong giảm năng lượng, nguyên nhiên liệu trên một đơn vị sản phẩm. Ngoài ra, đã có 21% doanh nghiệp vừa và lớn có bộ phận chuyên trách về hoạt động sản xuất sạch hơn.

Ngoài ra, các hoạt động của Chiến lược trong giai đoạn này còn có nhiều thuận lợi khi được lồng ghép thực hiện với các chương trình khác như Chương trình khuyến công quốc gia, chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững, chương trình tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả... Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Chiến lược SXSH cũng gặp không ít khó khăn, trong đó, khó khăn lớn nhất là nguồn kinh phí từ Trung ương cũng như địa phương còn rất hạn hẹp. Sau 10 năm, nguồn nhân lực nòng cốt về SXSH hiện không còn duy trì đầy đủ do biến động nhân sự phụ trách SXSH tại các địa phương.

Một số mô hình điển hình theo hướng kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được Bộ Công Thương triển khai tích cực trong thời gian vừa qua, điển hình là: Xây dựng và triển khai thực hiện mô hình sử dụng thí điểm các dạng năng lượng thay thế và mô hình hộ gia đình tiết kiệm năng lượng; Áp dụng mô hình quản lý năng lượng tại các cơ sở công nghiệp; Xây dựng, phổ biến và nhân rộng các mô hình trình diễn thành công về sử dụng năng lượng thay thế trong các cơ sở sản xuất kinh doanh tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước; Phát triển, triển khai nhân rộng các mô hình trình diễn hộ gia đình sử dụng các dạng năng lượng tái tạo (như mặt trời, khí sinh học…) tại chỗ quy mô công nghiệp.

Bên cạnh đó, phong trào Hộ gia đình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được triển khai quy mô lớn trên địa bàn các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Tháp, Bình Thuận, Cần Thơ, Tiền Giang, Bắc Ninh v.v.

Bộ Công Thương cũng tổ chức các cuộc vận động, thi đua gia đình tiết kiệm năng lượng với mục tiêu tạo phong trào phổ biến và thực hiện các giải pháp và sử dụng các thiết bị gia dụng hiệu suất cao trong mỗi hộ gia đình.

Hiện nay, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm mục tiêu huy động mọi nguồn lực xã hội thực hiện mọi giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả để đạt được mục tiêu đến năm 2025.

Cụ thể: đạt mức tiết kiệm năng lượng 5,0 đến 7,0 % tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2025; giảm mức tổn thất điện năng xuống thấp hơn 6,5%; giảm mức tiêu hao năng lượng bình quân cho các ngành/phân ngành công nghiệp so với giai đoạn 2015 – 2018. Chương trình cũng đặt ra mục tiêu xây dựng 1 trung tâm dữ liệu năng lượng Việt Nam và ít nhất 2 trung tâm đào tạo quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cùng với Thành lập quỹ Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua xã hội hóa, tài trợ và hợp tác của cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.

Để thực hiện mục tiêu đó, Bộ Công Thương đã và đang có những hành động và bước đi cụ thể đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

nhung ket qua buoc dau cua sang kien kinh te tuan hoan nganh cong thuong

Tuy nhiên, việc xây dựng và triển khai các mô hình thương mại tiêu dùng xanh; mô hình ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh theo hướng kinh tế tuần hoàn của ngành vẫn còn những hạn chế. Bên cạnh đó, vẫn còn khoảng trống trong việc triển khai các mô hình SXSH, TKNL. Hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong một số lĩnh vực ngành/ khu vực chưa có điều kiện cơ hội tiếp cận và triển khai các mô hình này.

Theo đó, để đẩy mạnh triển khai các mô hình, sáng kiến về KTTH ngành Công Thương, cần xây dựng và ban hành các văn bản Chính sách có tính toàn diện, thống nhất, có tính pháp lý cao; trong đó trước mắt ưu tiên xây dựng Chiến lược tổng thể về phát triển kinh tế tuần hoàn. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học về kinh tế tuần hoàn làm cơ sở đề xuất, xây dựng và hoàn thiện các chính sách KTTH, phù hợp với các Chương trình, chính sách hiện hành có liên quan như Chương trình quốc gia về sản xuất tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030; Nghị định về phát triển ngành Công nghiệp môi trường.

Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp về công nghệ nhằm thúc đẩy phát triển, áp dụng mô hình KTTH trong nền kinh tế, đặc biệt trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương;

Tập trung, ưu tiên nghiên cứu xây dựng áp dụng thí điểm và nhân rộng mô hình về KTTH, trước mắt ưu tiên thực hiện trong ngành nhựa, dệt may, giấy, chế biến thực phẩm và đồ uống.

Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, chủ động xây dựng các nội dung, sáng kiến hợp tác về kinh tế tuần hoàn với các tổ chức quốc tế có liên quan.

Tăng cường truyền thông, đào tạo nâng cao nhận thức về KTTH trong ngành Công Thương; nghiên cứu, xây dựng và lồng ghép nội dung đào tạo về Kinh tế tuần hoàn trong các Chương trình giảng dạy của các Trường đại học, Cao đẳng thuộc ngành Công Thương.

Bộ Công Thương
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động