Nỗ lực giảm thiểu phát thải khí nhà kính của Hà Nội
Dự thảo lộ trình và phương thức giảm nhẹ khí nhà kính |
Quy hoạch giao thông vận tải góp phần hạn chế phát thải KNK. |
Theo ông Lê Tuấn Định - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường cho biết, hiện nay, dân số của Thủ đô Hà Nội khoảng trên 7,7 triệu người, trong đó dân số đô thị chiếm trên 40%. Thành phố có khoảng 17 khu công nghiệp, trên 1.300 làng nghề, 5,3 triệu xe gắn máy và gần 600.000 ô tô. Ước tính, mỗi ngày Thành phố tiêu thụ khoảng 38 triệu kWh điện và hàng triệu lít xăng dầu…
Chính vì vậy, Thành phố đang phải đối mặt những thách thức lớn từ ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính. Tính toán mới nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy, tổng phát thải KNK của Hà Nội năm 2015 là khoảng 18.181.091 tấn CO2 tương đương, chiếm 7% tổng phát thải của quốc gia năm 2013. Trong đó, lĩnh vực năng lượng là lĩnh vực có tỷ lệ phát thải lớn nhất, khoảng hơn 12.167.000 tấn CO2 tương đương, chiếm 67%; tiếp đến là lĩnh vực nông nghiệp, chất thải; lĩnh vực các quá trình công nghiệp chiếm tỷ lệ nhỏ nhất, chỉ 1% trong tổng phát thải KNK.
Ðể giải quyết vấn đề nêu trên, từ năm 2016, thành phố Hà Nội đã tiến hành thống kê, đánh giá và đề xuất các giải pháp quản lý phát thải KNK, với các nhóm giải pháp trong hoạt động chôn, đốt rác thải, nước thải công nghiệp, sinh hoạt, hoạt động chăn nuôi, thành phố còn khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo; đồng thời triển khai các dự án hạn chế phát thải KNK trong các lĩnh vực: Quy hoạch đô thị, năng lượng, giao thông vận tải, công nghiệp, xây dựng, y tế, nông nghiệp, du lịch…
Từ tháng 10/2017, Hà Nội đã chính thức tham gia Dự án “Cam kết thành phố tham vọng” được tổ chức thực hiện bởi Chính quyền địa phương hành động vì mục tiêu phát triển bền vững (ICLEI), dưới sự tài trợ của Bộ Tài nguyên & Môi trường, xây dựng và an toàn hạt nhân Liên bang Đức và Tổ chức Sáng kiến vì Khí hậu toàn cầu (BMU) với mục tiêu cam kết tham gia cắt giảm khí thải nhà kính, hỗ trợ xây dựng các chương trình hành động cụ thể và tăng cường vai trò, sự tham gia của các cấp chính quyền trong ứng phó với BĐKH. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện kiểm kê KNK, tập trung vào 2 lĩnh vực: Chất thải và năng lượng. Đối với chất thải khí, ước tính đến năm 2020, phát thải trung bình của Thủ đô là 4,053 triệu tấn CO2.
Đáng chú ý, trong các năm 2017 và 2018, hàng hoạt các nhiệm vụ thuộc Chương trình hành động áp dụng sản xuất sạch hơn cũng đã được thành phố tập trung triển khai thực hiện. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, phổ biến thông tin về áp dụng sản xuất sạch hơn và hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn cho 50 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố. Các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn đã tiết kiệm 8-10% mức tiêu thụ nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, năng lượng trên đơn vị sản phẩm. Không chỉ có vậy, trong khuôn khổ chương trình hành động còn góp phần làm tăng thêm 20% các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố.
Ngoài triển khai các hoạt động tiết kiệm năng lượng nhằm giảm thiểu KNK, thời gian qua, các sở, ngành liên quan đã triển khai nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực, như: Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền về ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố; lồng ghép các hoạt động tuyên truyền về hành động thích ứng và giảm nhẹ gắn với các nội dung của kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và các hoạt động hưởng ứng chiến dịch Giờ trái đất. Sở NN&PTNT đã triển khai nhiều giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong trồng trọt, chăn nuôi. Đặc biệt, trên địa bàn thành phố triển khai một số hoạt động nhằm giảm ô nhiễm không khí, thực hiện mô hình cánh đồng không đốt rơm rạ và phấn đấu đến năm 2020, không còn tình trạng đốt rơm, rạ trên địa bàn thành phố; loại bỏ bếp than tổ ong nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường; thực hiện Chương trình 01 triệu cây xanh; tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm…
Một trong những giải pháp được đánh giá cao đó là thành phố đã chỉ đạo, tại các tòa nhà, các khu đô thị mới, ngay khi thiết kế quy hoạch kiến trúc phải thiết kế lắp đặt hệ thống đèn led tiết kiệm điện, thiết kế kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng bảo vệ môi trường. Công tác quan trắc, giám sát chất lượng môi trường và kiểm soát nguồn chất thải ô nhiễm môi trường cũng được quan tâm đầu tư đồng bộ, Thành phố đã đưa vào vận hành 10 trạm quan trắc không khí tự động; tổ chức quản lý, vận hành 06 trạm quan trắc nước mặt tự động và hiện đang triển khai, bảo đảm tiến độ đưa vào khai thác trong năm 2020 gồm: Mạng lưới 33 quan trắc môi trường không khí, 12 trạm quan trắc môi trường nước.…
Các hoạt động trên đã góp phần quan trọng vào tiến trình xây dựng và thực hiện thành công mục tiêu giảm nhẹ phát thải KNK của thành phố.
Tin mới
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.