Phối hợp đấu tranh chống nạn hàng nhái, hàng giả
Hợp tác xây dựng cơ sở dữ liệu hàng thật, hàng giả |
Việc chống lại nạn làm giả, làm nhái, sao chép thương hiệu là điều không hề dễ dàng và cần sự phối hợp từ nhiều phía. |
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Trần Hữu Linh cho biết, Kế hoạch hành động của Tổng cục QLTT đã xác định, năm 2020 là năm lực lượng QLTT sẽ tập trung vào công tác đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền SHTT và coi đây là mục tiêu quan trọng hàng đầu.
Cụ thể đến hết tháng 3/2020, 100% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm được tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật, ký cam kết không kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và không tái phạm; 100% số cơ quan, chính quyền, ban quản lý chợ, trung tâm thương mại, tuyến phố, phường, xã, thôn, xóm... tại các địa bàn nổi cộm được tuyên truyền, phổ biến pháp luật, ký cam kết, quy chế phối hợp không để hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bày bán công khai, vi phạm tái diễn.
Đến hết tháng 6 năm 2020, 50% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm không còn kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 70% số cơ sở kinh doanh đã bị xử phạt vi phạm hành chính không tái phạm.
Đến hết tháng 12 năm 2020, 90%-100% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm không còn kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 90% đến 100% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm đã bị xử phạt vi phạm hành chính không tái phạm.
Những nhóm mặt hàng nằm trong diện kiểm tra theo kế hoạch này gồm có thực phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang, trang sức, đồng hồ, mỹ phẩm, quần áo, giày dép, túi ví và các loại mặt hàng khác có xuất hiện tình trạng hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền SHTT.
Ông Trần Hữu Linh cũng nêu thực tế hiện nay, các đối tượng đã lợi dụng những kẽ hở chính sách pháp luật để tái phạm nhiều lần, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong thực thi nhiệm vụ, rất khó đấu tranh triệt để. Ví dụ cụ thể có rất nhiều trường hợp hàng hóa vi phạm có trị giá dưới 200 triệu đồng, chưa có quy định về xử lý hình sự nên không đủ sức răn đe, các đối tượng vi phạm hết lần này đến lần khác.
Một vấn đề nữa là việc thực hiện giám định phục vụ công tác xử lý vi phạm về sở hữu công nghiệp có lúc bị chậm trễ, nguyên nhân là vì Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ hiện đang là đơn vị duy nhất thực hiện việc giám định sở hữu công nghiệp, nhưng số giám định viên đang hành nghề cũng rất ít.
Chính vì vậy, Tổng Cục trưởng QLTT đề xuất nâng cao chế tài xử phạt, có thể xử lý hình sự các trường hợp tái phạm đối với hành vi giả mạo nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý; đồng thời xem xét thành lập thêm tổ chức giám định, phát triển đội ngũ giám định viên độc lập đáp ứng được các nhu cầu về giám định sở hữu công nghiệp.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định, Bộ KH&CN sẽ sát cánh với Bộ Công Thương nói chung, cũng như lực lượng QLTT nói riêng trong việc hỗ trợ tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực thực thi quyền SHTT cho lực lượng QLTT. Bên cạnh đó, Bộ sẽ chủ động phối hợp với Tổng Cục QLTT trao đổi thông tin chuyên môn nghiệp vụ để tổ chức triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, tránh chồng chéo hay bỏ sót quản lý, tiết kiệm kinh phí kiểm nghiệm, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vị phạm.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng khẳng định, sau cuộc họp này, Bộ Công Thương sẽ lên chương trình, kế hoạch hành động chi tiết nhằm cụ thể hoá các nhiệm vụ để mang lại hiệu quả cao nhất trong quá trình thực thi.
Hai Bộ thống nhất sẽ tiếp tục cùng nhau bàn bạc, xây dựng quy chế phối hợp để quản lý hiệu quả các vấn đề liên quan đến SHTT; thiết lập cơ chế trao đổi thông tin và cùng nhất trí việc chống hàng giả, hàng vi phạm SHTT là công việc lâu dài của cả hệ thống chính trị và ý thức của mỗi cá nhân trong xã hội.
Trong đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, từ đầu năm 2019 đến nay, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, kiểm tra 141.000 vụ việc; xử lý 82.300 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước 430 tỷ đồng; trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 150 tỷ đồng. |