Quy hoạch tổng thể về năng lượng: Thực trạng, phạm vi, phương pháp và giải pháp

17/10/2019 16:57 Tăng trưởng xanh
Việt Nam đang đứng trước những thách thức thực sự trong phát triển bền vững năng lượng, đảm bảo cung cấp đầy đủ năng lượng cho nền kinh tế, tăng cường an ninh năng lượng, đẩy mạnh hoạt động của các thị trường năng lượng, thúc đẩy hoạt động sử dụng hiệu quả năng lượng cũng như phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.
Phát triển năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường

Tổng quan

Ngành Công nghiệp Năng lượng trong vòng 10 năm qua đã có những thay đổi đáng kể. Những đánh giá về tài nguyên gần nhất chỉ ra rằng nguồn tài nguyên năng lượng toàn cầu đã tăng hơn trước đây do các công nghệ mới và hiệu quả hơn. Thông điệp từ những dự báo của các tổ chức nghiên cứu uy tín gần đây chỉ ra rằng các nguồn nhiên liệu hóa thạch: than, dầu, khí còn dồi dào và có thể khai thác trong nhiều thập kỷ tới.

Tuy nhiên, bức tranh năng lượng không chỉ có những mảng sáng, vẫn còn đó những hiểm nguy đe dọa đến cung cấp năng lượng toàn cầu. Những bất ổn chính trị vẫn xảy ra ở những khu vực cung cấp năng lượng chủ yếu trên thế giới. Trong khi đó, hàng tỉ người ở châu Á và châu Phi không thể tiếp cận những nguồn năng lượng thương mại sạch và hiện đại. Nhiên liệu hóa thạch cũng là nguồn phát thải khí nhà kính (KNK) chủ yếu và khí thải ở các thành phố lớn. Việc tìm kiếm sự thỏa hiệp giữa các quốc gia để đạt được những ràng buộc mang tính pháp lý cho các thỏa thuận về biến đổi khí hậu cũng lên đến đỉnh điểm trong những năm gần đây.

Nền kinh tế năng lượng Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng trong vài thập kỷ qua với việc chuyển mình từ một nền kinh tế nông nghiệp dựa trên các loại nhiên liệu sinh khối truyền thống sang một nền kinh tế hỗn hợp hiện đại. Việt Nam có nhiều loại nguồn năng lượng nội địa như dầu thô, than, khí tự nhiên và thủy điện, những nguồn năng lượng này đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế trong hai thập kỷ gần đây. Trước đây, xuất khẩu dầu thô và than là những nguồn đóng góp quan trọng cho ngân sách quốc gia. Nhưng trong những năm gần đây, nhập khẩu năng lượng lại đạt giá trị kim ngạch vượt trội.

Về mặt kinh tế xã hội, các chỉ số thống kê chính thức cho thấy, tăng trưởng GDP trong cả giai đoạn 2007-2017 là 6,0%/năm, trong khi đó dân số có mức tăng trưởng 1,26%/năm. Như vậy nếu tính theo giá so sánh USD của năm 2010, GDP trên đầu người của Việt Nam đã tăng từ 1.162 USD năm 2007 lên 1.837 USD vào năm 2017. Trong cùng giai đoạn, Tổng cung NLSC tăng 4,6%/năm, đạt 71.903 KTOE vào năm 2017. Như vậy hệ số đàn hồi chỉ ở mức 0,77. Điều này là do có sự sụt giảm đáng kể của năng lượng sinh khối phi thương mại trong tổng cung năng lượng sơ cấp (NLSC).

Dễ dàng nhận thấy xu hướng giảm dần của xuất khẩu năng lượng trong những năm vừa qua. Năng lượng xuất khẩu của năm 2017 chỉ còn gần 11 ngàn KTOE, nhỏ hơn 30% so với năm 2007. Trong khi đó lượng năng lượng nhập khẩu, sau một vài năm giảm sút ở biên độ nhỏ, do nhu cầu trong nước giảm, đã tăng mạnh trở lại kể từ năm 2014. Nhìn vào chênh lệch giữa xuất và nhập khẩu năng lượng trong chuỗi số liệu như trên, có thể kết luận rằng, kể từ năm 2015, Việt Nam đã trở thành một quốc gia nhập khẩu tịnh năng lượng.

Sản lượng dầu thô xuất khẩu đang giảm liên tục và đáng kể so với thời hoàng kim. So sánh một cách đơn giản, sản lượng xuất khẩu dầu thô của năm 2017 là 7,9 triệu tấn chỉ bằng 60% so với năm 2007 là 13,85 triệu tấn. Tuy vậy, xuất khẩu dầu thô vẫn đóng vai trò chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu năng lượng, với 73,2% vào năm 2017. Lưu ý rằng, cũng trong năm 2017, Việt Nam đã phải nhập hơn 330 ngàn tấn dầu thô từ nước ngoài.

Mặc dù là quốc gia có tiềm năng về than khá dồi dào, nhưng hiện tại đây lại là loại nhiên liệu đang tăng dần trong cơ cấu nhập khẩu năng lượng. Số liệu thống kê cho thấy lượng than nhập khẩu gia tăng theo từng năm. Năm 2007, Việt Nam chỉ nhập gần 800 ngàn tấn, nhưng đến năm 2017, đã lên tới 14,67 triệu tấn than, tương đương 34,2% tổng năng lượng nhập khẩu trong năm. Chính do xu thế xuất nhập khẩu than cộng với tỉ trọng nhập khẩu tịnh dầu, bao gồm cả dầu thô, đã khiến Việt Nam tiếp tục là quốc gia phụ thuộc nhập khẩu với mức độ nhập khẩu tịnh 15% trên tổng cung NLSC trong năm 2017. Mức nhập khẩu tịnh này chưa phải là cao nếu so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, tuy nhiên, đây là một diễn biến đáng chú ý trong một giai đoạn chuyển giao sau một thời gian dài xuất khẩu tịnh năng lượng.

Trong cùng kỳ, tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng (NLCC) tăng trưởng 3,2%/năm đạt mức 55,7 triệu TOE vào năm 2017. Mức tăng trưởng tương đối thấp như vậy là do tiêu thụ năng lượng phi thương mại, vốn chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu tiêu thụ, giảm mạnh. Nếu chỉ xét riêng năng lượng thương mại, mức tiêu thụ ở năm 2017 đạt 47,8 triệu TOE, tăng trưởng 6,4%/năm trong giai đoạn 2007-2017.

Bên cạnh đó cường độ năng lượng có xu hướng giảm, năm 2007 cường độ năng lượng, bao gồm cả năng lượng phi thương mại là 414 kgOE/1000 USD giảm xuống còn 318 kgOE/1000 USD vào năm 2017. Tuy nhiên chỉ số tiêu thụ năng lượng trên đầu người không ngừng gia tăng, cho dù năng lượng phi thương mại liên tục giảm. Năm 2007 chỉ số này là 481 kgOE/người, tăng lên thành 583 kgOE/người vào năm 2017. Điều này được giải thích là do mức tăng trưởng dân số thấp cộng với việc tiếp cận các nguồn cung năng lượng ngày càng dễ dàng. Về cơ cấu tiêu thụ, rõ nét nhất là tỉ lệ tiêu thụ điện trên tổng tiêu thụ năng lượng tăng liên tục thể hiện sự chuyển đổi từ các dạng nhiên liệu khác sang điện. Năm 2007, tỉ lệ này đạt 13,4% thì tới năm 2017 tăng lên 29,6%.

Với nhu cầu năng lượng tăng nhanh, phát thải KNK trong lĩnh vực năng lượng đã tăng từ 134,8 triệu tấn CO2e năm 2010 lên đến 171,6 triệu tấn CO2 tương đương năm 2014 với khoảng 33% đến từ sản xuất điện. Khu vực dân dụng và thương mại chiếm đến 7,8% tổng phát thải KNK quốc gia. Trong năm 2014, tổng lượng phát thải KNK tại Việt Nam là 283,7 triệu tấn CO2 tương đương. Phát thải KNK trong lĩnh vực năng lượng chiếm tỉ trọng lớn nhất là 60.5% của tổng lượng phát thải.

Bảng 1: Kết quả kiểm kê khí nhà kính các năm (triệu tấn CO2 tương đương)

Lĩnh vực

1994

2000

2010

2014

Năng lượng

25,6

52,8

134,8

171,6

Các quá trình công nghiệp

3,8

10,0

26,4

38,6

Nông nghiệp

52,5

65,1

88,3

89,5

LULUCF

19,4

15,1

-22,5

-37,5

Chất thải

2,6

7,9

15,3

21,5

Tổng

103,8

150,9

242,3

283,7

Năm 2015 Việt Nam đã ký cam kết quốc gia tự thực hiện hành động giảm nhẹ KNK tại Hội nghị COP21 tại Paris, theo đó việt Nam sẽ cắt giảm 8% phát thải KNK và nếu có hỗ trợ quốc tế sẽ cắt giảm tới 25% phát thải KNK vào năm 2030.

Như vậy, trong giai đoạn vừa qua, các phân ngành năng lượng đã có tốc độ phát triển cao để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, tuy nhiên, với những chuyển biến quan trọng về năng lượng trên quy mô toàn cầu, Việt Nam đang đứng trước những thách thức thực sự trong phát triển bền vững năng lượng, đảm bảo cung cấp đầy đủ năng lượng cho nền kinh tế, tăng cường an ninh năng lượng, đẩy mạnh hoạt động của các thị trường năng lượng, thúc đẩy hoạt động sử dụng hiệu quả năng lượng cũng như phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

Định hướng phát triển năng lượng

Trong giai đoạn này, định hướng phát triển tổng thể cho ngành năng lượng đã được xác định trong Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2007 của Bộ Chính trị và sau đó được thể chế hóa thông qua Quyết định số 1855/2007/QĐ-TTg ngày 27/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2007 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra 11 mục tiêu phát triển ngành năng lượng nhằm phát huy những thành quả đạt được, đáp ứng nhu cầu năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và nâng cao đời sống nhân dân. Bảng dưới đây sẽ tổng hợp lại việc thực hiện các mục tiêu trong Chiến lược năng lượng Quốc gia 2007.

Bảng 2: Tổng hợp đánh giá các mục tiêu cụ thể của Chiến lược năng lượng quốc gia 2007

TT

Chỉ tiêu

Mục tiêu

Thực tế

Đánh giá

1

Cung cấp NLSC NLSC

Phấn đấu bảo đảm cung cấp đủ NL cho nhu cầu phát triển KTXH; trong đó NLSC đến năm 2010 đạt khoảng 47,5 – 49,5 triệu TOE, đến năm 2020 là 100-110 triệu TOE, đến năm 2025 đạt khoảng 110 – 120 triệu TOE, và đến năm 2050 đạt khoảng 310 – 320 triệu TOE

Tổng cung NLSC năm 2010 là 57 triệu TOE; Năm 2017 ước tính 71,3 triệu TOE. Dự kiến nhu cầu NLSC của năm 2020 sẽ thấp hơn mục tiêu.

Hệ thống vẫn cung cấp đủ năng lượng cho phát triển KT-XH.

2

Đánh giá trữ lượng NLSC & hợp tác quốc tế về khai thác năng lượng

Nâng cao độ chính xác trong việc đánh giá trữ lượng các nguồn NLSC. Mở rộng hợp tác với các nước trong khu vực và thế giới trong việc tìm kiếm, thăm dò, khai thác than, dầu khí và các dạng năng lượng ở nước ngoài

Độ tin cậy tài nguyên, trữ lượng than được nâng từ mức 20% lên khoảng 66%; trong ranh giới các dự án đã lập mức độ tin cậy tài nguyên, trữ lượng đã nâng từ mức khoảng 50% lên 70 ÷ 100%.

Gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 523 triệu TOE, trong đó ở trong nước 353 triệu tấn, ở nước ngoài đạt 170,4 triệu tấn, trung bình đạt 52,3 triệu TOE/năm.

Cơ bản đạt mục tiêu đề ra.

3

Độ tin cậy cung cấp của nguồn điện

Phát triển nguồn, lưới điện, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội, đến năm 2010 độ tin cậy cung cấp của nguồn điện là 99,7%; lưới điện bảo đảm tiêu chuẩn n-1.

Độ tin cậy cung cấp của nguồn điện các năm gần đây nói chung đảm bảo, tuy nhiên phân bố không đều theo miền.

Hiện tại, tổng công suất nguồn có tỉ lệ dự phòng là 33,8%, đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu điện. Các Quy hoạch được duyệt, các dự án đầu tư cải tạo và nâng cấp lưới điện đều yêu cầu tuân thủ tiêu chuẩn n-1.

Cơ bản đạt mục tiêu đề ra.

4

Công suất lọc dầu

Năm 2020 khoảng 25-30 triệu tấn dầu thô

Hiện tại, tổng công suất các nhà máy lọc dầu ở là 16,5 triệu tấn, đáp ứng 75-80% nhu cầu về các sản phẩm dầu trong nước. Tới năm 2020 có thể tăng thêm 2 triệu tấn/năm.

Khả năng tới năm 2020, năng lực lọc dầu sẽ thấp hơn mục tiêu

5

Dự trữ chiến lược xăng dầu quốc gia

45 ngày tiêu thụ bình quân vào năm 2010, 60 ngày vào năm 2020 và 90 ngày vào năm 2025

Dự trữ 2015: 62,7 ngày nhu cầu, trong đó, dự trữ sản xuất 21,2 ngày; dự trữ thương mại: 32 ngày và dự trữ quốc gia: 9,5 ngày

Mức dự trữ chiến lược đạt yêu cầu vào năm 2020. Tuy nhiên, hệ thống dự trữ quốc gia chưa có kho dự trữ riêng

6

Tỉ lệ năng lượng mới và tái tạo trong tổng NLSC thương mại

Năm 2010: 3%;

Năm 2020 khoảng 5%;

Năm 2050 khoảng 11%.

Năm 2010: 5,5%;

Năm 2015: 8,2%

Năm 2017: 11,6%

Tỉ lệ NLTT (bao gồm cả thủy điện lớn) đáp ứng mục tiêu Chiến lược

7

Công tác điện khí hóa nông thôn

Đến năm 2010 đạt 95% số hộ dân nông thôn có điện, đến năm 2020 hầu hết số hộ nông thôn có điện.

Đến hết năm 2017 có 98,83% số hộ nông thôn có điện

Mục tiêu điện nông thôn đạt yêu cầu

8

Tiêu chuẩn môi trường & kiểm soát ô nhiễm

Xây dựng các mục tiêu, tiêu chuẩn dài hạn về môi trường theo hướng thống nhất với tiêu chuẩn môi trường khu vực và thế giới, phù hợp với điều kiện kinh tế đất nước. Kiểm soát và giảm nhẹ ô nhiễm môi trường trong các hoạt động năng lượng; đến năm 2015 tất cả các công trình năng lượng phải đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường

Đã ban hành các văn bản, quy định, tiêu chuẩn môi trường phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam hướng tới mục tiêu kiểm soát và giảm nhẹ ô nhiễm môi trường trong các hoạt động năng lượng.

Các công trình/nhà máy xây dựng mới đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường. Việc nâng cấp, cải tạo các công trình/nhà máy cũ còn chậm.

Về cơ bản đạt mục tiêu

9

Thị trường năng lượng

Chuyển mạnh các ngành điện, than, dầu khí sang hoạt động theo cơ chế thị trường cạnh tranh có sự điều tiết của Nhà nước. Hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh giai đoạn sau năm 2022; hình thành thị trường kinh doanh than, dầu khí trong giai đoạn từ nay đến năm 2015.

Đã có sự chuyển hướng theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.

Mục tiêu đã và đang được thực hiện

10

Phát triển điện hạt nhân

Tổ máy điện hạt nhân đầu tiên vận hành vào năm 2020

Quốc Hội đã thông qua Nghị quyết số 31/2016 dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án ĐHN

Mục tiêu không còn phù hợp ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên cần tiếp tục nghiên cứu định hướng phát triển trong tương lai

11

Liên kết hệ thống năng lượng

Liên kết lưới điện khu vực cấp điện áp đến 500kV từ năm 2010-2015;

Liên kết hệ thống khí thiên nhiên khu vực từ năm 2015-2020.

Mua bán điện với Trung Quốc, Lào và Campuchia chủ yếu được thực hiện qua các đường dây 220kV

Chưa thực hiện được liên kết hệ thống khí tự nhiên khu vực

Chưa đạt được liên kết hệ thống năng lượng khu vực đủ mạnh

Nguồn: Đánh giá tổng hợp của nhóm tác giả

Trước đây, trong lĩnh vực năng lượng có các quy hoạch chính sau: Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; Quy hoạch phát triển ngành than; Quy hoạch phát triển ngành dầu khí; Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí; Quy hoạch phát triển hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu.

Trong số các quy hoạch này Quy hoạch điện lực thường được tham chiếu cho các quy hoạch ngành khác do nhu cầu sử dụng năng lượng đa dạng của các loại hình nguồn điện. Các nhà máy điện chính là những hộ tiêu thụ lớn trong nền kinh tế của các dạng nhiên liệu như than đá và khí tự nhiên. Mặt khác, Quy hoạch điện lực cũng cần xem xét đánh giá khả năng cung cấp từ các quy hoạch các phân ngành khác để có thể huy động hợp lý các loại hình nguồn điện trong tương lai. Như vậy, bài toán cân bằng cung cầu trong các quy hoạch có mối quan hệ tương tác chặt chẽ. Tuy nhiên, do có sự lệch pha trong chu kỳ thực hiện, các kết quả dự báo nhu cầu và khả năng cung cấp luôn có một sự chênh lệch đáng kể giữa các quy hoạch. Sự chệnh lệch này đến từ cách tiếp cận khác nhau trong dự báo hoặc dựa trên các kịch bản tăng trưởng kinh tế khác nhau. Hơn nữa, các quy hoạch này thường được thực hiện theo phương pháp truyền thống với trọng tâm là phía cung cấp và ít chú ý vào phía tiêu thụ năng lượng, do đó, khó đưa ra một tầm nhìn tổng thể về vấn đề sử dụng hiệu quả năng lượng một yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc đánh giá nhu cầu năng lượng quốc gia và triển khai các kế hoạch thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng hiệu quả.

Chính vì vậy, Việt Nam cần có một quy hoạch năng lượng tổng thể để đặt các quy hoạch phân ngành năng lượng vào một mặt bằng chung. Ngoài ra, quy hoạch năng lượng tổng thể cần phải xem xét 3 khía cạnh quan trọng nữa của sự phát triển ngành năng lượng chưa được giải quyết trong các quy hoạch phân ngành năng lượng, đó là: (i) phát triển năng lượng tái tạo, (ii) sử dụng hiệu quả năng lượng để giảm nhu cầu năng lượng và (iii) đáp ứng các mục tiêu chính sách phát triển năng lượng và biến đổi khí hậu.

Đối với việc xây dựng một quy hoạch tổng thể cho ngành năng lượng, Quyết định số 1855/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã có quy định Bộ Công Thương chỉ đạo xây dựng quy hoạch phát triển ngành năng lượng và các phân ngành năng lượng: điện, than, dầu khí theo từng chu kỳ phát triển kinh tế, xã hội. Để đáp ứng tình hình phát triển mới, Luật Quy hoạch số 21/17/QH14 ban hành ngày 26/12/2017 đã quy định việc lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng thuộc danh mục các quy hoạch kết cấu hạ tầng quốc gia. Tiếp đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện Luật Quy hoạch, Chính phủ đã ban hành Nghị Quyết số 11/NQ-CP ngày 5/2/2018 về triển khai thi hành Luật Quy hoạch và Bộ Kế hoạch Đầu tư đã ban hành Thông tư số 08/2019/TT-BKHĐT ngày 17/5/2019 về Hướng dẫn về định mức cho hoạt động quy hoạch. Tuy nhiên, những khó khăn và thách thức trong việc lập các quy hoạch theo Luật quy hoạch mới đã dẫn đến những nhiều vướng mắc quy hoạch nhiều nhất trong ngành hiện nay là điện, khoáng sản và năng lượng. Riêng trong ngành điện vừa có quy hoạch quốc gia, vưa có quy hoạch của 63 tỉnh thành. Theo Luật Quy hoạch 2017, các quy hoạch cũ đã lập hết hiệu lực vì vậy hiện có 369 dự án điện trên cả nước đang nằm chờ quy hoạch. Tương tự với các lĩnh vực năng lượng than, xăng dầu, khai thác khoáng sản.

Mục tiêu quy hoạch

Với quan điểm và phạm vi quy định trong các văn bản pháp quy liên quan, QHTTNL cần đạt được các mục tiêu cụ thể sau:

Phân tích và đánh giá hiện trạng phát triển các phân ngành năng lượng (than, dầu, khí, năng lượng tái tạo) và thực tế triển khai nội dung của các quy hoạch các phân ngành năng lượng gần đây;

Dựa trên hiện trạng và dự báo xu thế phát triển kinh tế xã hội, đánh giá nhu cầu năng lượng, đưa ra các phương án dự báo nhu cầu năng lượng theo các loại nhiên liệu và theo các phân ngành kinh tế;

Nghiên cứu các phương án phát triển các phân ngành năng lượng và sử dụng hiệu quả năng lượng; lựa chọn một số phương án có chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật tốt và có tính khả thi cao, đảm bảo cung cấp năng lượng đẩy đủ cho phát triển kinh tế xã hội, sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên năng lượng, xem xét tới việc phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo, có xét đến trao đổi xuất nhập khẩu năng lượng; đề xuất các phương án phát triển kết cấu hạ tầng hệ thống năng lượng trên phạm vi các nước và các vùng lãnh thổ; phân tích tính khả thi của phương án phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng năng lượng;

Lập danh mục các dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư của các phân ngành năng lượng và thứ tự ưu tiên thực hiện;

Đánh giá về tác động môi trường và lập Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) cho quy hoạch tổng thể về năng lượng với các định hướng bố trí sử dụng đất và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo tồn sinh thái, cảnh quan, di tích đã xếp hạng quốc gia;

Nghiên cứu đề xuất các giải pháp chủ yếu về cơ chế chính sách phát triển, tổ chức thực hiện quy hoạch, đảm bảo phát triển bền vững năng lượng quốc gia.

Phạm vi quy hoạch

Chiếu theo những quy định hiện hành, phạm vi của QHTTNL là toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng năng lượng toàn quốc, có xem xét đến yếu tố xuất nhập khẩu năng lượng với các quốc gia khác. Để có thể đánh giá được phương án quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng năng lượng cho từng phân ngành, nhu cầu năng lượng được tính toán và dự báo cho toàn bộ các ngành sử dụng năng lượng của nền kinh tế, bao gồm nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dân dụng và giao thông vận tải. Trên cơ sở đó, QHTTNL phải đưa ra một phương án quy hoạch kết cấu hạ tầng năng lượng quốc gia đáp ứng đầy đủ nhu cầu năng lượng ở với một chi phí thấp nhất và thỏa mãn các ràng buộc về định hướng chính sách phát triển năng lượng. Ngoài ra, QHTTNL cũng cần được đặt trong mối liên quan với các quy hoạch khác phù hợp với Luật Quy hoạch. Bảng sau đây thể hiện mối liên quan của QHTTNL với các quy hoạch khác liên quan:

Bảng 3: Mối quan hệ của QHTTNL với các quy hoạch liên quan khác

Cấp

Tên quy hoạch

Quan hệ với Quy hoạch tổng thể về năng lượng

Quy hoạch quốc gia

Quy hoạch tổng thể quốc gia

Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia.

Quy hoạch tổng thể quốc gia đang trong quá trình lập nhiệm vụ, nên quy hoạch tổng thể về năng lượng sẽ cập nhật để đảm bảo tính phù hợp về các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội.

Quy hoạch sử dụng đất quốc gia

Quy hoạch không gian biển quốc gia

Kết cấu hạ tầng

Quy hoạch phát triển điện lực

Quy hoạch tổng thể về năng lượng cần phải hài hòa với quy hoạch về hạ tầng nguồn điện và phân phối điện trong Quy hoạch phát triển điện lực.

Hiện tại Quy hoạch phát triển điện lực cũng đang trong giai đoạn lập nhiệm vụ. Theo kế hoạch, 2 quy hoạch này sẽ được tiến hành cùng lúc, do đó, cần đảm bảo sự hài hòa giữa 2 quy hoạch về: (i) khả năng cung cấp các dạng NLSC, (ii) dự báo nhu cầu điện năng.

Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt

Quy hoạch tổng thể về năng lượng cung cấp cơ sở về nhu cầu các dạng năng lượng cho Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt. Hiện tại Quy hoạch này cũng đang trong giai đoạn lập nhiệm vụ.

Sử dụng tài nguyên

Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản

Hiện chưa có thông tin về triển khai nhiệm vụ

Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản

Do quy mô quá rộng và chưa rõ khả năng thực hiện quy hoạch này, Quy hoạch tổng thể về năng lượng sẽ thực hiện đánh giá và xây dựng phương án quy hoạch thăm dò khai thác than. Thăm dò khai thác dầu mỏ và khí sẽ không nằm trong Quy hoạch tổng thể năng lượng.

Kỹ thuật, chuyên ngành

Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử

Hiện chưa có thông tin về triển khai nhiệm vụ

Quy hoạch phát triển điện hạt nhân

Hiện chưa có thông tin về triển khai nhiệm vụ

Như vậy, QHTTNL bao gồm 4 phân ngành chính: than, sản phẩm dầu mỏ và khí, điện và năng lượng tái tạo. Xét đến nội dung của các quy hoạch và tính cấp thiết thực hiện một số quy hoạch liên quan, phạm vi của QHTTNL đối với từng phân ngành kết cấu hạ tầng năng lượng được xác định như sau:

Phân ngành than: thăm dò, khai thác, sàng tuyển và chế biến than, vận tải ngoài, định hướng phát triển cảng xuất và nhập khẩu than, khả năng nhập khẩu than và định hướng phát triển thị trường than; Phân ngành dầu khí: nhà máy lọc dầu, hệ thống tồn trữ (bao gồm nhập khẩu) và phân phối sản phẩm dầu mỏ, dự án khai thác khí, nhập khẩu khí (đường ống, kho LNG và tái hóa khí), hệ thống vận chuyển và phân phối khí.

Phân ngành điện lực: nguồn điện, lưới điện, đấu nối nguồn năng lượng tái tạo vào hệ thống điện, liên kết lưới điện khu vực, định hướng phát triển điện nông thôn (phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực); Phân ngành năng lượng tái tạo: NLTT cho phát điện, NLTT cho mục đích phát nhiệt, NLTT cho giao thông vận tải, NLTT cho mục đích khác.

Sản phẩm của QHTTNL sẽ là phương án quy hoạch và danh mục các dự án quan trọng cho các khu vực được xác định như trên cho từng phân ngành năng lượng.

Phương pháp lập quy hoạch

Để đáp ứng được phát triển tối ưu hệ thống năng lượng đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế xã hội, phù hợp với khả năng cung cấp NLSC trong nước, thỏa mãn các chính sách phát triển năng lượng bền vững, quan điểm xây dựng phương pháp lập QHTTNL được xác định là một quá trình cực tiểu hóa chi phí của hệ thống năng lượng trong toàn bộ thời gian quy hoạch, có xem xét tới các ràng buộc về khả năng cung cấp và định hướng phát triển như sau:

Kết hợp hài hòa và cân đối giữa các ngành than, dầu khí, điện lực và các nguồn năng lượng khác; Thúc đẩy các hoạt động sử dụng hiệu quả năng lượng; Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo; Tăng cường an ninh năng lượng quốc gia: đảm bảo dự trữ dầu, đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng, giảm lệ thuộc năng lượng nhập khẩu; Khả năng khai thác các nguồn NLSC trong nước: than, dầu thô, khí, năng lượng tái tạo; Khả năng nhập khẩu năng lượng: than, dầu thô, sản phẩm dầu mỏ, khí tự nhiên, LNG; Khả năng nhập khẩu điện, trao đổi điện năng với các nước láng giềng; Khả năng truyền tải điện năng, trao đổi năng lượng giữa các miền, các vùng; Cắt giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động tới môi trường và phát triển bền vững năng lượng.

Do đó, phương pháp lập QHTTNL được đề xuất như sơ đồ sau:

quy hoach tong the ve nang luong thuc trang pham vi phuong phap va giai phap
Hình 1: Sơ đồ phương pháp lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng.

Các bước chính lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng được đề xuất như sau:

Nhu cầu NLCC sẽ được tính toán, dự báo dựa trên các kịch bản phát triển kinh tế xã hội cho các ngành của nền kinh tế. Nhu cầu năng lượng sẽ được dự báo có tính đến khả năng tiết kiệm năng lượng cho từng phân ngành.

Khả năng cung cấp NLSC được đánh giá cho từng loại than, dầu thôi, khí tự nhiên và các dạng NLTT. Các chính sách phát triển về mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng và tỉ lệ tiết kiệm nhu cầu NLCC cũng được xem xét để xây dựng các kịch bản phát triển.

Mô hình tối ưu hệ thống năng lượng được sử dụng để tối ưu hóa hệ thống năng lượng đáp ứng nhu cầu năng lượng thỏa mãn các tiêu chí về cung cấp và các chính sách phát triển. Kết quả của mô hình sẽ được phát triển để xây dựng phương án quy hoạch cho từng phân ngành trong hệ thống kết cấu hạ tầng năng lượng.

Mô hình tối ưu hệ thống năng lượng là hệ thống trung tâm cho phép đánh giá cân bằng cung - cầu năng lượng dài hạn với chi phí nhỏ nhất dựa trên việc đánh giá các công nghệ thay thế và thỏa mãn các mục tiêu và ràng buộc về chính sách. Nhìn chung, có nhiều mô hình quy hoạch năng lượng có thể giải quyết được bài toán cân bằng cung - cầu năng lượng trong tương lai, trong khi đáp ứng các ràng buộc mục tiêu chính sách khác.

Các mô hình có thể rơi vào một trong ba loại (i) quyết toán, (ii) mô phỏng hoặc (iii) tối ưu hóa. Có nhiều mô hình đã được xây dựng và phát triển ở Việt Nam thông qua các trợ giúp kỹ thuật nâng cao năng lực bao gồm LEAP, TIMES (MARKAL), MESSAGE, ENPEP-BALANCE. Các cơ quan tư vấn năng lượng ở Việt Nam đã tích lũy được những kinh nghiệm nhất định trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu và vận hành các mô hình này cho những nghiên cứu thực tế. Xét trên các tiêu chí về (i) khả năng mô phỏng và tối ưu hóa hệ thống năng lượng và (ii) kinh nghiệm xây dựng và sử dụng mô hình và (iii) tính sẵn có, mô hình TIMES (The Integrated MARKAL-EFOM System) là mô hình thích hợp đối với mục tiêu lập QHTTNL.

TIMES là một mô hình từ dưới lên cho phép mô hình hóa chi tiết và đánh giá các công nghệ cung cấp và tiêu thụ năng lượng cũng như là các chính sách năng lượng trong dài hạn. TIMES được phát triển dựa trên sự kết hợp các đặc trưng tốt nhất của MARKAL và EFOM trong khuôn khổ Chương trình Phân tích các hệ thống Công nghệ Năng lượng của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA-ETSAP). Bởi tính linh hoạt trọng mô hình hóa hệ thống năng lượng và các tác động môi trường, TIMES rất mạnh và được sử dụng nhiều trong quy hoạch năng lượng hay các phân tích tác động về thay đổi chính sách, công nghệ và môi trường. Mới đây, IEA sử dụng TIMES cho báo cáo Energy Technology Perspectives 2016

quy hoach tong the ve nang luong thuc trang pham vi phuong phap va giai phap
Hình 2: Hệ thống năng lượng tham chiếu đơn giản hóa trong TIMES

Kết luận

Có thể nhận thấy, việc xây dựng một quy hoạch tổng thể về năng lượng sẽ góp phần đánh giá toàn diện về cung - cầu năng lượng quốc gia và kết nối việc phát triển năng lượng với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội - môi trường mà Việt Nam đã đặt ra: Mục tiêu Thiên niên kỷ, Chiến lược Phát triển Bền vững, Chiến lược Tăng trưởng xanh và các chương trình mục tiêu quốc gia khác. Để vượt qua các khó khăn, thách thức, đảm bảo cung cấp năng lượng đầy đủ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước, việc xây dựng "Quy hoạch tổng thể về năng lượng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050" là thực sự cần thiết. Việc lập QHTTNL trong thời gian vẫn còn nhiều thách thức.

Một là, các quy hoạch phân ngành năng lượng trước đây thiếu gắn kết, không tạo ra được một bức tranh chung cân đối và hài hòa về các mục tiêu mà chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đã đề ra. QHTTNL như đã được quy định trong Luật Quy hoạch nhằm để giải quyết những bài toán nói trên. Mặc dù gần đây đã có một số văn bản dưới luật hướng dẫn nội dung và cách thức lập QHTTNL, tình trạng triển khai lập các nhiệm vụ quy hoạch và lập quy hoạch còn lúng túng, dẫn đến cản trở sự phát triển của nhiều phân ngành năng lượng trong thời gian qua. Do vậy, trước tiên, cần tiếp tục đầu tư trọng tâm và có những văn bản hướng dẫn cho việc thực hiện lập nhiệm vụ quy hoạch. Đối với các quy hoạch đang được thực hiện, cần cho phép thực hiện chuyển tiếp quy hoạch trong quá trình chờ quy hoạch tổng thể quốc gia

Hai là, do tính chất kỹ thuật đặc thù của QHTTNL, cần tuyển chọn cơ quan tư vấn tham gia lập quy hoạch có kinh nghiệm và năng lực. Việc lập các quy hoạch có tính chuyên ngành kỹ thuật cao cần có những hướng dẫn và quyết định chỉ định thầu đối với cơ quan tư vấn để đẩy nhanh quá trình lập quy hoạch.

Ba là, nguồn kinh phí lập quy hoạch cần được bố trí đầy đủ và kịp thời nhằm đáp ứng nhất là đối với những quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Do đó, các cơ quan liên quan cần sớm ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn về các thủ tục xây dựng dự toán và thanh quyết toán vốn lập quy hoạch.

Bốn là, QHTTNL có một vai trò trọng tâm trong các quy hoạch liên quan và có mối quan hệ hữu cơ với quy hoạch điện lực. Do đó, cần thống nhất phương pháp lập QHTTNL và quy hoạch điện lực trên cơ sở đảm bảo tính đồng nhất của số liệu đầu vào và mối quan hệ tương tác giữa hệ thống năng lượng và hệ thống điện lực. Hai quy hoạch này cần được lập song song để đảm bảo sự phát triển hài hòa của toàn bộ hệ thống năng lượng quốc gia.

Năm là, việc lập QHTTNL yêu cầu việc xây dựng và duy trì một hệ thống thông tin năng lượng hiệu quả để đảm bảo tính chính xác trong dự báo nhu cầu năng lượng và mô hình hóa hệ thống năng lượng. Để thực hiện một quy hoạch năng lượng tích hợp trong đó có xem xét đến việc thúc đẩy hoạt động sử dụng hiệu quả năng lượng yêu cầu một cơ sở dữ liệu chi tiết đối với các hoạt động tiêu thụ năng lượng ở từng phân ngành của nền kinh tế. Do đó, việc sớm ban hành một quy định về hệ thống thông tin năng lượng quốc gia là một yêu cầu cấp thiết trong việc lập quy hoạch và đánh giá định kỳ việc thực hiện.

Sáu là, nên hướng trọng tâm QHTTNL đến việc thiết lập các mục tiêu quan trọng theo phân bố địa lý và xây dựng danh mục dự án quan trọng, dự án ưu tiên đầu tư của ngành kết cấu hạ tầng năng lượng. Điều này nhắm tránh việc đưa ra một danh mục dự án quá chi tiết đối với một quy hoạch tổng thể quốc gia nhằm hạn chế những khó khăn của cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư trong việc điều chỉnh quy hoạch, đặc biệt trong giai đoạn phát triển bước ngoặt đối với NLTT. Do đó, đối với QHTTNL cần thống nhất các tiêu chí về dự án quan trọng quốc gia, dự án quan trọng của ngành. Trên cơ sở đó, QHTTNL sẽ có đề xuất thứ tự ưu tiên thực hiện và phương án phân kỳ đầu tư đối với những dự án quan trọng này.

Bảy là, đáp ứng yêu cầu của Luật Quy hoạch, một loạt các quy hoạch quốc gia sẽ được thực hiện trong thời gian tới. Việc đảm bảo sự hài hòa và tính phù hợp giữa các quy hoạch này là một điều kiện tiên quyết. Do đó, việc lập nhiệm vụ và lập các quy hoạch có liên quan cần được tham khảo chéo và cập nhật liên tục để đảm bảo sự phát triển hài hòa của các ngành của nền kinh tế trong chu kỳ lập quy hoạch tới.

TS. Nguyễn Ngọc Hưng
Viện Năng lượng (Bộ Công Thương)
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động