Sản xuất tiêu dùng hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững
Việt Nam cam kết cùng thế giới phát triển kinh tế xanh bền vững |
Tại Hội nghị "Hành động sản xuất tiêu dùng hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững" vừa được tổ chức cho thấy, trước những thách thức về tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm môi trường ngày một trầm trọng, Việt Nam đã có những chính sách để tạo điều kiện phát triển kinh tế sạch - kinh tế tuần hoàn.
Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động quốc gia về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững (SCP), Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025 và Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020. Đặc biệt, một trong những mục tiêu quan trọng của Quyết định 76/QĐ-TTg là thực hiện Sản xuất tiêu dùng bền vững (SXTDBV) theo hướng tiếp cận vòng đời sản phẩm, đẩy mạnh liên kết trong các khâu của vòng đời sản phẩm, ứng dụng đổi mới công nghệ, cải tiến thiết bị, quy trình quản lý nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu phát sinh chất thải và ô nhiễm môi trường; thay đổi hành vi người tiêu dùng trong quá trình mua sắm, sử dụng và thải bỏ sản phẩm. Thông qua các chương trình, chiến lược, các mô hình áp dụng sản xuất sạch hơn đã được xây dựng mà trong đó có các giải pháp giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải.
Tiết kiệm năng lượng nhờ áp dụng sản xuất sạch hơn trong ngành dệt may. |
Theo bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cho biết, trong những năm gần đây, Bộ Công Thương đã có một số nghiên cứu về khái niệm nền kinh tế tuần hoàn được các tổ chức quốc tế thảo luận rất nhiều. Những nội dung của nền kinh tế tuần hoàn trùng khớp với các hoạt động liên quan tới SXTDBV.
Chia sẻ các kinh nghiệm hoạt động sản xuất hướng đến nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, đại diện Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội) cho biết, Sở đã triển khai ứng dụng mô hình tiết kiệm năng lượng trong sản xuất công nghiệp trên địa bàn, đã có 104 giải pháp tiết kiệm năng lượng được áp dụng, tiết kiệm năng lượng trên 2.600 TOE/năm, tương đương 31,6 tỉ đồng/năm. Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội còn khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo thông qua mô hình thí điểm hệ thống pin mặt trời áp mái và đang mở rộng các mô hình thí điểm để tiến tới nhân rộng toàn thành phố.
Một số doanh nghiệp ngành công nghiệp dệt - nhuộm cũng đã ứng dụng công nghệ sạch, công nghệ thân thiện với môi trường, nâng cấp các hệ thống xử lý nước thải… góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Hệ thống phân phối hiện đại của Việt Nam cũng hướng đến phân phối “xanh”, nhiều cửa hàng chuyên doanh hiện đã có sự nhận biết đầy đủ và cập nhật về các sản phẩm thân thiện với môi trường từ cả hai phía doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nhiều siêu thị kinh doanh tổng hợp đã tích cực hưởng ứng phong trào phòng chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường thông qua việc thay thế túi nilon bằng túi từ vật liệu thân thiện với môi trường; hay sử dụng ống hút bằng giấy, tre, gạo, cỏ thay thế cho ống hút nhựa…
Thời gian tới, ngành Công Thương sẽ có kiến nghị, đề xuất với Chính phủ những cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ theo hướng sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tích cực tham gia hệ thống phân phối xanh; thúc đẩy sản xuất, phân phối, tiêu dùng hàng hóa thân thiện môi trường... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cùng cần thay đổi tư duy từ kinh tế tuyến tính sang tuần hoàn; xem rác thải là nguồn nguyên liệu mới để sản xuất; học hỏi khả năng tái tạo và tuần hoàn của thiên nhiên; ý thức về cộng sinh công nghiệp, sử dụng năng lượng tái tạo, sản xuất sạch hơn...
Tin mới
Sáng kiến làm mát xanh III: Thúc đẩy chuyển đổi chất làm lạnh theo hướng làm mát bền vững tại Việt Nam
Phú Thiện(Gia Lai): Người phụ nữ Jrai với ước mơ truyền nghề may thổ cẩm cho thế hệ trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường
Tin khác
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.