Sở Y tế Hà Giang: Tiền, hậu bất nhất trong thông tin quản lý chất thải Y tế
Công nghệ, thiết bị xử lý chất thải Y tế được đầu tư hiện đại
Theo Sở Y tế tỉnh Hà Giang (Sở Y tế), hằng ngày, Bệnh viện đa khoa khu vực Yên Minh (Bệnh viện) có 19 kg là chất thải y tế thông thường; 10,2 kg là chất thải lây nhiễm; 1,4 kg là chất thải sắc nhọn; 15 kg rác thải tái chế; 44kg rác thải sinh hoạt; sử dụng 15-17 khối nước. Bệnh viện được đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý chất thải lỏng Y tế, được cấp phép xả thải vào nguồn nước ngày 14/12/2018 với chế độ xả nước thải 69,48m3/ngày đêm. Bệnh viện được đầu tư máy xử lý chất thải rắn nguy hại Newster NW5- Italia (hệ thống xử lý bằng tiệt khuẩn nhiệt ma sát), đưa vào sử dụng từ năm 2015; máy Newster NW5- Italia được đánh giá là công nghệ tiên tiến, chi phí xử lý thấp, độ bền cao, khử khuẩn ổn định và thân thiện với môi trường.
Nước thải Y tế tràn ra đường, đổ lỗi và ngụy biện
Nước sinh hoạt của người dân và nước sinh hoạt của bệnh viện không thoát được tràn lên bề mặt đường |
Để giải thích cho việc để nước thải của Bệnh viện chảy tràn lên bề mặt đường, Sở Y tế có Văn bản số 731/SYT-TTr ngày 27/4/2020 gửi Tạp chí, Văn bản đã nêu rõ “Hệ thống xử lý chất thải lỏng chưa hoàn thiện để đưa vào sử dụng, do vậy chất thải lỏng được gom vào hệ thống bể chứa và được thải ra ngoài qua hệ thống thoát nước của Bệnh viện vào hệ thống thoát nước của môi trường nhưng do hệ thống thoát nước của môi trường bị tắc do ảnh hưởng lũ lụt năm 2019 chưa được sửa chữa nên nước sinh hoạt của người dân và nước sinh hoạt của bệnh viện không thoát được nên tràn lên bề mặt đường”. Như vậy, Sở Y tế đã khẳng định Hệ thống xử lý chất thải lỏng chưa hoàn thiện và chưa đưa vào sử dụng; theo đó, nước thải Y tế được gom lại mà không được xử lý rồi cho chảy thẳng ra môi trường. Những nội dung này được ghi trong trang 2 của Văn bản số 731/SYT-TTr đã trái ngược hẳn với Kết quả kiểm tra được ghi trong trang 1 của chính văn bản này, bởi nội dung trong trang 1 đã khẳng định “xả nước thải Y tế sau xử lý” ra môi trường.
Trong một động thái khác, ngày 06/5/2020 Sở Y tế có Văn bản số 774/SYT-KHTC gửi Tạp chí, Văn bản này lại khẳng định Bệnh viện đa khoa khu vực Yên Minh được đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý chất thải lỏng Y tế và được cấp phép xả thải vào nguồn nước ngày 14/12/2018. Để giải thích cho việc để nước thải của Bệnh viện đa khoa khu vực Yên Minh chảy tràn lên bề mặt đường, Sở Y tế lại đổ lỗi cho việc mưa lũ làm hỏng 01 máy bơm và đến ngày 06/5/2020 đã được khắc phục, vận hành bình thường, xứ lý đạt yêu cầu. Theo logic, cả hai văn bản trên đều đổ lỗi cho mưa, lũ (năm 2019) và đến tận ngày 6/5/2020 Bệnh viện mới khắc phục xong 01 máy bơm. Như vậy, trong suốt thời gian máy bơm hỏng, chất lượng nước thải Bệnh viện không đạt chuẩn, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Đốt rác thải Y tế nguy hại, thần tốc khắc phục
Theo thống kê của Sở Y tế, hằng ngày Bệnh viện có khoảng 11,6 kg là rác thải y tế nguy hại; như vậy, từ cuối tháng 3/2020 khi hệ thống xử lý rác thải rắn hỏng cảm biến nhiệt, cảm biến cấp nước, Công ty TNHH Khang Nguyên (Hà Nội) là đơn vị bảo trì, bảo dưỡng nhưng chưa khắc phục được do đại dịch Covid-19. Hình ảnh các túi rác thải Y tế nguy hại tại Bệnh viện được đốt ngay cạnh lò đốt rác chỉ còn trơ khung sắt và chiếc ống khói, chắc chắn rằng những ngọn lửa cháy âm ỉ ấy không thể đủ nhiệt độ để chuyển rác thải Y tế nguy hại thành dạng tro, xỉ khác.
Rác thải Y tế nguy hại được vứt ngoài trời |
Sau khi có chỉ đạo của Sở Y tế, Bệnh viện đa khoa khu vực Yên Minh đã thần tốc xây dựng lò đốt thủ công (trong khoảng 3 ngày, từ ngày 24 đến 27/4/2020) để khắc phục tình trạng đốt rác thải Y tế nguy hại ngoài trời, việc làm này là động thái tích cực trong chính những ngày giãn cách xã hội do dịch Covid-19. Qua đây, chúng ta thấy sự bị động, lúng túng và thiếu một kịch bản để bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn Y tế nguy hại tại Bệnh viện, mặc dù nhận thức của Sở Y tế đã rất hanh thông và khẳng định “Trong quá trình vận hành hệ thống (máy nghiền rác thải) tại bệnh viện không tránh khỏi có lúc hệ thống máy móc bị trục trặc bởi nhiều nguyên nhân”.
Tại Văn bản số 731/SYT-TTr ngày 27/4/2020, Sở Y tế khẳng định ngày 27/4/2020 Bệnh viện đã đề nghị Công ty TNHH Khang Nguyên lên sửa chữa máy nghiền rác thải; tuy nhiên, tại Văn bản số 774/SYT-KHTC ngày 06/5/2020, Sở Y tế lại khẳng định ngày 27/4/2020 máy nghiền rác thải đã được sửa chữa xong và sử dụng tốt. Chúng tôi thấy làm lạ, sự “bất nhất” này không thể do lỗi máy in hay máy tính; nhìn vào ký hiệu của văn bản, báo cáo do hai bộ phận tham mưu lập, như thế số liệu của hai bộ phận có thể đã khác?
Những thông tin về việc đốt rác thải Y tế, xả nước thải Y tế tại Bệnh viện đa khoa khu vực Yên Minh đã được UBND tỉnh Hà Giang tiếp nhận qua hòm thư điện tử công vụ từ Phóng viên Tạp chí, những thông tin phản ánh của phóng viên được UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế vào cuộc và có thông tin phản hồi.
Hành động quyết liệt, kịp thời trong chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh Hà Giang theo phản ánh của phóng viên Tạp chí đã thể hiện tinh thần “trên nóng” và hiệu quả của chính quyền điện tử. Tuy phía dưới “chưa lạnh” nhưng với cách thông tin “bất nhất” cho cơ quan báo chí, né tránh một số vấn đề liên quan của Sở Y tế đã cho thấy vẫn còn nhiều bất cập trong công tác bảo bảo vệ môi trường tại Bệnh viện đa khoa khu vực Yên Minh.
Thông tin có thể đính chính, nhưng với cách làm bị động, che chắn cho các hành vi xâm hại đến môi trường thì chắc chắn niềm tin ở đâu đó sẽ bị lung lay.