TP. Hồ Chí Minh: Nghiêm cấm mua bán, tái chế rác thải y tế
TP. Hồ Chí Minh vừa ban hành quy định về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế và quản lý các chất ô nhiễm liên quan đến các vấn đề về bệnh tật và sức khỏe con người trên địa bàn.
Rác thải y tế được phân loại, thu gom và vận chuyển riêng biệt trên đường phố ở TP. Hồ Chí Minh do Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP. HCM thực hiện. |
Theo đó, chất thải rắn y tế phải được phân loại, thu gom riêng biệt với chất thải rắn thông thường và chất thải rắn sinh hoạt. Trong trường hợp chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn thông thường lẫn vào chất thải rắn y tế - chất thải lây nhiễm liên quan đến bệnh tật, sức khỏe thì phải quản lý như đối với chất thải lây nhiễm theo điểm b khoản 1 điều 62 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Theo quy định này, cơ sở y tế, tổ chức, cá nhân có hoạt động làm phát sinh chất thải rắn y tế phải chuyển giao chất thải rắn y tế cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế và trả chi phí cho dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế cho đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định của pháp luật.
Cùng đó, các tổ chức, cá nhân có hoạt động làm phát sinh chất thải rắn y tế, tham gia lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế còn phải thực hiện các quy định hiện hành khác của Nhà nước có liên quan đến lĩnh vực quản lý chất thải rắn y tế, quản lý môi trường.
Cụ thể, cơ sở y tế, tổ chức, cá nhân có hoạt động phát sinh chất thải rắn y tế phải có trách nhiệm quản lý, phân định, phân loại chất thải rắn y tế theo quy định; thực hiện khai báo, thu gom, lưu giữ chất thải rắn y tế theo quy định tại Điều 35 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Các cơ sở y tế báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế của cơ sở theo quy định và đồng thời chịu trách nhiệm theo dõi đến cuối quá trình xử lý triệt để chất thải rắn y tế phát sinh theo quy định pháp luật hiện hành về quản lý chất thải rắn y tế và quản lý chất thải nguy hại.
Chất thải rắn y tế phải được quản lý, thu gom riêng biệt với chất thải rắn thông thường và chất thải rắn sinh hoạt trước khi đưa vào khu vực lưu giữ tại cơ sở phát sinh theo quy định; chất thải rắn y tế được thu gom và lưu giữ tạm thời theo quy định của Bộ Y tế về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế.
Bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải rắn y tế phải được cơ sở y tế, tổ chức phát sinh chất thải rắn y tế thực hiện theo quy định tại điều 5 Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Bộ Y tế về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế.
Trong trường hợp khẩn cấp chất thải rắn y tế gia tăng do dịch bệnh bùng phát trên địa bàn hoặc các tình huống bất khả kháng, UBND TP. Hồ Chí Minh sẽ xem xét điều động Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận huyện tăng cường, bổ sung xe tải chuyên dụng vận chuyển chất thải rắn y tế trực tiếp từ nguồn phát sinh đến các nhà máy có chức năng xử lý;… Nghiêm cấm mua bán, xử lý chất thải rắn y tế để tái chế sản xuất thành các đồ dùng, bao bì sử dụng trong lĩnh vực thực phẩm.
Chất thải rắn thông thường phát sinh từ các cơ sở y tế được chuyển giao cho đơn vị có chức năng phù hợp để vận chuyển, xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành. Việc chuyển giao chất thải rắn y tế từ các cơ sở y tế, các tổ chức, cá nhân có hoạt động phát sinh chất thải rắn y tế cho đơn vị thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn y tế được thực hiện bằng hình thức xã hội hóa thông qua hợp đồng dịch vụ giữa các bên.
Chi phí thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế trên địa bàn thành phố được thực hiện toàn bộ theo hình thức xã hội hóa. Các cơ sở y tế, các tổ chức, cá nhân có hoạt động phát sinh chất thải rắn y tế có trách nhiệm trả chi phí toàn bộ cho dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế cho đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế.
Thanh Hải