Sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2018: Chỉ số tiếp cận điện năng tăng 37 bậc
Tiến vượt bậc, Việt Nam xếp 27 thế giới tiếp cận điện năng |
Chỉ số tiếp cận điện năng xếp thứ 27 thế giới là một trong những sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2018. |
Theo Báo cáo Doing Business 2019 của Ngân hàng Thế giới, chỉ số tiếp cận điện năng năm 2018 của Việt Nam (87,94 điểm) đạt được mức xếp hạng cao nhất từ trước đến nay, đứng ở vị trí 27 trên tổng số 190 quốc gia/nền kinh tế, tăng tới 37 bậc so với xếp hạng năm 2017. Đây cũng là chỉ số có cải thiện tốt nhất trong 10 chỉ số của nền kinh tế.
Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đã được cải thiện vị trí liên tục trong 5 năm qua. Việt Nam cũng là nền kinh tế có chỉ số tiếp cận điện năng cải thiện vị trí nhiều nhất trong khu vực (từ hạng 156 năm 2013 lên hạng 27 năm 2018).
Để đạt được kết quả trên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã triển khai quyết liệt và đồng bộ hàng loạt giải pháp về dịch vụ khách hàng, mà trọng tâm là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số. EVN hiện nay cung cấp dịch vụ điện trực tuyến tương đương dịch vụ công cấp độ 4 - cấp độ cao nhất, đáp ứng 100% dịch vụ trực tuyến theo yêu cầu của khách hàng và trở thành doanh nghiệp hạ tầng đầu tiên tại Việt Nam đạt được cấp độ 4 trong cung cấp dịch vụ khách hàng.
Các thông tin về quy định, thủ tục dịch vụ điện đều được EVN và các đơn vị trực thuộc đăng tải công khai trên các website về dịch vụ khách hàng. Bên cạnh đó, 5 Trung tâm Chăm sóc khách hàng đều phục vụ 24/7, qua nhiều kênh giao tiếp như: Tổng đài, website, email, zalo, facebook,…
EVN cũng khai thác triệt để công nghệ sửa chữa điện hotline, áp dụng các công nghệ điều khiển hệ thống điện tự động để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm thời gian mất điện của khách hàng.
Bên cạnh đó, EVN cũng chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương để tạo cơ chế “1 cửa liên thông”, giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận điện năng.
9 SỰ KIỆN NỔI BẬT NGÀNH CÔNG THƯƠNG NĂM 2018: 1. Tổng Bí thư tới thăm, làm việc tại Bộ Công Thương, đặt ra các yêu cầu, nhiệm vụ, định hướng chiến lược trong phát triển của toàn Ngành thời gian tới; 2. Quá trình tái cơ cấu, đổi mới phương thức quản lý của Bộ Công Thương tiếp tục những bước đi vững chắc và đạt được kết quả tích cực; 3. Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 5 thông qua Luật Cạnh tranh sửa đổi; 4. Ngành Công Thương hoàn thành đạt và vượt mức tất cả các chỉ tiêu được giao trong kế hoạch năm 2018, trong đó một số chỉ tiêu vượt ở mức cao; 5. Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam tăng 37 bậc, xếp thứ 27 thế giới, thứ 4 ASEAN; 6. Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 6 phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với tỷ lệ phiếu tuyệt đối của đại biểu Quốc hội thông qua, hoàn tất quá trình đàm phán, ký kết và chính thức đưa Hiệp định vào thực thi; 7. Thành lập Tổng cục Quản lý thị trường: Hướng tới chính quy, hiện đại, tinh gọn và hiệu quả; 8. Chính thức vận hành thương mại Liên họp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, đã chế biến hơn 5 triệu tấn dầu thô để cho ra sản phẩm cung ứng trên thị trường ngay trong những tháng cuối năm 2018; 9. Một số sản phẩm quan trọng của ngành công nghiệp chế tạo đã được các doanh nghiệp kinh tế tư nhân của Việt Nam sản xuất và chính thức có mặt trên thị trường. |