Tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp
Tăng cường các biện pháp chống gian lận xuất xứ, lẩn tránh thuế |
Hoàn thiện hệ thống pháp lý về xuất xứ hàng hóa và kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa. |
Thực hiện chủ trương Chính phủ về kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi gian lận xuất xứ, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, trong thời gian qua, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành, địa phương liên quan đã triển khai quyết liệt các hoạt động đồng bộ, qua đó đã phát hiện, xử lý kịp thời nhiều trường hợp vi phạm. Đặc biệt, việc triển khai Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 04/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” đã tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở tất cả các cấp, góp phần tăng cường hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong bối cảnh Việt Nam đang và sẽ thực hiện các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, diễn biến phức tạp của thương mại quốc tế, đặc biệt là xung đột thương mại Mỹ-Trung, sự điều chỉnh chính sách của một số đối tác thương mại lớn trong thời gian qua, cần tiếp tục có những giải pháp đồng bộ, toàn diện để tăng cường quản lý nhà nước về ngăn chặn gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp nhằm phát triển bền vững xuất khẩu, bảo vệ quyền và lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính của Việt Nam.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 31/12/2019 về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, với mục tiêu: (i) ngăn chặn, không để xảy ra các hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp trong hoạt động xuất nhập khẩu, chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc; (ii) thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các nhà sản xuất Việt Nam; duy trì tăng trưởng xuất khẩu theo hướng bền vững; thu hút hợp tác, đầu tư nước ngoài vào các dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; (iii) nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là triển khai các Hiệp định FTA thế hệ mới, bảo đảm thực hiện nghiêm túc và hiệu quả cam kết trong các khuôn khổ đa phương và các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế.
Nhằm thực hiện các mục tiêu trên, Nghị quyết đề ra 5 nhóm giải pháp toàn diện, cụ thể, gồm: (i) hoàn thiện hệ thống pháp lý về xuất xứ hàng hóa và kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa để triển khai có hiệu quả các hoạt động ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; (ii) tăng cường năng lực bộ máy giám sát, kiểm tra để triển khai có hiệu quả các giải pháp chống gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; (iii) chủ động kiểm tra, điều tra, xác minh để phát hiện các hành vi vi phạm, gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, xử lý nghiêm minh các vụ việc được phát hiện; (iv) tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để ngăn chặn, phòng ngừa không để xảy ra các vụ việc gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp trong hoạt động xuất nhập khẩu và (v) đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phối hợp ngăn chặn và xử lý các vụ việc gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp trong hoạt động xuất nhập khẩu.