Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và hành trình bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững

09/01/2020 00:00 Tăng trưởng xanh
Than và các loại khoáng sản là nguồn năng lượng, nguyên liệu không thể thiếu đối với sự phát triển của nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam. Tuy nhiên công nghiệp khai thác, chế biến, sử dụng than, khoáng sản là ngành có nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, từ việc phá hủy địa hình, làm suy giảm hệ động thực vật, suy giảm nguồn nước đến phát sinh nước thải, khí thải, chất thải rắn và các loại chất thải đặc thù khác với khối lượng lớn; trong đó việc phát sinh các loại khí nhà kính là một trong những yếu tố góp phần vào sự nóng lên toàn cầu và sự biến đổi khí hậu theo hướng ngày càng cực đoan.
Ngành than, khoáng sản và công cuộc bảo vệ môi trường

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) là tập đoàn kinh tế nhà nước được giao nhiệm vụ chủ yếu là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp nguyên vật liệu cho nền kinh tế đất nước và xuất khẩu; ngành nghề sản xuất kinh doanh chính là: Khai thác, chế biến than và khoáng sản; sản xuất điện, hóa chất mỏ, vật liệu xây dựng; sửa chữa, lắp ráp, chế tạo thiết bị mỏ. TKV hiện là một trong ba trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, là nhà sản xuất và cung cấp than lớn nhất, sản xuất alumin duy nhất và sản xuất kim loại màu lớn nhất cung cấp cho nền kinh tế đất nước và xuất khẩu.

Thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường (BVMT) đối với sự phát triển của ngành, ngay từ khi thành lập TKV đã quan tâm triển khai đồng bộ, tổng thể nhiều giải pháp BVMT:

- Quy hoạch, sắp xếp lại các công trình sản xuất, chi hàng chục nghìn tỷ đồng để tháo dỡ, di dời khỏi trung tâm các đô thị, khu đông dân cư các nhà máy (cơ khí, tuyển than), kho tàng, bến cảng, đường sắt và các cơ sở sản xuất khác, bàn giao cho chính quyền địa phương hàng trăm ha đất tạo điều kiện để mở rộng và phát triển các đô thị, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường, cảnh quan các vùng có hoạt động khoáng sản.

- Cải tạo phục hồi môi trường, trồng cây phủ xanh trên 1.000 ha bãi thải, khai trường các mỏ than, khoáng sản đã kết thúc; một số khu vực gần dân cư, đô thị thực hiện trồng cây phủ xanh nhanh với mật độ cao, rút ngắn thời gian phủ xanh xuống còn 2 - 3 năm. Việc cải tạo phục hồi môi trường các mỏ Bauxit được thực hiện cuốn chiếu đồng thời với quá trình khai thác. Các bãi thải đang hoạt động cơ bản thực hiện đổ thải tầng thấp với chiều cao tầng ≤15m để giảm nguy cơ sạt lở, giảm phát sinh bụi, hạn chế xói mòn đất đá.

- Xây dựng đê đập chắn đất đá chân các bãi thải để chống trôi lấp đất đá, đảm bảo an toàn cho dân cư và môi trường. Cải tạo, nạo vét thường xuyên hệ thống sông suối thoát nước ngăn ngừa nguy cơ đất đá bồi lấp, ngập lụt các khu dân cư và vùng hạ lưu. Di dời trên 400 hộ dân khỏi các vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

tap doan cong nghiep than khoang san viet nam va hanh trinh bao ve moi truong vi su phat trien ben vung
Cải tạo phục hồi môi trường bãi thải.

- Xây dựng và đưa vào vận hành 50 trạm xử lý nước thải mỏ với tổng công suất trên 150 triệu m3/năm, cơ bản đủ năng lực xử lý lượng nước thải phát sinh trong sản xuất đảm bảo quy chuẩn môi trường. Các nhà máy tuyển than có hệ thống ép bùn, lắng lọc sử dụng tuần hoàn nước, cơ bản không thải ra môi trường. Các nhà máy nhiệt điện, luyện kim có hệ thống xử lý nước thải đầu tư đồng bộ, kiểm soát tự động cùng dây truyền sản xuất. Lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động nước thải, truyền dữ liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương theo quy định.

tap doan cong nghiep than khoang san viet nam va hanh trinh bao ve moi truong vi su phat trien ben vung
Xây dựng trạm xử lý nước thải mỏ.

- Khí thải các nhà máy luyện kim, nhiệt điện, xi măng của TKV có hệ thống lọc bụi, xử lý đầu tư đồng bộ cùng dây truyền công nghệ, đảm bảo quy chuẩn trước khi xả ra môi trường. Lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động khí thải, truyền dữ liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương theo quy định.

- Đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải nguy hại công nghiệp của TKV tại Cẩm Phả - Quảng Ninh với công suất 6.900 ttấn/năm, đủ năng lực xử lý chất thải nguy hại phát sinh trong sản xuất của các đơn vị thành viên và các doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, khắc phục tình trạng chuyển giao chất thải đi xử lý ở các tỉnh/thành khác, ngăn ngừa nguy cơ xảy ra sự cố trong quá trình vận chuyển liên tỉnh, sản phẩm sau xử lý tái sử dụng cho sản xuất trên 50%. Chất thải rắn công nghiệp thông thường (đá xít sàng tuyển than, tro xỉ nhiệt điện,...) được thu gom, đổ thải đúng quy hoạch. Chất thải rắn sinh hoạt thuê các công ty vệ sinh môi trường địa phương thu gom, xử lý theo quy định.

- Đầu tư xây dựng các tuyến đường ô tô chuyên dụng nên từ năm 2008 không còn vận chuyển than trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; đầu tư bổ sung 01 tuyến đường sắt và 08 tuyến băng tải thay thế ô tô, hiện việc vận chuyển than ra cảng và đến các nhà máy điện trên địa bàn Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn chủ yếu thực hiện bằng băng tải, đường sắt; tinh quặng bauxit vận chuyển từ nhà máy tuyển về nhà máy alumin được thực hiện bằng băng tải; nhờ đó đã giảm thiểu bụi, bẩn ảnh hưởng của quá trình vận chuyển đến dân cư, đô thị. Công tác chống bụi thường xuyên (phủ bạt xe và kho đống, phun sương và tưới nước dập bụi, làm tường chắn và trồng cây xanh ngăn bụi...) được quan tâm thực hiện.

tap doan cong nghiep than khoang san viet nam va hanh trinh bao ve moi truong vi su phat trien ben vung
Đầu tư băng tải vận chuyển than.

tap doan cong nghiep than khoang san viet nam va hanh trinh bao ve moi truong vi su phat trien ben vung
Xây dựng trạm rửa xe.
- Bùn đỏ nhà máy alumin được thải và lưu giữ trong các hồ chứa xây dựng với tiêu chuẩn tương đương quy định đối với chứa chất thải nguy hại, chống thấm tuyệt đối, luôn có 01 khoang hoạt động và 01 khoang dự phòng không để rò rỉ bùn đỏ ra môi trường. Các nhà máy alumin đã đầu tư bổ sung hệ thống cửa chặn, phát hiện và tự động đóng trong trường hợp xảy ra sự cố, hạn chế nguy cơ rò rỉ xút ra ngoài nhà máy. Bùn quặng đuôi các nhà máy tuyển khoáng sản được thải trong các hồ chứa thiết kế theo quy định hồ thủy lợi, đập chắn thường xuyên được quan trắc dịch động, kịp thời củng cố đảm bảo an toàn.

- Để tăng cường quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường, bên cạnh việc quan trắc môi trường định kỳ theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, hàng năm TKV còn tổ chức quan trắc môi trường tập trung tại các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng ngoài ranh giới ở các vùng sản xuất tập trung như Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Lào Cai, Tây Nguyên; đầu tư các trạm quan trắc môi trường tự động nước thải, khí thải theo quy định, kết nối và truyền dưc liệu trực tiếp về. Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương và TKV.

- Bên cạnh việc đầu tư trực tiếp cho công tác BVMT, TKV cũng đã sắp xếp, đầu tư cải tạo, đổi mới công nghệ bốc rót tại các bến cảng góp phần giảm thiểu bụi, bẩn quá trình tiêu thụ than; đầu tư đổi mới công nghệ khai thác than, khoáng sản theo hướng cơ giới hoá, hiện đại hóa, ít ảnh hưởng đến môi trường (cột chống thuỷ lực, dàn chống thuỷ lực, máy khấu... trong khai thác hầm lò; máy xúc dung tích gầu xúc 10 m3, ô tô tải trọng 100 tấn trong khai thác lộ thiên...), nhờ đó đã giảm suất tiêu hao gỗ chống lò từ 45 - 50 m3/1000 tấn xuống 7,5 m3/1000 tấn than, giảm tỷ lệ tổn thất tài nguyên trong khai thác hầm lò từ 45 - 50 xuống 21,7% và trong khai thác lộ thiên từ 15 - 18% xuống 4,5%; đầu tư thiết bị lọc ép bùn các nhà máy tuyển than tăng tỷ lệ thu hồi, sử dụng nước tuần hoàn, giảm xả thải ra môi trường; các nhà máy nhiệt điện đầu tư theo công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng than chất lượng thấp tận thu tài nguyên, góp phần BVMT.

- Đề hỗ trợ, tạo điều kiện cho công tác BVMT, TKV đã xây dựng và ban hành các quy định, cơ chế nội bộ làm căn cứ cho các hoạt động BVMT. Lập các đề án BVMT dài hạn định hướng cho công tác BVMT. Tạo nguồn vốn cho công tác BVMT bằng việc trích 1,0% chi phí sản xuất lập Quỹ Môi trường tập trung để đầu tư các công trình BVMT và chi 0,5% chi phí sản xuất cho các hoạt động BVMT thường xuyên tại đơn vị. Tổ chức hệ thống chỉ đạo, quản lý công tác BVMT thống nhất từ tập đoàn đến các đơn vị thành viên. Thành lập các đơn vị chuyên ngành làm lực lượng nòng cốt cho công tác BVMT (Công ty TNHH MTV Môi trường; Công ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường). Tăng cường hợp tác quốc tế (Đức, Hàn Quốc, Nhật) áp dụng công nghệ BVMT mới; đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ làm công tác môi trường, tập huấn nâng cao nhận thức về BVMT chung trong TKV.

Chi phí cho công tác BVMT của TKV những năm gần đây

Khoản mục

Giá trị theo năm (triệu đồng)

2015

2016

2017

2018

1. Đầu tư công trình BVMT từ Quỹ Môi trường tập trung

702.903

584.469

506.731

-

2. Chi phí BVMT thường xuyên

342.389

499.724

584.615

949.053

Cộng

1.045.292

1.084.193

1.091.346

949.053

Ghi chú: Chi phí trên chưa tính đầu tư các tuyến băng tải, đổi mới công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản; chưa kể thuế, phí môi trường nộp ngân sách. Từ năm 2018 TKV không còn được trích lập Quỹ Môi trường tập trung.

tap doan cong nghiep than khoang san viet nam va hanh trinh bao ve moi truong vi su phat trien ben vung
Thợ mỏ tan ca.

Với việc chủ động thực hiện các biện pháp BVMT trong những năm vừa qua, TKV đã cơ bản khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường do quá trình khai thác khoáng sản trước đây để lại và xử lý, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường mới phát sinh; chất lượng môi trường, cảnh quan các vùng khai thác than, khoáng sản đã có sự cải thiện mạnh mẽ, tạo điều kiện ổn định cho sự phát triển của ngành, góp phần tính cực vào sự phát triển của các địa phương.

* *

*

Bên cạnh những kết quả đã đạt được nêu trên, tông tác BVMT trong ngành than, khoáng sản cũng còn những tồn tại, hạn chế cần ưu tiên khắc phục trong thời gian tới:

- Các khai trường, bãi thải mỏ than, khoáng sản, nhất là các khu vực nhìn được từ đô thị, khu dân cư chưa thể cải tạo phục hồi môi trường dứt điểm do đang còn hoạt động. Một số bãi thải do khó khăn trong giải phóng mặt bằng nên chưa xây dựng đủ đê đập ngăn đất đá theo quy hoạch, thiết kế.

- Bụi, bẩn từ quá trình vận chuyển than, khoáng sản, đất đá chưa được khắc phục triệt để; công tác vệ sinh công nghiệp, cảnh quan môi trường mặt bằng sản xuất các mỏ, một số nhà máy thực hiện chưa tốt, còn bụi, bẩn, lầy lội; nước mưa từ các khai trường, bãi thải mỏ, mặt bằng sản xuất có lưu lượng lớn còn cuốn trôi đất đá gây bồi lấp sông suối thoát nước.

- Nước thải phát sinh trong khai thác mỏ phụ thuộc vào lượng mưa nên có lúc, có nơi chưa được thu gom, xử lý triệt để theo quy chuẩn môi trường; các nhà máy nhiệt điện đôi lúc còn xả khí thải không đảm bảo quy chuẩn ra môi trường do sự cố thiết bị; một số bãi thải tro xỉ nhiệt điện đã đầy, việc mở rộng và cấp mới bãi thải gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà máy.

- Còn xảy ra một số sự cố ảnh hưởng đến môi trường: Sạt lở bãi thải do mưa lớn; vỡ đập, tràn bùn nước hồ thải quặng đuôi mỏ khoáng sản; rò rỉ dung dịch xút ra môi trường từ các nhà máy alumin; xả khí thải không đảm bảo quy chuẩn môi trường do sự cố thiết bị tại các nhà máy nhiệt điện.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những tồn tại, hạn chế nêu trên là do phạm vi hoạt động sản xuất rộng, khối lượng công việc BVMT lớn, khí hậu biến đổi bất thường theo hướng cực đoan, trong khi nguồn tài chính có hạn, năng lực đội ngũ làm công tác môi trường chưa cao, nhận thức về BVMT của một số cán bộ nhất là người đứng đầu chưa đúng mức. Ngoài ra chính sách pháp luật BVMT còn nhiều bất cập, chưa thực sự phù hợp với thực tiễn và chưa tạo môi trường thuận lợi cho công tác BVMT, như:

- Hệ thống văn bản pháp luật về BVMT hiện nay còn phức tạp, khó khăn cho việc áp dụng cũng như thực hiện; còn nặng về thủ tục hành chính mà thiếu quy định giám sát tuân thủ trong thực tế; còn thiếu các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể (tiêu chuẩn hồ thải quặng đuôi, tiêu chuẩn hồ thải bùn đỏ, quy định bán kính ảnh hưởng của các nhà máy...). Thủ tục, hồ sơ pháp lý về BVMT đối với các dự án khai thác khoáng sản quá nhiều (Đánh giá tác động môi trường, Phương án cải tạo phục hồi môi trường, Xác nhận hoàn thành công trình BVMT, Giấy phép xả nước thải, Công bố kế hoạch BVMT, Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại...) làm mất nhiều thời gian, công sức, chi phí để thực hiện .

- Một số quy định trong văn bản pháp luật BVMT không phù hợp với thực tiễn: Quy định cải tạo phục hồi môi trường nếu để lại thành hồ chứa nước thì độ sâu không quá 30m so với mức thông thủy (Phụ lục số 3 Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường); quy định về quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường quá chặt chẽ, hạn chế việc tái sử dụng (Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 và Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019); quy định về hồ sự cố môi trường, hồ chỉ thị sinh học (Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019)...

- Việc phân cấp quản lý trong lĩnh vực BVMT chưa thực sự rõ ràng, còn chồng chéo (Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn): Đoàn kiểm tra về hoạt động khoáng sản cũng kiểm tra về hoạt động BVMT; từ cấp tỉnh/thành đến quận/huyện, phường/xã đều có thể kiểm tra việc BVMT; phương án cải tạo phục hồi môi trường do Tổng cục Môi trường phê duyệt nhưng xác nhận hoàn thành do Tổng cục Địa chất và Khoáng sản chủ trì thực hiện; phân quyền quản lý công tác BVMT giữa các bộ/ngành chưa rõ ràng, nhất là với Bộ Công Thương; ...

- Quy định mức thuế, phí BVMT đối với khai thác khoáng sản (Nghị định số 67/2011/NĐ-CP ngày 08/8/2011, Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016) còn quá cao làm giảm nguồn lực tài chính của doanh nghiệp dành cho công tác BVMT tại nguồn phát sinh ô nhiễm. Phí BVMT đối với khai thác khoáng sản (Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016) cơ bản chưa được các địa phương sử dụng để giải quyết đúng những ảnh hưởng của việc khai thác khoáng sản đến môi trường.

- Quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực BVMT (Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ) đối với các vi phạm về hồ sơ, thủ tục BVMT còn quá nặng, không đảm bảo cho việc thực hiện tốt công tác BVMT trên thực tế. Mức xử phạt đối với tổ chức quy định gấp đôi cá nhân với cùng hành vi, mức độ vi phạm là không hợp lý.

- Chưa có quy định, chính sách đủ mạnh để tạo động lực thúc đầy tái chế, tái sử dụng các loại chất thải (tro xỉ nhiệt điện, chất thải rắn thông thường...); chưa có cơ chế cho phép/bắt buộc các doanh nghiệp trích lập nguồn kinh phí để chủ động chi cho BVMT (trích lập Quỹ Môi trường từ chi phí sản xuất, quy định tỷ lệ chi tối thiểu cho BVMT...).

- Giá than, điện còn bao cấp, chưa thực sự theo cơ chế thị trường nên nguồn lực tài chính dành để đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất cũng như chi cho công tác BVMT của ngành khai thác, chế biến than, khoáng sản, nhiệt điện than còn hạn hẹp; quy định về thủ tục đầu tư xây dựng (Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn) còn phức tạp, nặng nề ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư các công trình môi trường; quy định đấu thầu hiện nay vẫn thiên về giá rẻ gây khó khăn cho việc lựa chọn công nghệ tiên tiến...

* *

*

Để đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của đất nước trong giai đoạn mới, hướng tới mục tiêu trở thành ngành sản xuất xanh, phát triển hài hòa, thân thiện với môi trường và cộng đồng, phấn đấu xây dựng "công viên trong mỏ, nhà máy và nhà máy, mỏ trong công viên", thời gian tới công tác BVMT trong ngành than, khoáng sản cần tập trung thực hiện các công việc sau:

- Xây dựng các đề án, kế hoạch dài hạn làm định hướng cho công tác BVMT, ứng phó biến đổi khí hậu. Lồng ghép trong các quy hoạch, dự án đầu tư, kế hoạch dài hạn các giải pháp, công trình, nguồn vốn BVMT, ứng phó biến đổi khí hậu để chủ động triển khai thực hiện.

- Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp BVMT: Trồng cây cải tạo phục hồi môi trường; tiếp tục đầu tư các tuyến băng tải, tăng cường các giải pháp chống bụi ồn; vệ sinh công nghiệp, cải thiện cảnh quan môi trường; ngăn ngừa, hạn chế đất đá trôi lấp; thu gom, xử lý triệt để các loại chất thải; phòng ngừa sự cố môi trường, nhất là đối với các bãi thải, đập hồ chứa, nhà máy sử dụng hóa chất... Nghiên cứu kết hợp cải tạo phục hồi môi trường với phát triển các ngành kinh tế khác thân thiện với môi trường trên các vùng đất sau khai thác mỏ (du lịch sinh thái, điện mặt trời, cây công nghiệp, lâm nghiệp...); xử lý, tái chế các loại chất thải phát sinh trong sản xuất thành các sản phẩm để tái sử dụng cho sản xuất của ngành và cung cấp cho nền kinh tế.

- Tiếp tục nghiên cứu đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng hiện đại hóa, sử dụng ít năng lượng và nguyên vật liệu, ít phát thải ra môi trường; các dự án mới cần lựa chọn công nghệ kỹ thuật hiện đại, đầu tư đồng bộ các hạng mục BVMT trước khi đưa công trình vào hoạt động sản xuất. Tăng cường hợp tác quốc tế, nghiên cứu áp dụng công nghệ BVMT mới để nâng cao hiệu quả, giảm chi phí cho công tác BVMT.

- Ưu tiên dành nguồn lực tài chính, chi tối thiểu 1,5 - 2,0% chi phí sản xuất cho công tác BVMT. Duy trì và phát triển đơn vị làm công tác BVMT chuyên nghiệp trong ngành. Tổ chức hệ thống quản lý công tác BVMT chuyên trách, thống nhất từ Tập đoàn đến các đơn vị thành viên. Tăng cường đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác BVMT; đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức chung về BVMT.

- Tham gia hoàn thiện các quy định của pháp luật BVMT theo hướng giảm nhẹ thủ tục hành chính, tăng cường giám sát tuân thủ trong thực tế. Xây dựng cơ chế, chính sách, nhất là cơ chế về tài chính (trích lập quỹ môi trường từ chi phí sản xuất, chi tối thiểu cho công tác BVMT...) tạo điều kiện thuận lợi, chủ động cho công tác BVMT, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xử lý, tái chế chất thải./.

Hoàng Văn Khanh - Tổng hợp

Nguyễn Mạnh Điệp - Trưởng ban Môi trường, Tập đoàn Công nghiệp Than, khoáng sản Việt Nam (TKV)

Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động