Thái Nguyên: Ban hành Quy định thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế

05/07/2023 10:40 Chính sách - Pháp luật
UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 05/2023/QĐ-UBND Quy định thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Theo đó Quy định này quy định chi tiết việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên theo quy định tại Khoản 6 Điều 62 Luật Bảo vệ môi trường.

Đối tượng áp dụng của quy định là các cơ sở y tế bao gồm các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở y tế dự phòng; cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe; cơ sở nghiên cứu, xét nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định, thử nghiệm y, dược và có phát sinh chất thải rắn y tế trong quá trình hoạt động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Các cơ sở thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế nguy hại, chất thải rắn y tế thông thường; Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

rac thai y te
Quy định về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế giúp các cơ sở y tế chủ động hơn trong bảo vệ môi trường.

Quy định chung và nguyên tắc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế

1. Cơ sở y tế phải đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn quy định tại Khoản 1 Điều 62 Luật Bảo vệ môi trường.

2. Chất thải y tế lây nhiễm, chất thải nguy hại không lây nhiễm và chất thải rắn thông thường phải được quản lý theo đúng quy định pháp luật trong toàn bộ quá trình phát sinh, giảm thiểu, phân loại, thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý, tiêu hủy. Cụ thể như sau:

a) Chất thải rắn y tế nguy hại phải được thu gom, phân loại riêng với chất thải rắn thông thường trước khi đưa vào khu vực lưu giữ tại cơ sở phát sinh theo quy định của pháp luật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế.

b) Chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh từ các cơ sở y tế phải được xử lý ngay tại cơ sở y tế nếu có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, công nghệ, trang thiết bị, nguồn lực và cơ sở pháp lý (có giấy phép môi trường do cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp) hoặc thuê đơn vị có giấy phép xử lý chất thải nguy hại theo quy định tại Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT, hạn chế xử lý phân tán tại các cơ sở y tế.

c) Chất thải rắn y tế thông thường phải được phân loại, thu gom riêng biệt với chất thải rắn y tế nguy hại và được quản lý như đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường trước khi đưa vào khu vực lưu giữ tại cơ sở phát sinh theo quy định của pháp luật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế.

3. Việc thu gom, phân loại, lưu giữ, quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26/11/2021 của Bộ Y tế và các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

4. Thiết lập và tổ chức thực hiện cụm lưu giữ chất thải y tế nguy hại tập trung tại các Trung tâm y tế, Bệnh viện đa khoa của các huyện, thành phố (sau đây gọi chung là cụm lưu giữ chất thải y tế) để thu gom, lưu giữ chất thải y tế nguy hại từ các trạm y tế xã, phường, thị trấn và các cơ sở khám chữa bệnh khác trên phạm vi địa bàn của các huyện, thành phố về cơ sở xử lý chất thải. Gồm: Trung tâm y tế thành phố Thái Nguyên; Trung tâm y tế thành phố Sông Công; Trung tâm y tế thành phố Phổ Yên; Bệnh viện đa khoa huyện Phú Bình; Bệnh viện đa khoa huyện Đại Từ; Bệnh viện đa khoa huyện Định Hóa; Trung tâm y tế huyện Đồng Hỷ; Trung tâm y tế huyện Võ Nhai; Trung tâm y tế huyện Phú Lương.

5. Cụm lưu giữ chất thải rắn y tế và cơ sở y tế có thể thực hiện việc xử lý chất thải rắn y tế nguy hại ngay tại cơ sở y tế nếu có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, công nghệ, trang thiết bị, nguồn lực và cơ sở pháp lý (có giấy phép môi trường do cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp) hoặc thuê đơn vị có giấy phép xử lý chất thải nguy hại theo quy định tại Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.

6. Trường hợp các cụm lưu giữ chất thải y tế và cơ sở y tế cấp huyện có đủ điều kiện để thực hiện việc tự xử lý chất thải y tế ngay tại cơ sở thì việc phân loại chất thải y tế được thực hiện trên cơ sở các điều kiện về kỹ thuật và công nghệ hiện có của hệ thống xử lý chất thải đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép theo quy định. Hệ thống xử lý chất thải y tế phải bảo đảm chất thải y tế được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; có hệ thống xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn phát sinh từ quá trình xử lý chất thải y tế đảm bảo đạt quy chuẩn cho phép; có biện pháp kiểm soát, giám sát các thông số ô nhiễm phát thải ra môi trường.

7. Phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế nguy hại phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý theo quy định, không làm thất thoát chất thải ra bên ngoài.

8. Cơ sở thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại phải được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép theo quy định, bảo đảm chất thải y tế nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ và các Quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.

9. Các tổ chức cá nhân có phát sinh chất thải y tế và có hoạt động liên quan đến chất thải y tế phải thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo về công tác quản lý chất thải y tế theo quy định cho các cơ quan chức năng theo thẩm quyền quản lý.

10. Các cơ sở y tế, cơ sở vận chuyển, thu gom, xử lý chất thải và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất thải rắn y tế phải thực hiện nghiêm các quy định tại Điều 6 Luật Bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật có liên quan đối với các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường.

Quy định về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế thông thường:

1. Thu gom chất thải rắn y tế thông thường: Chất thải rắn y tế thông thường phục vụ mục đích tái chế và chất thải rắn y tế thông thường không phục vụ mục đích tái chế được thu gom riêng.

2. Vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế thông thường: Chất thải rắn y tế thông thường được chuyển giao cho đơn vị chức năng phù hợp để vận chuyển, xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

3. Trên cơ sở Danh mục chất thải rắn thông thường được phép thu gom phục vụ mục đích tái chế quy định tại Phụ lục số 01 kèm theo Thông tư 20/2021/TT-BYT, cơ sở y tế ban hành danh mục chất thải rắn thông thường được phép thu gom phục vụ mục đích tái chế phù hợp với tình hình phát sinh chất thải của đơn vị.

Quy định Thu gom chất thải rắn y tế nguy hại:

1. Thu gom chất thải rắn y tế lây nhiễm

a) Cơ sở y tế quy định luồng đi và thời điểm thu gom chất thải lây nhiễm phù hợp để hạn chế ảnh hưởng đến khu vực chăm sóc người bệnh và khu vực khác trong cơ sở y tế.

b) Dụng cụ thu gom chất thải phải đảm bảo kín, không rò rỉ dịch thải trong quá trình thu gom.

c) Chất thải phải thu gom riêng từ nơi phát sinh về khu vực lưu giữ chất thải tạm thời trong cơ sở y tế. Trước khi thu gom, túi đựng chất thải phải buộc kín miệng, thùng đựng chất thải phải có nắp đậy kín.

d) Chất thải phải xử lý sơ bộ gần nơi phát sinh để loại bỏ mầm bệnh bằng dung dịch khử khuẩn hoặc các thiết bị khử khuẩn. Đối với cơ sở y tế không có thiết bị khử khuẩn chất thải, trước khi thu gom túi đựng chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao phải buộc kín miệng túi và bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm thứ hai, buộc kín miệng túi và bỏ vào thùng thu gom chất thải lây nhiễm, bên ngoài thùng có dán nhãn "CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ LÂY NHIỄM CAO", được thu gom, lưu giữ riêng biệt tại khu lưu giữ chất thải lây nhiễm để xử lý hoặc chuyển giao cho đơn vị chức năng xử lý theo quy định.

đ) Tần suất thu gom chất thải lây nhiễm từ nơi phát sinh về khu lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế tối thiểu một lần một ngày. Đối với các cơ sở y tế có lượng chất thải lây nhiễm phát sinh dưới 05 kg trong một ngày, chất thải lây nhiễm được thu gom với tần suất tối thiểu một lần một ngày, chất thải lây nhiễm sắc nhọn được thu gom tối thiểu là một lần một tháng.

2. Thu gom chất thải nguy hại không lây nhiễm

a) Chất thải nguy hại không lây nhiễm được thu gom, lưu giữ riêng tại khu lưu giữ chất thải trong cơ sở y tế.

b) Thiết bị y tế bị vỡ, hỏng, đã qua sử dụng thải bỏ có chứa thuỷ ngân được thu gom và lưu giữ riêng trong các hộp bằng nhựa hoặc các vật liệu phù hợp, bảo đảm không bị rò rỉ, phát tán hơi thuỷ ngân ra môi trường.

Vận chuyển, chuyển giao, xử lý chất thải rắn y tế nguy hại được quy định như sau:

1. Các cơ sở y tế tự xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tại chỗ phải thực hiện vận chuyển chất thải rắn y tế nguy hại từ các khu vực phát sinh về khu vực lưu giữ chất thải rắn y tế của đơn vị để xử lý đảm bảo đúng quy định pháp luật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại. Cơ sở y tế tự xử lý chất thải y tế nguy hại phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại khoản 2 Điều 70 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Trường hợp công trình xử lý chất thải rắn y tế nguy hại của cơ sở không đảm bảo hoặc sự cố phát sinh chất thải tạm thời gây quá tải thì phải hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý chất thải nguy hại để xử lý theo quy định.

2. Các cơ sở y tế không đủ điều kiện xử lý chất thải y tế nguy hại tại chỗ phải thuê đơn vị có giấy phép môi trường có đầy đủ chức năng xử lý chất thải nguy hại phù hợp với loại chất thải cần vận chuyển để thực hiện vận chuyển đến nơi xử lý hoặc có thể hợp đồng lưu giữ, xử lý chất thải rắn y tế nguy hại với cụm lưu giữ chất thải rắn y tế nguy hại trên địa bàn. Trường hợp các cơ sở y tế có hợp đồng dịch vụ lưu giữ, xử lý chất thải y tế nguy hại với cụm lưu giữ chất thải y tế nguy hại tự vận chuyển chất thải y tế đến cụm lưu giữ chất thải y tế nguy hại trên địa bàn bằng các phương tiện cá nhân phải gắn thiết bị lưu chứa chất thải y tế nguy hại chuyên dụng đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường và các quy định về vận chuyển chất thải nguy hại trong quá trình vận chuyển; ghi chép đầy đủ số lượng chất thải sau mỗi lần chuyển giao trong sổ giao nhận chất thải theo mẫu quy định tại Phụ lục 06 kèm theo Thông tư số 20/2021/TT-BYT.

3. Khu vực lưu giữ chất thải y tế tại các cụm lưu giữ chất thải y tế nguy hại phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định tại Mục A Phụ lục số 03 của Thông tư 20/2021/TT-BYT. Khu vực lưu giữ chất thải y tế tại các cơ sở y tế phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định tại Mục B Phụ lục số 03 Thông tư 20/2021/TT-BYT.

4. Điều kiện về bảo vệ môi trường khi vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế nguy hại quy định tại Điều 42 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT. Cung đường và thời gian vận chuyển chất thải rắn y tế nguy hại thực hiện theo quy định của tỉnh Thái Nguyên về tuyến đường, thời gian vận chuyển chất thải nguy hại.

5. Việc chuyển giao chất thải y tế của các cơ sở y tế, cụm lưu giữ chất thải y tế cho các cơ sở xử lý chất thải (đối với cơ sở không tự xử lý chất thải rắn y tế) phải đảm bảo các yêu cầu theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 20/2021/TT-BYT và sử dụng chứng từ chất thải nguy hại thực hiện theo Mẫu số 04 - Phụ lục III Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.

Trần Quang Chiến
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động