Thái Nguyên: Hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2024

30/09/2024 10:48 Tăng trưởng xanh
Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn do Australia khởi xướng, được Chương trình môi trường Liên hợp quốc phát động trên toàn cầu từ năm 1993. Đến nay, Chiến dịch đã trở thành phong trào rộng khắp thế giới, góp phần nâng cao nhận thức, tăng cường hành động của nhân loại đối với các vấn đề về môi trường. Năm 2024, tại tỉnh Thái Nguyên cũng có nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn.
Thái Nguyên: Hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2024
Hoạt động ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường tại xóm Vu 2, xã Phú Đô nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn ở Phú Lương,

Doanh nghiệp hăng hái tham gia

Ngày 20-9, tại xã Phú Đô (Phú Lương – Thái Nguyên), Quỹ Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên) phối hợp với UBND huyện Phú Lương, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chi nhánh Thái Nguyên, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) chi nhánh Thái Nguyên và Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn” năm 2024.

Tại Chương trình, đại diện Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên đã bàn giao 8 máy lọc nước cho Trường Mầm non và Tiểu học Phú Đô; Ngân hàng Sacombank và Ngân hàng SHB bàn giao 40 xe gom rác đẩy tay dung tích 400 lít cho UBND huyện Phú Lương để thực hiện công tác thu gom rác; đồng thời tổ chức hoạt động ra quân vệ sinh môi trường tại xóm Vu 2, xã Phú Đô và thực hiện việc tuyên truyền kiến thức về bảo vệ môi trường cho học sinh Trường Tiểu học Phú Đô 1.

Thái Nguyên: Hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2024
Hỗ trợ 20 xe thu gom rác của Ngân hàng Sacombank cho huyện Phú Lương

Mít tinh hưởng ứng chiến dịch

Ngày 27/9, tại TP. Thái Nguyên (Thái Nguyên), Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2024. Tham dự buổi Lễ có đồng chí Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và trên 500 hội viên phụ nữ, người dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Phát biểu tại buổi mít tinh, đồng chí Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, cho biết: Theo Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiên nay lượng chất thải rắn sinh hoạt vẫn tiếp tục gia tăng, cả nước có hơn 64.000 tấn/ngày; khoảng 3,9 triệu tấn rác nhựa mỗi năm, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi ni lông và hơn 80% số túi ni long bị thải bỏ chỉ sau một lần sử dụng. Đáng chú ý, 70% chất thải sinh hoạt ở nước ta hiện đang được xử lý bằng hình thức chôn lấp hoặc đốt; các phương thức này vừa tốn nhiều quỹ đất, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa lãng phí tài nguyên từ rác.

Công tác bảo vệ môi trường đã được Hội LHPN Việt Nam triển khai tích cực trong nhiều năm qua, thông qua các cuộc vận động như: “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phong trào “Chống rác thải nhựa”; triển khai Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn; tích cực thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” của Chính phủ. Đặc biệt, đầu năm 2024, Trung ương Hội đã ký kết chương trình phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường về tuyên truyền, vận động phụ nữ và nhân dân tham gia quản lý chất thải rắn sinh hoạt, giai đoạn 2024 - 2027 nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong các hoạt động hỗ trợ quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên toàn quốc.

Phát biểu tại Chương trình, đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo vệ môi trường. Qua đó, việc phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường đã được chú trọng ngay từ khâu thẩm định đề xuất dự án đầu tư nhằm kiên quyết loại bỏ các dự án có công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; công tác thẩm định, cấp phép hồ sơ môi trường luôn được quan tâm đảm bảo tiến độ, chất lượng và tính khả thi của các giải pháp xử lý chất thải và bảo vệ môi trường; công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật, giám sát đột xuất nguồn thải, quan trắc hiện trạng môi trường định kỳ, quan trắc nguồn thải tự động được duy trì thường xuyên, kịp thời phát hiện và xử lý các vấn đề môi trường phát sinh…

Cũng tại buổi mít tinh, Ban Tổ chức đã trao hỗ trợ mô hình sinh kế trị giá 25 triệu đồng cho gia đình hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Thái Nguyên; cam kết trồng 20 triệu cây xanh, góp phần thực hiện thành công Đề án trồng mới 1 tỷ cây xanh, giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ; tuyên truyền cán bộ, hội viên phụ nữ đẩy mạnh phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; xây dựng và duy trì các mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả.

Đình Hợi
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động