Thiếu quy định đánh giá tác động môi trường với cụm mỏ khai thác đá

27/09/2019 15:16 Tác động môi trường
Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra hướng dẫn cụ thể, tạo tiền để cho việc đánh giá tác động môi trường tại các cụm mỏ khai thác đá.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, trên địa bàn Đồng Nai có hàng chục mỏ đá đang khai thác.

Các mỏ này được phân bố theo cụm (3 cụm thuộc thành phố Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu và Thống Nhất) với nhiều mỏ đá cùng hoạt động.

Trong khi đó, việc đánh giá tác động môi trường chỉ được thực hiện cho từng mỏ, pháp luật thiếu quy định cụ thể nhằm đánh giá tác động môi trường tổng thể cho từng cụm mỏ. Điều này gây ra nhiều hệ lụy với môi trường.

thieu quy dinh danh gia tac dong moi truong voi cum mo khai thac da
Một công trình khai thac đá. (Nguồn: TTXVN)

Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho biết, các mỏ đá ở Đồng Nai đều hoạt động theo đúng quy định của Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường.

Toàn bộ đánh giá tác động môi trường của mỏ đá đều được Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện và phê duyệt.

Bất cập hiện nay là cả 3 cụm mỏ đều chưa có đánh giá tác động môi trường tổng thể.

Điều này khiến cơ quan chức năng chưa tính toán hết những tác động đến môi trường tại các khu vực quanh mỏ đá cả trong quá trình khai thác cũng như sau khi khai thác xong.

Đơn cử như tại cụm mỏ đá Phước Tân (thành phố Biên Hòa) có 10 mỏ đá đang hoạt động và cả 10 mỏ đều thực hiện đánh giá tác động môi trường.

Tuy nhiên, sau rà soát tổng thể, ngành chức năng nhận thấy, việc khai thác đá ở cụm mỏ Phước Tân có nguy cơ đe dọa sự “sống còn” của sông Buông.

Bởi các mỏ đá nằm hai bên sông Buông được khai thác với cốt âm 80 mét (sâu 80 mét).

Sau khi các mỏ đá khai thác xong, sông Buông có nguy cơ trở thành “dòng sông nổi,” hai bên bờ sông sẽ là những vách đá dựng đứng với độ sâu hàng chục mét.

Do thiếu đánh giá tác động môi trường tổng thể nên việc tính toán mức độ ô nhiễm tại các cụm mỏ chưa đúng với thực tế, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm không khí.

Kết quả hai đợt quan trắc gần đây của Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho thấy, tại hai cụm mỏ đá Phước Tân (thành phố Biên Hòa) và Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) nồng độ bụi vượt so với quy chuẩn cho phép từ 1,12-16,24 lần.

Ông Hưng cho rằng, thực hiện đánh giá tác động môi trường đối với các cụm mỏ đá là cần thiết, song hiện chưa có quy định hay hướng dẫn nào của Nhà nước đối với việc này.

Vì vậy, ở Đồng Nai cũng như cả nước chưa có địa phương nào thực hiện đánh giá tác động môi trường với cụm mỏ.

Trước những nguy cơ mà cụm mỏ đá có thể gây ra, tới đây, ngành chức năng Đồng Nai sẽ thuê đơn vị tư vấn có năng lực, trình độ để tiến hành khảo sát, đánh giá tổng thể ảnh hưởng của cụm mỏ đá đối với môi trường xung quanh.

Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra hướng dẫn cụ thể, tạo tiền để cho việc đánh giá tác động môi trường tại các cụm mỏ.

Đồng Nai là tỉnh có trữ lượng đá xây dựng lớn nhất ở miền Nam. Toàn tỉnh có 32 mỏ đá đang khai thác với tổng diện tích hơn 1.100hécta, công suất khai thác mỗi năm đạt hơn 22 triệu m3.

Những năm qua, khai thác đá ở Đồng Nai gây ra nhiều hệ lụy với môi trường, người dân rất bức xúc.

Theo TTXVN
Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động