Thủ tướng Chính phủ ra Công điện yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả bão Noru
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 875/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung khắc phục hậu quả bão Noru |
Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai (PCTT) 29/9, mưa lũ sau bão số 4 tại Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm 6 người chết và mất tích (3 người chết, 3 người bị mất tích tại Nghệ An, không có người chết trong bão). Bên cạnh đó, bão số 4 đã làm 74 người bị thương; 95 nhà sập, 3.264 nhà bị hư hại, tốc mái, 1.415 nhà bị ngập. Về nông nghiệp, đã có 295ha lúa, 1.038ha hoa màu, 6ha thủy sản bị ngập; 5.262 cây xanh gãy đổ. Nhiều công trình thủy lợi, bờ sông, đường giao thông bị sạt lở…
Trước những thiệt hại vô cùng lớn đó, ngày ngày 30/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 875/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung khắc phục hậu quả bão số 4 và chủ động ứng phó với thiên tai trong thời gian tới.
Tại Công điện này, Thủ tướng gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đến các gia đình có người bị nạn, chia sẻ với những khó khăn, mất mát, vất vả của cấp ủy, chính quyền địa phương và các hộ dân bị ảnh hưởng do đợt bão, lũ vừa qua.
Trước tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến thiên tai ngày càng bất thường, cực đoan, Thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác PCTT với phương châm chủ động phòng ngừa, kịp thời, quyết liệt ứng phó, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ, đặt nhiệm vụ bảo đảm an toàn tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết. Các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên-vùng trọng điểm bị tác động của bão, lũ trong thời gian tới tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động triển khai công tác PCTT kịp thời, hiệu quả theo phương châm "4 tại chỗ", trong đó đặc biệt là công tác bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, giảm thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Người dân Lệ Thủy (Quảng Bình) dọn dẹp trường học sau bão nhằm nhanh chóng đưa học sinh tới trường (hình minh họa) |
Các địa phương bị ảnh hưởng của bão, lũ vừa qua tập trung tìm kiếm người còn mất tích; hỗ trợ cứu chữa người bị thương. Tổ chức hỗ trợ, thăm hỏi, động viên, chia sẻ với các gia đình bị thiệt hại do bão, lũ, nhất là các gia đình có người bị chết, mất tích, gia đình chính sách, hộ khó khăn. Tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đói do bão lũ, nhất là các hộ có nhà bị đổ, trôi, hộ ở vùng bị ngập sâu, sạt lở chia cắt, bảo đảm không để người dân bị đói, rét, khát. Bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở do bão lũ; huy động các lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa, dựng lại nhà ở, dọn vệ sinh môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau bão lũ…/.
Phạm Sinh - Trường Giang
Tin mới
Tin khác
Bà Rịa - Vũng Tàu: Tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý việc xả nước thải ra môi trường ở các nhà hàng, quán ăn ven biển
Thông tư Quy định phương pháp lập khung giá phát điện của nhà máy điện chất thải rắn và nhà máy điện sinh khối
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.