Thực nghiệm mô hình chăn nuôi “Heo đen” trên đệm lót sinh học tại tỉnh Bình Thuận
Mồ hình chăn nuôi Heo đen trên đệm sinh học. |
Từ lâu, chăn nuôi heo đen là nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Bình Thuận. Đây là giống heo có khả năng thích nghi cao, chống chịu bệnh tốt, sử dụng tốt các loại thức ăn thô, nghèo dinh dưỡng, chi phí đầu tư cho chăn nuôi thấp, chất lượng thịt thơm ngon. Hiện giống heo này còn rất ít, phân bố rải rác ở những vùng xa xôi, hẻo lánh của tỉnh.
Việc phát triển nguồn sản phẩm đặc trưng này có ý nghĩa quan trọng góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc ít người trong tỉnh và để gìn giữ một giống heo quý. Do đó, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ Khoa học công nghệ tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình “Nuôi heo đen trên đệm lót sinh học” tại Khu thực nghiệm Công nghệ sinh học của Trung tâm.
Người dân tham quan, học tập kinh nghiệm nuôi heo đen tại Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ Khoa học công nghệ tỉnh. |
Mô hình nuôi heo đen tại Trung tâm được thực hiện với quy mô 08 heo cái và 01 heo đực trên 12 m2 chuồng trại được bố trí đệm lót sinh học. Nếu tính theo hướng sinh sản, từ năm thứ 02 trở đi heo sinh sản bình quân 02 lứa/năm, 01 lứa đẻ bình quân 08 con; heo cái sinh sản khoảng 20 lứa bắt đầu thay giống. Lợi nhuận bình quân từ năm thứ 02 trở đi lãi gần 80 triệu đồng/năm.
Việc thực hiện mô hình này đã góp phần bảo tồn và phát triển giống heo đen bản địa tại tỉnh Bình Thuận, cũng như đang duy trì và phát triển hiệu quả tại Khu thực nghiệm thuộc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ Khoa học công nghệ tỉnh, là nơi cung cấp giống heo đen thuần chủng và sản phẩm heo thịt an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân./.