Tiếp thêm động lực cho báo chí đấu tranh phòng chống tham nhũng
Đóng góp vào thành tích chung đó, hệ thống báo chí cả nước đã tích cực tuyên truyền, phản ánh những hành vi, hiện tượng tiêu cực, góp phần cung cấp thông tin xử lý các vụ việc, tăng thêm niềm tin của nhân dân vào các cơ quan công quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tiếp nối thành công của Giải lần thứ nhất, Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ hai, năm 2018-2019 do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức đã tiếp thêm động lực cho những người làm báo tiếp tục phát hiện, đấu tranh, lên án những hiện tượng, hành vi tham nhũng, lãng phí; phản ánh vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân.
Báo chí thể hiện sự dấn thân, tính chiến đấu trong phòng, chống tham nhũng
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ảnh: TTXVN |
Báo cáo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng ngày 25/6/2018 khẳng định: “Công tác phòng, chống tham nhũng được chỉ đạo thực hiện ráo riết, quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, được nhân dân rất hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ; các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá tích cực. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”. Bên cạnh việc phát hiện, đấu tranh, lên án, các tác phẩm báo chí thời gian qua đóng góp tích cực vào công tác tuyên truyền phòng, chống tham nhũng; đi sâu tìm tòi, phản ánh công tác hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí; mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch; đặc biệt là biểu dương, cổ vũ những cách làm hay, những kinh nghiệm tốt, điển hình tiên tiến trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội đã phát huy vai trò giám sát của mình, của nhân dân, báo chí và công luận; xây dựng, thực hiện cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh phòng, chống suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; thể hiện vai trò tích cực trong tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát để quản lý xã hội công khai, minh bạch.
Mặt trận đã trở thành nơi để người dân có thể phản ánh, tố giác tội phạm tham nhũng, tố giác những người có biểu hiện suy thoái, tiêu cực, nhũng nhiễu nhân dân… Đây là những tiền đề quan trọng để phát động Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, cũng là động lực để Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên cùng vận động, phát huy sức mạnh, tạo sự đồng tình, đồng thuận của nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Được phát động từ ngày 2/1/2018 - 21/6/2019, Ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ hai đã nhận được 1.046 tác phẩm dự thi, trong đó có 1.002 tác phẩm hợp lệ của 4 thể loại: Báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình của trên 100 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương. Trong số 60 tác phẩm báo chí được lựa chọn vào chung khảo của hơn 100 cơ quan báo chí trong cả nước, Hội đồng chung khảo đã chọn được 35 tác phẩm xuất sắc để trao 4 giải A, 9 giải B, 10 giải C và 12 giải khuyến khích.
Đánh giá về các tác phẩm tham dự Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ hai, năm 2018-2019, ông Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Giải cho rằng, các tác phẩm đã bám tương đối sát với chủ đề, tiêu chí của Thể lệ Giải, thể loại đa dạng, tập trung nhiều nhất vào mảng phóng sự điều tra, ký, chuyên luận. Nhiều phóng sự truyền hình, phát thanh, bài chuyên luận, phóng sự trên báo in, báo điện tử công phu từ 3 đến 5 kỳ tập trung vào phản ánh các vụ án tham nhũng; công tác cải cách bộ máy hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Nhiều tác phẩm được thể hiện rất công phu, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật làm báo hiện đại. Đặc biệt, năm nay tham gia dự thi có các tác phẩm, phim tài liệu về đề tài nhân vật điển hình trong phòng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm như: phim tài liệu “Ông Lực cao tốc” phát sóng trên VTV8, Đài Truyền hình Việt Nam; tác phẩm “Ma trận vàng đen trong cơn khát năng lượng” (Báo điện tử Vietnamplus, Thông tấn xã Việt Nam)…, qua đó làm cho Giải thêm sinh động.
Các tác phẩm được lựa chọn vào chung khảo có chất lượng khá tốt, nội dung đề tài đa dạng. Tiêu biểu như loạt 3 bài: “Ai để SABECO bán rẻ đất vàng” (Báo Tuổi trẻ); loạt 4 bài: “Kết quả thanh tra về đất đai tại huyện Sóc Sơn” (Báo Kinh tế - Đô thị); loạt 5 bài: “Truyền bá chuyện vong báo oán tại chùa Ba Vàng” (Báo Lao động điện tử); loạt 3 bài: “Công nhân Bình Dương cải tiến trong lao động sản xuất, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” (Báo điện tử Bình Dương)…
Các tác phẩm phát thanh, truyền hình tham dự Giải ngày càng có nhiều sự sáng tạo về hình thức thể hiện. Nhiều tác phẩm phát thanh được thể hiện bằng các hình thức mới mẻ, hấp dẫn như phát thanh thực tế, có nhiều tiếng động hiện trường tạo ra sự sinh động, hấp dẫn. Bên cạnh các tác phẩm của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), một số đài địa phương như Đài Phát thanh – Truyền hình Lâm Đồng, Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Tĩnh, Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Ngãi, Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội… cũng đã có sự đầu tư thích đáng để có những tác phẩm hay, phát huy được thế mạnh của phát thanh hiện đại. Các chương trình truyền hình của Đài truyền hình Việt Nam (VTV) và các đài địa phương như: Sóc Trăng, Thái Bình, Lai Châu, Thái Nguyên, Hưng Yên, Quảng Trị… cũng đã được đầu tư công phu và thể hiện với chất lượng hình ảnh tốt, cách thức thể hiện tương đối hiện đại, thu hút được sự chú ý của người xem.
Tuy nhiên, theo đánh giá từ Ban tổ chức, Giải năm nay vẫn chưa có nhiều tác phẩm về đề tài đấu tranh phòng, chống lãng phí, tiêu cực, biểu dương những tấm gương tích cực trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Một số tiêu cực về tham nhũng, lãng phí trong xã hội mà nhân dân đang quan tâm còn chưa được phản ánh thỏa đáng qua các tác phẩm dự Giải. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng cơ quan báo chí, tác giả chưa nghiên cứu kỹ thể lệ Giải nên đã gửi tác phẩm dự thi không phù hợp.
Đánh giá cao công tác phối hợp giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam trong tuyên truyền, vận động các nhà báo, các cơ quan phát thanh, truyền hình, thông tấn báo chí, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, Hội Nhà báo các cấp hưởng ứng Giải một cách tích cực, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng, các cơ quan báo chí và đội ngũ phóng viên, biên tập viên, quay phim… đã thể hiện rõ trách nhiệm, tinh thần dấn thân, bất chấp mọi khó khăn, nguy hiểm để có được các tác phẩm báo chí hay, có tính chiến đấu cao và tính nhân văn sâu sắc, góp phần vào thành công của Giải lần này. Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Giải năm nay đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ, so với Giải lần thứ nhất, các tác phẩm tham dự được nâng lên cả về chất lượng và số lượng, cho thấy sự vào cuộc tích cực của nhân dân cả nước đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ghi nhận những nỗ lực của đội ngũ phóng viên tham gia điều tra chống tham nhũng, lãng phí, đã luôn đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ và những biểu hiện tiêu cực khác trong đời sống xã hội.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ luôn đồng hành, chia sẻ với các cơ quan thông tấn báo chí và tiếp tục bảo vệ những người làm báo để mỗi nhà báo luôn thể hiện được bản lĩnh của mình trước cuộc đấu tranh cam go, quyết liệt này.
Báo chí phòng, chống tham nhũng: Chính quyền ghi nhận, người dân chung tay
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân trao giải B cho các tác giả. Ảnh tư liệu: Nguyễn Dân/TTXVN |
“Ai để SABECO bán rẻ đất vàng” là tựa đề chung loạt 3 bài báo in của nhóm tác giả Trần Vũ Nghi, Hoàng Điệp, Thân Hoàng, được đăng trên Báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh. Tác giả Trần Vũ Nghi chia sẻ, trong quá trình thực hiện loạt bài, điều khó khăn nhất là việc tìm kiếm các tài liệu, văn bản, quyết định có liên quan đến vụ việc từ nhiều cấp, lẫn bộ, ngành. Vì dự án từ lúc "thai nghén" cho đến khi "nên hình nên vóc" kéo dài hơn 10 năm, nên việc tìm kiếm các văn bản, hợp đồng ký kết, quyết định thành lập lẫn thoái vốn khỏi dự án, là vô cùng gian nan, không hề dễ dàng.
Chia sẻ về loạt bài phát thanh: “Giải bài toán lãng phí đất đai Khu công nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu long” của nhóm tác giả Trần Trung Hiếu, Nguyễn Chu Trinh, Phan Văn Ánh (Cơ quan Thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực Đồng bằng sông Cửu Long), tác giả Trần Trung Hiếu cho biết, sau khi loạt bài được phát sóng trên VOV1, trong một cuộc họp của UBND thành phố Cần Thơ, vấn đề này đã được nêu ra để đề nghị có biện pháp sớm khắc phục, tránh làm ảnh hưởng kéo dài đến cuộc sống người dân. HĐND thành phố đề nghị phía chính quyền đưa ra giải pháp và UBND thành phố Cần Thơ cũng cho biết sẽ nỗ lực giải quyết những tồn tại nói trên; khẳng định sẽ kiên quyết thu hồi những diện tích đất không triển khai dự án từ các công ty, chủ đầu tư được giao đất nhưng không thực hiện.
“Tôi rất mừng là phía chính quyền địa phương ghi nhận những phản ánh từ loạt bài để có những động thái xử lý. Cần Thơ là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có điều kiện thuận lợi nhất để phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên vẫn bị vướng mắc rất nhiều trong vấn đề quy hoạch khu công nghiệp”, anh Trần Trung Hiếu chia sẻ.
Trong số nội dung các tác phẩm dự giải năm nay, Ban Tổ chức đánh giá cao các tác phẩm về đề tài nhân vật điển hình trong phòng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm. Không chỉ đơn thuần là tác phẩm báo chí phản ánh sự việc, con người, quá trình thực hiện phóng sự “Người cựu chiến binh trên mặt trận chống tiêu cực”, nhóm tác giả Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Phúc Thành (Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội) ấn tượng về sự kiên trì, tâm huyết của người cựu chiến binh hơn 10 năm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đó là ông Nguyễn Trung Dật (cán bộ quân đội đã nghỉ hưu, đảng viên; trú tại xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội) trong nhiều năm đã có đơn thư phản ánh, tham gia đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng đất đai, kinh tế ở địa phương.
Sau quá trình kiên trì phản ánh của ông Dật, tháng 2/2019, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về việc giải quyết tố cáo của ông về vấn đề vi phạm đất đai tại huyện Thạch Thất, trong đó có việc huyện này giao 200 lô đất ở tại xã Canh Nậu không qua đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật. Tác giả Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, vai trò, sự ủng hộ, tham gia tích cực của người dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí rất quan trọng. Do đó, những tấm gương điển hình trong lĩnh vực đấu tranh này cần được lan tỏa, biểu dương nhiều hơn nữa để tiếp tục khơi dậy tinh thần phòng, chống tham nhũng, lãng phí của cộng đồng, vốn là nhân tố ảnh hưởng sâu rộng tới hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của cả nước.
Với 35 tác phẩm tiêu biểu sẽ được vinh danh tại Lễ trao giải, những người làm báo trên cả nước đều hy vọng Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tiếp tục duy trì Giải, là nơi nhà báo đưa ra xã hội, công chúng các vấn đề, vụ việc ở nhiều lĩnh vực hiện vẫn còn tồn tại không ít khuất tất, sai phạm. Những tình trạng này cần được xử lý, giải quyết, từ đó mới hy vọng các vấn đề gây bức xúc trong xã hội sẽ dần bị đào thải, nhường chỗ cho những điều tốt đẹp, những điều mang lại giá trị cốt lõi trong cuộc sống ngày một lan tỏa nhiều hơn, xa hơn.